Chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, nắm bắt thị trường, Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái Efarm xã É Tòng, huyện Thuận Châu đã liên kết đầu tư, phát triển nuôi gà đen bản địa, cung cấp ra thị trường, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu đã triển khai mô hình nuôi gà đen thuần chủng thả vườn đồi theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn xã É Tòng với 5 hộ tham gia, quy mô trên 3.000 con. Giống gà đen thuần chủng được nhập từ Trung tâm thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi (Viện chăn nuôi quốc gia), tổng kinh phí thực hiện hơn 400 triệu đồng, trong đó các hộ đóng góp gần 120 triệu đồng, còn lại là ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Đến tháng 2/2022, đã thành lập HTX nông nghiệp sinh thái Efarm để liên kết các hộ dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện, HTX có 10 thành viên tại xã É Tòng và xã Mường Bám.
Hỗ trợ kỹ thuật cho thành viên HTX, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà H'Mông thương phẩm theo hướng an toàn sinh học; hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm, trị giá hơn 100 triệu đồng. Bảo tồn nguồn giống gen thuần chủng, năm 2023, HTX đã đầu tư máy ấp trứng, liên kết các hộ chăn nuôi mở rộng quy mô chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Riêng năm 2023, HTX đã xuất bán hơn 5.000 con gà thịt, trọng lượng bình quân từ 1,5-2 kg/con; cung ứng ra thị trường 4.000 con gà giống. Tổng doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng.
Chị Lò Thị Bưởi, Giám đốc HTX, chia sẻ: Đảm bảo có sản phẩm cung ứng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ tháng 8/2023, các thành viên HTX đã đồng loạt nhập gà giống về nuôi, chủ động thức ăn đảm bảo trọng lượng gà thịt xuất bán. Năm nay, tổng đàn gà thịt của HTX đạt trên 3.000 nghìn con, sản lượng đạt khoảng 5,1 tấn. HTX còn chủ động tái đàn, nuôi gối để cung ứng gà ra thị trường.
Ông Lò Văn Kham, bản Nà Hem, xã É Tòng, thành viên HTX nông nghiệp sinh thái Efarm có 500 con gà đen bản địa bán dịp tết năm nay. Ngay từ tháng 8, ông Kham đã chuẩn bị chuồng trại, tiêu độc, khử trùng các mầm bệnh. Sau đó, nhập gà giống từ HTX về nuôi theo mô hình thả vườn. Để có đàn gà khỏe mạnh, ông đã tiêm phòng đầy đủ vắc xin, áp dụng các biện pháp phòng bệnh viêm ruột, cảm cúm. Đồng thời, bổ sung các loại thức ăn, như: Ngô, sắn, cám gạo trộn với rau, cây chuối để gà chắc thịt, thơm ngon. Ông Kham cho biết: Hiện nay, gia đình tôi đã xuất bán 500 con gà thịt ra thị trường, trung bình mỗi con có trọng lượng từ 1,5-2,2 kg, bán với giá từ 150.000-180.000 đồng/kg, trừ chi phí, tết năm nay, gia đình tôi thu lãi hơn 60 triệu đồng từ bán gà.
Còn gia đình chị Lò Thị Thinh, bản Bôm Kham, xã Mường Bám, là hộ liên kết với HTX nông nghiệp sinh thái Efarm, duy trì nuôi 1.000 con gà đen thuần chủng. Chị Thinh khoe: Nhận thấy khí hậu, điều kiện tại địa phương phù hợp chăn nuôi gà tập trung, tôi bàn với gia đình đầu tư hệ thống chuồng trại, trồng hơn 1 ha ngô, sắn, chuối để chủ động thức ăn chăn nuôi. Thời điểm giáp tết, thời tiết lạnh nên gia đình chủ động quây kín, giữ ấm chuồng trại cho gà vào ban đêm. Trước tết 2 tuần, gia đình tôi xuất bán trên 1 tấn gà hơi cho thương lái của huyện Thuận Châu, Thành phố và huyện Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên. Hiện nay, trại gà còn khoảng 300-400 con, gia đình tôi không xuất bán, để gà đẻ trứng, chủ động con giống cho lứa gà tiếp theo.
Mô hình nuôi gà đen thuần chủng mở ra triển vọng để nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập, xóa nghèo cho nhân dân ở vùng cao của huyện Thuận Châu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!