Phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng, huyện Phù Yên triển khai hiệu quả các dự án đầu tư hỗ trợ sản xuất; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, tăng thu nhập cho nông dân.
Thăm cánh đồng bản Lềm, xã Huy Tân, ấn tượng với hệ thống tưới nước tiết kiệm, chủ động và được phủ nilon, tạo sản phẩm hoa quả sạch, an toàn cung cấp cho thị trường. Anh Đinh Văn Chức, chia sẻ: Gia đình có 5.000m2 chuyên trồng cà pháo và dưa lê được đầu tư hệ thống tưới chủ động và sử dụng màng nilon phủ luống để giữ ẩm và hạn chế phát triển cỏ dại, sâu bệnh. Hằng năm, riêng cây cà pháo cho thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 11, mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Đồng chí Đinh Văn Mừng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Lềm, xã Huy Tân, thông tin: Cả bản có 150 hộ, khoảng 3 năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông, nông nghiệp huyện, bà con biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hiện nay, bản gieo trồng 28,5 ha lúa; 22ha rau màu các loại, chủ yếu là bí xanh, các loại dưa và cây cà… trong đó, 10ha áp dụng màng phủ ni lon; 1ha tưới nhỏ giọt và hệ thống tưới tiết kiệm, giúp nhân dân có thu nhập ổn định, cả bản chỉ còn 4 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo.
Còn tại xã vùng III Mường Do, nông dân trong xã đã liên kết thành lập HTX và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhà lưới trồng rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Hà Văn Đức, Giám đốc HTX Đồng Tiến, chia sẻ: HTX thành lập năm 2020, với 7 thành viên, từ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, HTX đầu tư xây dựng hơn 2.400m2 trồng rau, cà chua trái vụ, dưa lưới, dưa chuột. Sản lượng hằng năm đạt trên 10 tấn các loại, thu nhập gần 300 triệu đồng/năm.
Hiện nay, xã Mường Do có 2 HTX, 1 tổ hợp tác; duy trì 2.400m2 nhà màng; gieo trồng hơn 18ha lúa theo hướng hữu cơ; trồng 14ha chanh leo nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La; 21ha chè... nâng cao thu nhập cho nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 21,4 %, giảm 3,33% so với năm 2022.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, năm 2023, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Yên phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật và trình diễn 11,5 ha giống lúa, giống ngô mới; khảo nghiệm phân bón hữu cơ cho 2,3 ha lúa; 40 ha chanh leo cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La; tổ chức 147 lớp sản xuất lúa hữu cơ; ủ chua thức ăn kết hợp với phòng trừ viêm da nổi cục; phòng chống dịch tả lợn châu Phi; nhận biết sâu bệnh hại; thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật; chăn nuôi thú y và nuôi gà đen… cho 5.480 lượt nông dân
Đến nay, huyện Phù Yên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cam Phù Yên”, “Tỏi Phù Yên”, “Gạo Phù Yên”. Trồng mới 40ha chanh leo; 251ha cây gai xanh; duy trì 7.319m2 nhà màng tại các hợp tác xã; 32ha sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm; 631,8 ha lúa hữu cơ và theo hướng hữu cơ. Ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi cũng được chú trọng, đang duy trì, hướng dẫn trên 80 hộ tại xã Mường Cơi, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ nuôi thường xuyên 100 - 500 con/hộ; nuôi 250 lồng cá theo tiêu chuẩn VietGAP tại vùng lòng hồ Sông Đà...
Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Thực hiện Đề án số 03-ĐA/HU ngày 28/01/2021 của Huyện ủy Phù Yên về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, hằng năm, Phòng chủ động tham mưu với huyện thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp. Dựa tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp; vận động nhân dân tích cực thâm canh tăng vụ, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; đầu tư các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành nông nghiệp, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Từ đó, dần hình thành và phát triển vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho nhân dân.
Tạo bứt phá trong nông nghiệp, huyện Phù Yên đang tập trung nâng cao chất lượng 15 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn; thu hút các doanh nghiệp, HTX khảo sát khí hậu, thổ nhưỡng đưa các giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao phù hợp vào trồng, hình thành các vùng nguyên liệu. Hình thành chuỗi sản xuất, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cung cấp thông tin thị trường. Xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả, ứng dụng công nghệ tưới chủ động. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, hiệu quả, an toàn, sạch bệnh, theo hướng sản xuất hàng hoá nhằm tăng dần tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp; hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả và từng bước chuyển đổi số trong sản xuất nông sản...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!