Lợi ích từ chăn nuôi an toàn sinh học

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chăn nuôi an toàn sinh học đang trở thành giải pháp hiệu quả để bảo vệ đàn vật nuôi và mang lại “lợi ích kép” cho người chăn nuôi, vừa tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Giọng nữ
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn người dân làm đệm lót sinh học nuôi gà.

Trang trại nuôi lợn của gia đình anh Lò Văn Sinh, bản Nà Ngần, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, luôn duy trì nuôi 10 con lợn nái và từ 150-170 con lợn thịt. Ngoài đầu tư hệ thống làm mát, quạt thông gió; việc phòng, chống dịch bệnh luôn được gia đình đặt lên hàng đầu và tuân thủ đúng quy trình, phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Lợn giống được tiêm phòng đầy đủ, thức ăn phù hợp với độ tuổi, giai đoạn phát triển của lợn, vừa tăng sức đề kháng, vừa đảm bảo chất lượng thịt.

Anh Sinh chia sẻ: Từ khi áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đàn lợn khỏe mạnh. Khoảng 3-5 ngày, phun tiêu độc khử trùng toàn bộ trang trại 1 lần, hạn chế tối đa người ra vào để tránh mầm bệnh từ nơi khác. Mỗi năm, gia đình xuất bán khoảng 500 con lợn thịt, trừ chi phí, thu lãi khoảng 500 triệu đồng.

Ngoài nuôi lợn, mô hình nuôi gia cầm an toàn sinh học cũng được nhiều hộ áp dụng. Trang trại nuôi gà của gia đình anh Lò Văn Hiệp, bản Tân Ban, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, hiện có 500 con gà thịt chuẩn bị xuất bán. Anh Hiệp cho biết: Cùng với tuân thủ chặt chẽ quy trình an toàn sinh học, từ con giống, vệ sinh chuồng trại, nguồn gốc thức ăn, chú ý tiêm phòng, bổ sung vitamin và men vi sinh cho đàn gà để tăng sức đề kháng.

An toàn sinh học đối với các cơ sở chăn nuôi là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y, nhằm ngăn ngừa mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong cơ sở chăn nuôi; không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực chăn nuôi trong trại, không để vật nuôi trong trại phát bệnh.

Mô hình nuôi gà an toàn sinh học của nông dân xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên.

Theo thống kê, toàn tỉnh đang duy trì nuôi hơn 675.000 con lợn, trên 7,7 triệu con gia cầm. Bên cạnh các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, các hộ chăn nuôi chủ yếu xen lẫn với khu dân cư là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, việc áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học là cần thiết, là điều kiện tiên quyết để xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới có 26 vùng, cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng thêm 2 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh lở mồm long móng trâu, bò và 2 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh dại động vật.

Nông dân xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, thông tin: Thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn các hộ chăn nuôi quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, hỗ trợ các hộ đủ điều kiện tham gia các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi, như con giống, thức ăn, kỹ thuật sản xuất; phân bổ vắc xin và hướng dẫn tiêm phòng... Ngoài ra, thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các quy tắc trong chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, ngành Nông nghiệp và PTNT đang đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người chăn nuôi; chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi; tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới