Mường La đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh

Phát huy tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ huyện Mường La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi phương thức sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ manh mún nhỏ lẻ sang tập trung, chuyên canh, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thành viên HTX chuối tây Sơn La Mạc Phi, xã Mường Bú đóng gói sản phẩm xuất khẩu.

Đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp xanh trên địa bàn. Chỉ đạo UBND huyện, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.

Sau 2 năm triển khai nghị quyết, đến nay, huyện Mường La có 826 ha cây trồng được cấp chứng nhận an toàn, chứng nhận hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, đạt 118% chỉ tiêu nghị quyết. Sản lượng quả đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, VietGAP, an toàn thực phẩm 1.565 tấn. Đến nay, huyện có 25 mã số vùng trồng, với diện tích 633 ha; 284 lồng cá sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm, sản lượng khoảng 180 tấn. Huyện đã phối hợp với Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La trồng 10 ha dứa, 26 ha ngô ngọt, 11 ha đậu tương, 10 ha rau chân vịt cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến. Toàn huyện có 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, là gạo nếp tan Ngọc Chiến, sản phẩm du lịch cộng đồng của HTX du lịch cộng đồng Ngọc Chiến, mật ong đá Chiềng Lao và 3 sản phẩm OCOP 3 sao, là thịt bò hun khói Thúy Sương, táo đại Hưng Thịnh, tinh dầu sả Java. Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, thành viên HTX đăng ký xây dựng mã số vùng xuất khẩu. Trong 2 năm (2021-2022), huyện hỗ trợ xây dựng kho lạnh, nhà sấy, hỗ trợ xây dựng, thiết kế sản phẩm OCOP; hỗ trợ thuê tổ chức đánh giá chứng nhận VietGAP cho các HTX; hỗ trợ thuê đơn vị tư vấn xây dựng hệ thống nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, in nhãn mác, mua bao bì mới đóng gói sản phẩm đưa đi tiêu thụ với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.

Xã Mường Bú có vùng trồng cây ăn quả nhiều nhất huyện, với 1.600 ha xoài, nhãn, mít, táo, bưởi, mận, cam, vải thiều, chuối..., sản lượng đạt trên 11.500 tấn quả/năm. Ông Cà Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã vận động các hộ dân ứng dụng các kỹ thuật vào chăm sóc cây ăn quả, phòng trừ sâu bệnh hại, tạo sản phẩm an toàn đối với sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến nay, diện tích cấp chứng nhận an toàn, chứng nhận hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, mã số vùng trồng của xã đạt hơn 400 ha; trong đó 350 ha chuối. Năm 2022, sản lượng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 420 tấn và thị trường EU 60 tấn.

Ông Quàng Văn Phi, Giám đốc HTX chuối tây Sơn La Mạc Phi, xã Mường Bú, chia sẻ: Hiện nay, HTX đang liên kết sản xuất trên 150 ha chuối tây, tất cả đều được đăng ký mã số vùng trồng. HTX luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn, sản phẩm chuối của chúng tôi đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Mỗi ngày, HTX thu mua 10 tấn quả, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương tham gia đóng gói, vận chuyển sản phẩm xuất khẩu.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện Mường La có 700 ha cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Đồng thời, phát triển các loại cây trồng, như xoài, cây mận, chuối, dứa... theo chuỗi liên kết phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; sản lượng đạt 20.100 tấn; trong đó 4.690 tấn được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ, theo hướng hữu cơ, sản phẩm an toàn. Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quả xoài địa phương; chè bản địa xã Ngọc Chiến; hoa anh đào xã Chiềng Lao, Ngọc Chiến; nếp tan Ít Piệng, xã Nặm Păm. Phát triển đàn bò thịt 30.800 con, sản lượng thịt hơi 5.068 tấn, trong đó, sản phẩm thịt bò hữu cơ đạt 300 tấn.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, huyện Mường La tăng cường tuyên truyền về lợi ích của sản xuất hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, làm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của nông dân. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng sản phẩm OCOP, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ, sản phẩm an toàn. Thu hút, tạo điều kiện cho nhà đầu tư liên kết với các HTX thực hiện các dự án trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới