Được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, hàng nghìn hộ nông dân huyện Yên Châu đã đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, cải tạo vườn tạp, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cùng cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Yên Châu đến thăm gia đình bà Đào Thị Dịnh, bản Thồng Phiêng, xã Chiềng Pằn. Năm 2020, gia đình bà được vay 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm, cùng số tiền tiết kiệm, gia đình đã đầu tư chuồng trại kiên cố, xây hầm biogas để nuôi 30 con lợn thịt. Sau đó, mở rộng quy mô và áp dụng kỹ thuật để nhân rộng đàn lợn. Bà Dịnh cho biết: Hiện mỗi năm gia đình tôi nuôi 150 con lợn thịt, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, bản Kim Sơn 1, xã Yên Sơn, thuộc diện hộ cận nghèo. Năm 2016, gia đình anh vay 20 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện để trồng 200 cây mận hậu. 3 năm sau, gia đình trả hết số tiền gốc và lãi, tiếp tục vay 100 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới ẩm, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc 400 cây mận hậu. Đầu năm nay, gia đình anh nuôi 20 con lợn thương phẩm; áp dụng kỹ thuật trồng mận hậu chín sớm. Anh Dũng chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, gia đình đã xuất bán hơn 1 tấn thịt lợn hơi, với giá 55.000 đồng/kg; 7 tấn quả mận hậu chín sớm, giá trung bình 50.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 150 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi đang tiếp tục chăm sóc vườn mận chính vụ, dự kiến thu hoạch 40 tấn quả. Gia đình tôi phấn đấu trong năm nay sẽ thoát nghèo.
Hàng năm, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Châu phân công cán bộ hướng dẫn 273 tổ TK&VV họp bình xét đối tượng cho vay trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng đối tượng; phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác đến các hộ vay vốn để kiểm tra và hướng dẫn việc sử dụng vốn vay hiệu quả. Tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn về tín dụng chính sách, công tác kiểm tra, kiểm soát; quản lý tổ TK&VV; cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách tín dụng mới của Đảng, Nhà nước, của Ngân hàng CSXH Việt Nam… cho đội ngũ cán bộ các đoàn thể, tổ trưởng tổ TK&VV. Đồng thời, hướng dẫn việc đối chiếu dư nợ của tất cả các hộ vay vốn theo quy định, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở những hộ có sai phạm trong sử dụng vốn vay, chậm nộp tiền lãi, chậm trả tiền gốc, góp phần bảo toàn nguồn vốn vay.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng đã tạo điều kiện cho 702 lượt khách hàng vay vốn theo chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vay đầu tư cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, vay vốn giải quyết việc làm, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh... với tổng dư nợ 33,2 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ đã đầu tư nuôi gần 100 con trâu; trồng và cải tạo 95 ha cây ăn quả; mua máy móc và công cụ lao động đầu tư sản xuất, kinh doanh; đầu tư xây dựng 262 công trình nước sạch và công trình vệ sinh; xây mới, sửa chữa 10 nhà ở
Ông Đàm Văn Thịnh, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Yên Châu, cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu triển khai hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Trong đó, phát huy vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về công tác tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho UBND huyện, Ban đại diện Hội đồng quản trị huyện chỉ đạo các xã rà soát và lập nhu cầu vay vốn sát với kế hoạch, đảm bảo nguồn vốn tăng trưởng từ 6-8%. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát tại các điểm giao dịch xã và chất lượng hoạt động của tổ TK&VV; kiện toàn các tổ hoạt động chưa tốt.
Việc triển khai hiệu quả chương trình chính sách tín dụng ở Yên Châu đã giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!