Triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở một số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đã mang lại hiệu quả “kép”, vừa giúp các cán bộ trẻ tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, vừa phát huy sự năng động, sáng tạo trong tổ chức, quản lý đơn vị, tạo động lực cho các HTX sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.
Mô hình liên kết trồng dứa của HTX Nông nghiệp Nam Phượng, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp.
Toàn tỉnh hiện có 736 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó 638 HTX đang hoạt động; số HTX hoạt động chưa hiệu quả, thậm chí yếu kém chờ giải thể vẫn chiếm tỷ lệ cao. Cán bộ quản lý HTX vừa thiếu, vừa yếu là một trong những nguyên nhân khiến các HTX nông nghiệp hạn chế trong quản lý, điều hành, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, mở rộng liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ các HTX nói chung và HTX lĩnh vực nông nghiệp nói riêng; khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển HTX mới; tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của HTX. Hằng năm, tổ chức bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Một trong những giải pháp hỗ trợ các HTX là tỉnh triển khai thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020.
Theo đó, đã bố trí cán bộ trẻ về làm việc tại 5 HTX, gồm: HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Phượng, huyện Sốp Cộp; HTX Nông nghiệp Tô Múa, huyện Vân Hồ; HTX Chanh leo Thuận Châu, huyện Thuận Châu; HTX Dịch vụ nông nghiệp Bảo Lâm, huyện Bắc Yên; HTX Trồng cam Văn Yên, huyện Phù Yên. Các HTX được tự chủ và tự quyết định trong tuyển dụng trí thức trẻ tham gia mô hình, ưu tiên lao động tại địa phương, góp phần tạo nguồn nhân lực gắn bó lâu dài với HTX. Mỗi HTX được hỗ trợ 1 trí thức trẻ làm việc trong thời gian 36 tháng, mức hỗ trợ tối đa cho 1 HTX bằng mức lương tối thiểu vùng nhân với số tháng được hỗ trợ.
Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phượng, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp được thành lập năm 2011, phương án sản xuất kinh doanh còn đơn lẻ với quy mô nhỏ, lợi nhuận chưa cao. Ông Nguyễn Duy Phượng, Giám đốc HTX, cho biết: Khi được hỗ trợ 1 cán bộ tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, lại là người dân tộc tại địa phương về làm việc đã giúp HTX tìm và đưa các nguồn giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thổ nhưỡng địa phương; đồng thời mạnh dạn áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, HTX mở rộng ngành nghề kinh doanh với 1,5 ha nuôi trồng thủy sản, 3 trang trại nuôi lợn rừng, bò sinh sản và gà thịt, gà giống; liên kết với các hộ dân trồng 8 ha dứa cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La; phát triển mô hình nuôi ong tại 40 gia đình ở các xã Mường Và, Dồm Cang, Sốp Cộp... Doanh thu trung bình hàng năm đạt trên 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12 lao động chính và 16 lao động thời vụ...
Còn HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bảo Lâm, huyện Bắc Yên lại được “tiếp sức” từ một trí thức trẻ có chuyên ngành kế toán. Ông Cầm Văn Cương, Giám đốc HTX, cho biết: Khi mới thành lập HTX, vị trí kế toán là kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn, thường gặp sai sót trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Năm 2019, chúng tôi được hỗ trợ 1 kế toán tốt nghiệp cao đẳng về làm việc, mọi hồ sơ, chứng từ, công tác báo cáo tài chính được triển khai quy củ, bài bản. Đặc biệt, các quy định mới về thuế đều được kế toán cập nhật kịp thời, xử lý nhanh gọn, tạo niềm tin cho các thành viên HTX.
Sau 3 năm triển khai thực hiện thí điểm, các trí thức trẻ về làm việc tại HTX đã phát huy tốt vai trò, chức năng của mình trong việc hỗ trợ các HTX phát triển, phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đáp ứng được việc cung ứng các dịch vụ cho thành viên, đổi mới tổ chức quản lý, tạo động lực thúc đẩy HTX hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, nguồn nhân lực này đã giúp các HTX quản lý, lưu trữ hồ sơ, sổ sách, báo cáo tài chính được tốt hơn; hỗ trợ HTX tiếp cận với công nghệ thông tin trong công tác quản lý cũng như giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Tuy nhiên, số lượng HTX thụ hưởng chính sách thời gian qua là quá ít. Do vậy, tỉnh Sơn La đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1804 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025. Dự kiến, trong năm 2022, sẽ tiếp tục nhân rộng chương trình; mỗi HTX được hỗ trợ tối đa 2 trí thức trẻ làm việc trong thời gian 36 tháng, mức hỗ trợ tối đa cho 1 HTX bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng.
Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt thúc đẩy các HTX phát triển. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, các HTX cần thay đổi tư duy sản xuất, tìm kiếm thị trường, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh hiệu quả, đảm bảo lợi ích của các thành viên và đóng góp quan trọng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!