Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh Sơn La đã triển khai Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, với mục tiêu tối ưu hoá hoạt động, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế số của tỉnh.

Giọng nữ

Hiện nay toàn tỉnh có 3.760 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp cơ bản nhận thức tốt về chuyển đổi số và quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ sản xuất, kinh doanh, như: Ứng dụng quản lý kế toán, nhân sự, tiền lương, thuế, thanh toán điện tử... Ngoài ra, một số doanh nghiệp tư nhân đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất, chất lượng sản phẩm, bán hàng trực tuyến; quản lý hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng và phát triển thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngân hàng, bưu điện, viễn thông... đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng dịch vụ.

Công nhân Công ty Điện lực Sơn La kiểm tra hệ thống lưới điện bằng camera nhiệt.

Với mục tiêu chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; ứng dụng khoa học công nghệ để giảm tối đa chi phí, Công ty Điện lực Sơn La đã từng bước chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh. Công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành các phần mềm quản lý, ứng dụng dùng chung. Đến nay, cơ bản thực hiện số hóa toàn bộ dữ liệu về khách hàng, cán bộ công nhân viên; dữ liệu lưới điện 110 kV, lưới điện trung áp; dữ liệu liên quan tới các công trình đầu tư xây dựng, thiết bị đo đếm... Ngoài ra, 100% hồ sơ tài liệu, văn bản đến và đi, hợp đồng với khách hàng đều được số hóa. Cùng với đó, Công ty đã số hóa các quy trình nội bộ trong các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng, tài chính, kế toán, kỹ thuật, an toàn, thông qua việc xây dựng chương trình số hóa theo quy trình của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc.

Bà Lê Thị Song Hảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La, cho biết: Đến hết tháng 12/2024, Công ty đã hoàn thành thay thế toàn bộ công tơ cơ khí 1 pha của khách hàng bằng công tơ điện tử. Đây là bước tiến quan trọng trong hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng, nâng cao chất lượng quản lý và dịch vụ, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đồng thời, áp dụng các công nghệ mới thực hiện dịch vụ chăm sóc khách hàng, cung cấp đầy đủ các dịch vụ điện, tiện ích nhắn tin trên website của Công ty.

Khách hàng Ngân hàng SHB Chi nhánh Sơn La sử dụng giao dịch chuyển khoản online.

Ngân hàng TMCP An Bình, Chi nhánh Sơn La sau hơn 15 năm hoạt động, từ 1 điểm giao dịch tại Thành phố, đến nay, mở rộng phòng giao dịch tại các huyện Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã, Sốp Cộp. Thích ứng với sự phát triển, ABBank Sơn La chủ động chuyển đổi số, gia tăng tiện ích cho khách hàng, duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Đơn vị tập trung triển khai hạng mục số hóa vận hành nội bộ, việc nghiên cứu, xây dựng một hệ Smartform hồ sơ tại quầy, giúp ABBank đẩy nhanh tốc độ giao dịch với khách hàng. Công tác tự động hóa các yêu cầu phát hành, hỗ trợ thẻ ngay khi ghi nhận yêu cầu trên hệ thống và tích hợp các mẫu biểu điện tử,  giảm thời gian thực hiện giao dịch từ 5 - 7 phút/giao dịch phi tài chính, như: Đăng ký các dịch vụ mở tài khoản, mở thẻ, đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp...  Đến nay, nhân viên của ngân hàng sử dụng thành thạo các phần mềm, tiện ích trong quản lý vận hành công việc, giao dịch khách hàng; thay đổi thói quen, tư duy thực hiện công việc phù hợp với xu thế chuyển đổi số.

Bà Cầm Thị Phương Vân, Phó Giám đốc ABBank Sơn La, cho biết: Việc triển khai kịp thời các giải pháp chuyển đổi số, cùng nhiều chính sách ưu đãi dành cho khách hàng, hoạt động kinh doanh của ABBank Sơn La đạt kết quả quan trọng. Năm 2024, số lượng tài khoản thanh toán tăng 15%; lượng sổ tiết kiệm online tăng 10%. Nhờ chuyển đổi số, ABBank Sơn La cho thấy sự tăng trưởng về số dư huy động vốn, cho vay và phí dịch vụ.

Chuyển đổi số ở Kho bạc Nhà nước huyện Mộc Châu.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, năm 2024, tỉnh còn phối hợp với Cục Chuyển đổi số Quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số tổ chức trên nền tảng MOOCs, với 1.299 học viên tham gia là cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị. Đến nay, trên 56,74% học viên hoàn thành các khóa học trực tuyến về chuyển đổi số. Tích cực chỉ đạo, hỗ trợ, đôn đốc doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh tham gia chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, tỉnh ta đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, có 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; 100 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ, như: Sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp và có tối thiểu 50 doanh nghiệp/năm được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp...

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra, tỉnh đang tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; triển khai các khóa tập huấn, đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. Tổ chức hội thảo, hội nghị bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức, hiệp hội ngành nghề triển khai tổ chức các hội nghị về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo ngành, lĩnh vực... đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới