Liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh

Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khép kín, sản xuất hữu cơ, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh.

Giọng nữ
Vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu tại huyện Mai Sơn.

 Mai Sơn có 9.169 ha cây cà phê, trong đó 7.600 ha cây đã cho thu hoạch, tổng sản lượng đạt gần 90.000 tấn quả tươi/năm. Trên địa bàn huyện có 5 nhà máy và hàng trăm hộ chế biến cà phê. Các nhà máy đang liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi tiêu thụ hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Nhà máy chế biến cà phê Sơn La do Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La đầu tư 260 tỷ đồng xây dựng trên diện tích hơn 4 ha, công suất 50.000 tấn quả cà phê tươi, tương đương 12.500 tấn cà phê nhân/năm. Nhà máy có quy mô đầu tư lớn, hiện đại, đồng bộ giữa dây chuyền sản xuất và hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn, bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La, cho biết: Nhà máy được lắp đặt 2 dây chuyền công nghệ sát ướt sử dụng tiết kiệm nước, tuần hoàn và dây chuyền công nghệ sát khô kín, lọc bụi. Đặc biệt, toàn bộ nước thải, chất thải, vỏ cà phê và các phụ phẩm trong quá trình chế biến được đưa sang Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc sản xuất phân bón hữu cơ. Công nghệ này, xử lý tất cả các chất thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh, cung ứng lại cho nông dân.

Với dây chuyền chế biến hiện đại và lợi thế trong sự liên kết sản xuất hữu cơ tuần hoàn với Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc, Nhà máy chế biến cà phê Sơn La đang đẩy mạnh kế hoạch liên kết sản xuất và cung ứng cà phê bền vững gắn với tăng trưởng xanh đạt chứng nhận quốc tế (4C, RA, Organic và không gây mất rừng - EUDR) theo chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.

Từ niên vụ cà phê 2023, Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La đã hợp đồng với các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất cà phê liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đến nay, đã liên kết với gần 1.500 hộ, quy mô gần 2.000 ha. Đồng thời, ký hợp đồng tiêu thụ cà phê nhân với Công ty TNHH thương mại và chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam (LDC), để xuất khẩu cà phê sang các nước châu Âu, sản lượng đạt 5.000 tấn cà phê nhân và cung cấp khoảng 11.000 tấn vỏ cà phê sau chế biến cho Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc để sản xuất  phân bón hữu cơ vi sinh.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phiêng Quài Tong Chinh, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, từ năm 2023 đã liên kết với Nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc trong việc cung ứng và sử dụng phân bón. 20 ha cà phê, nhãn, mắc ca, thanh long của HTX đã hoàn toàn sử dụng phân bón do nhà máy cung cấp đã cho năng suất, chất lượng vượt trội, tăng giá trị kinh tế trên cùng diện tích canh tác. Doanh thu đạt 500 triệu - 1,6 tỷ đồng/năm/thành viên.

Nhân dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn thu hái cà phê.

Gia đình ông Lò Văn Nghĩa, thành viên HTX bản Phiêng Quài Tong Chinh có hơn 3 ha cà phê trồng xen cây nhãn, mắc ca. Trước đây, năng suất chỉ đạt khoảng 15 tấn/ha, từ năm 2023, gia đình sử dụng phân bón hữu cơ Sông Lam Tây Bắc, năng suất tăng lên hơn 30 tấn/ha. Ông Lò Văn Nghĩa chia sẻ: Sử dụng phân bón hữu cơ Sông Lam Tây Bắc, giúp cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, ra hoa, đậu quả và chín đều; đặc biệt, làm cho đất tơi xốp và tăng sức đề sáng sâu, bệnh, thân thiện môi trường.

Với sự liên kết trong tiêu thụ, chế biến, cung ứng vật tư phân bón sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn. Nhà máy sản xuất phân bón Sông Lam Tây Bắc - Nhà máy chế biến cà phê Sơn La đang cung cấp, tiêu thụ nông sản cho nông dân tỉnh Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung, từng bước chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới