Nhiều năm nay, cây ngô là nguồn thu nhập chủ yếu của nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, do cây ngô chủ yếu canh tác trên đất dốc, thường xuyên bị rửa trôi, bạc màu, năng suất không ổn định. Đặc biệt, hai năm nay giá ngô xuống thấp, việc tiêu thụ sản phẩm không thuận lợi, đời sống người nông dân trồng ngô gặp nhiều khó khăn.
Nông dân xã Lóng Luông (Vân Hồ) thu hoạch ngô.
Sản xuất, kinh doanh ngô đều gặp khó
Vụ xuân hè năm nay, nông dân toàn tỉnh gieo trồng trên 153.500 ha ngô, trong đó chủ yếu là các giống ngô lai, đến đầu tháng 11, bà con đã cơ bản thu hoạch xong toàn bộ diện tích, năng suất bình quân 38,8 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 596.500 tấn.
Theo những người nông dân trồng ngô thì chưa năm nào việc sản xuất lại khó khăn như năm nay. Đầu năm nắng hạn nên thời gian gieo trồng bị kéo dài, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây ngô, đến khi thu hoạch nhiều nơi ngô lại bị mốc, thối. Tuy nhiên, theo tổng hợp của Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm nay năng suất ngô bình quân cao hơn năm 2015 khoảng 1,8 tạ/ha, nhưng chỉ có các huyện Yên Châu, Mộc Châu, Vân Hồ, Sông Mã và Thành phố năng suất đạt trên 40 tạ/ha, cao nhất là Thành phố (45,2 tạ/ha), các địa phương còn lại năng suất từ 31-39 tạ/ha. Với năng suất và giá bán như hiện nay từ 3.700-3.800 đồng/kg ngô bắp, thì người nông dân hầu như không có lãi, thậm chí không đủ chi phí sản xuất, đấy là chưa kể ở những vùng sâu, vùng xa, giá ngô bắp chỉ từ 2.800-2.900 đồng/kg. Đa số những người nông dân trồng ngô đều cho rằng năm nay là năm khó khăn nhất kể từ trước đến nay, tính trung bình một ha ngô phải đầu tư hơn 5 triệu đồng tiền giống, gần 15 triệu tiền phân bón, thuốc trừ sâu, tính cả công thuê vận chuyển, tách hạt, tổng chi phí hết khoảng 23 triệu đồng, như vậy, vụ ngô năm nay có nhiều hộ nông dân bị lỗ.
Vừa thu hoạch và bán hết hơn 12 tấn ngô lai LVN10, trong lúc nông nhàn, ông Lò Văn Phanh, bản Hươn, xã Chiềng Đông (Yên Châu) đi bốc vác thuê cho các lò sấy để có thêm thu nhập. Ông Phanh chia sẻ: Năm nay, gia đình trồng 2,5 ha ngô LVN10, vất vả cả vụ nhưng đến khi bán, trừ hết chi phí còn lãi không đáng kể, nhưng thế vẫn còn may, nhiều hộ trong bản còn phải đi vay lãi, đến khi bán ngô không đủ tiền trả nợ.
Người trồng ngô gặp khó là thế, còn các cơ sở kinh doanh, lò sấy ngô cũng chỉ hoạt động khoảng 35-40% công suất so với những năm trước. Bà Ngô Thị Giang, chủ cơ sở kinh doanh ngô tại tiểu khu 39, xã Cò Nòi (Mai Sơn) cho biết: Những năm trước, vào mùa ngô các lò sấy đều chạy hết công suất và phải đến trung tuần tháng 12 mới tiêu thụ hết ngô trong dân, năm nay, đến thời điểm này gần như đã hết ngô, phải gom mấy ngày mới đủ một xe ba chục tấn, vụ ngô này lò sấy của gia đình chỉ thu mua và xuất bán được hơn 4.000 tấn, bằng 1/3 so với năm 2015. Tính trung bình 1 tấn ngô bắp mua vào hết 3,8 triệu đồng, sau khi tách hạt, sấy đạt tiêu chuẩn độ ẩm mới xuất bán được 5,1 triệu đồng, trừ hết chi phí chỉ lãi hơn 100 nghìn đồng/tấn.
Duy trì diện tích ngô phù hợp
Năm 2016, diện tích ngô toàn tỉnh đã giảm trên 6.400 ha, nhưng sản lượng lại tăng gần 4.000 tấn so với năm 2015. Theo chia sẻ của nhiều hộ nông dân, thì việc canh tác cây ngô những năm gần đây không hiệu quả, do cây ngô chủ yếu trồng trên đất dốc, thường xuyên bị rửa trôi, bạc màu, phải đầu tư giống mới, vật tư phân bón, thuốc trừ sâu thì mới bảo đảm năng suất, giá ngô lại không ổn định, nhiều nơi thu nhập không đủ chi phí, việc tiêu thụ sản phẩm ngày càng khó khăn, nên nhiều vùng bà con đang bỏ canh tác cây ngô để chuyển sang trồng một số loại cây khác.
Hiện nay, bước vào thời kỳ mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, các sản phẩm nông sản nhập khẩu từ các nước có nền sản xuất tiên tiến đang dần chiếm lĩnh thị trường trong nước. Trong đó, sản phẩm ngô nhập khẩu đã tác động trực tiếp đến việc sản xuất ngô của nông dân trong tỉnh. Mặc dù sản phẩm ngô của Sơn La có chất lượng tốt, nhưng nếu như cứ giữ lối canh tác nhỏ lẻ, lạc hậu, chủ yếu lấy diện tích bù sản lượng của nông dân như hiện nay thì không thể cạnh tranh được với ngô nhập khẩu và dự báo trong những năm tới nông dân trồng ngô trong tỉnh sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Từ thực tế trên cho thấy, tỉnh ta cần chỉ đạo rà soát lại diện tích canh tác cây ngô, tuyên truyền, vận động nông dân duy trì diện tích hợp lý tại những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, chính quyền các xã trong việc cung cấp thông tin về thị trường, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Giải pháp phát triển bền vững
Trao đổi với bà Phạm Thị Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) được biết: Hiện nay, với mục tiêu phát triển sản xuất bền vững, tỉnh đã có chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có chất lượng cao, trong đó chủ yếu là đất trồng ngô và một số loại cây công nghiệp. Đồng thời, các huyện, thành phố đã tổ chức rà soát, đánh giá, thống kê khoảng 31.000 ha đất dốc, đề xuất chuyển đổi sang trồng cây ăn quả giai đoạn 2017-2020. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành hướng dẫn chuyển đổi cây lương thực trên đất dốc sang trồng cây ăn quả và triển khai xây dựng các mô hình canh tác hiệu quả để hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Tỉnh cũng đã xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng và mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc, tạo việc làm và thu nhập bền vững cho nông dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!