Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Kích hoạt động lực kinh tế tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân chính là dân, trong dân và từ dân, cho nên nguồn lực của kinh tế tư nhân là nguồn lực từ nhân dân, nguồn lực từ dân tộc. Sức mạnh phát triển của kinh tế tư nhân là không giới hạn.

Giọng nữ
Lắp ráp ô-tô tại Nhà máy ô-tô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu, Ninh Bình). (Ảnh LÊ ĐỘ)
Lắp ráp ô-tô tại Nhà máy ô-tô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu, Ninh Bình). (Ảnh LÊ ĐỘ)

Trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân-đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm định vị sứ mệnh của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Việt Nam. Từ đó đề ra hệ thống khung khổ tư duy phát triển kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng một cách đầy đủ, ngắn gọn.

Định vị sứ mệnh của kinh tế tư nhân

Trước tiên, Tổng Bí thư nhấn mạnh phải ổn định kinh tế vĩ mô, vì chỉ khi ổn định vĩ mô, nền kinh tế mới phát triển được và khi đó, doanh nghiệp mới dự đoán được thị trường, tính toán được dài hạn để đưa ra các quyết định đầu tư. Trong khung khổ tư duy phát triển, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc đến hệ thống pháp luật với đầy đủ những từ khóa cần tháo gỡ để xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn. Đó là bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp tư nhân, thống nhất quan điểm "mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm"... Điều này là rất cần thiết để doanh nhân, doanh nghiệp yên tâm tập trung đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hạn chế những rủi ro pháp lý. "An tâm" là từ khóa được Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại nhiều lần trong bài viết, chỉ khi an tâm và có lòng tin, lúc đó, người dân mới dốc hết của cải và năng lực sáng tạo của mình cho đầu tư phát triển.

Không chỉ là cách thừa nhận, ghi nhận sự phát triển của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, tư duy của Tổng Bí thư Tô Lâm về kinh tế tư nhân còn là cách nhìn theo hướng "động", tức là nhìn một cách toàn diện về tiềm năng chưa khai phá được và chỉ ra những rào cản đang kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế này. Không chỉ gặp những rào cản trong tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn tín dụng, tài nguyên nhân lực chất lượng cao, khu vực kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, rủi ro pháp luật, thiệt thòi trong chính sách ưu đãi,…

Đó là nguyên nhân quan trọng khiến không ít doanh nghiệp tư nhân "không thể lớn". Trong quá trình mở rộng và phát triển kinh doanh, tại những thời điểm bước ngoặt, có cơ hội kinh doanh, thì họ không tiếp cận được đất đai, không huy động được số vốn đủ lớn, không nắm bắt và sở hữu được công nghệ phù hợp, đủ hiện đại để tận dụng cơ hội kinh doanh và bứt phá, phát triển. Với cách tiếp cận như vậy, Tổng Bí thư khẳng định cần quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực quan trọng hàng đầu của đất nước. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các lĩnh vực chiến lược, phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng, công nghiệp mũi nhọn và an ninh năng lượng, như dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, hạ tầng số…

Kích hoạt động lực kinh tế tư nhân ảnh 1
Sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng tại Nhà máy của Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Bắt đầu từ nhóm giải pháp nào?

Kinh tế tư nhân Việt Nam gồm hai khối. Một là các doanh nghiệp đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác (tổ chức tín dụng, chứng khoán, công chứng…). Khối thứ hai là hộ kinh doanh cá thể, được chia thành hai bộ phận: Hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP; 56% tổng đầu tư xã hội; 28-30% tổng kim ngạch xuất khẩu; tạo hơn 80% công ăn việc làm xã hội. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể. Đối với loại hình doanh nghiệp, tính đến hết ngày 31/12/2024, cả nước có khoảng 980 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Số doanh nghiệp thành lập mới đang giảm dần, trong khi đó số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng nhanh trong thời gian gần đây khiến tốc độ tăng trưởng hằng năm của doanh nghiệp giảm mạnh. Đối với hình thức hộ kinh doanh gia đình, cả nước có khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh, hoạt động tập trung ở các thành phố lớn. Với quy mô và đặc điểm nêu trên, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực hội nhập của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn thấp. Tuy những năm gần đây, Việt Nam đã xuất hiện một nhóm doanh nghiệp quy mô lớn mang tính quốc gia nhưng còn rất ít và chưa có doanh nghiệp/tập đoàn kinh tế quy mô khu vực và quốc tế.

Sau đại dịch Covid-19 và sự chững lại của quá trình cải cách môi trường kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất, nhất là khu vực kinh tế tư nhân. Để kích hoạt động lực kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ bảy nhóm giải pháp cần tập trung triển khai thực hiện. Vấn đề quan trọng tiếp theo là ai làm, và thực hiện ưu tiên thế nào để thổi bùng lên khát vọng kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân với vai trò là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng.

Có lẽ phải bắt đầu từ những giải pháp khôi phục lại niềm tin của khu vực tư nhân thông qua cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh Việt Nam tuy đã có nhiều cải cách, hoàn thiện trong mấy chục năm qua nhưng còn không ít khiếm khuyết lớn. Các nhóm giải pháp phải tập trung giải quyết được những điểm nghẽn thể chế, tập hợp các quy định của pháp luật và cách thức thực thi tạo thành môi trường kinh doanh mà ở đó, doanh nghiệp có quyền tự do đầu tư kinh doanh; được bảo đảm quyền tài sản, được bình đẳng về cơ hội kinh doanh và tiếp cận các nguồn lực, chi phí tuân thủ thấp... Bên cạnh đó, cần hình thành các chính sách giảm chi phí, tăng lợi nhuận và thu nhập… nhằm khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư và phát triển kinh doanh theo định hướng mục tiêu của Nhà nước.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/7/2025

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/7/2025

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của rìa Bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục 18-21 độ vĩ Bắc nối với cơn bão số 02, kết hợp với hội tụ gió lên đến mực 3.000 m hoạt động yếu. Thời tiết: Có mây, chiều và đêm có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ngày nắng.
  • 'Hoạt động thông suốt, ổn định sau sáp nhập

    Hoạt động thông suốt, ổn định sau sáp nhập

    Xã hội -
    Sau khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức được triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La, xã vùng cao Xím Vàng chủ động tổ chức bộ máy, vận hành đồng bộ, đảm bảo mọi hoạt động hành chính diễn ra thông suốt, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân.
  • 'Siết chặt quản lý thị trường hàng hóa

    Siết chặt quản lý thị trường hàng hóa

    Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng quản lý thị trường, thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh…, Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức của các tổ chức, cá nhân đối với việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.