Bộ Thông tin và Truyền thông đã định hướng lộ trình triển khai kế hoạch tắt sóng 2G trên toàn quốc, theo đó từ tháng 9/2024, trên mạng di động sẽ không còn thuê bao 2G. Các giải pháp đảm bảo liên lạc cho các tổ chức và nhân dân khi tắt sóng 2G đang được tỉnh Sơn La và các nhà mạng viễn thông trên địa bàn tập trung triển khai.
Dừng công nghệ 2G là xu thế chung
Chủ trương dừng công nghệ 2G, chuyển sang 4G phù hợp với xu thế chung của thế giới, góp phần thúc đẩy người dân chuyển sang dùng dịch vụ viễn thông tốc độ nhanh, chất lượng cao hơn, thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời, loại bỏ công nghệ cũ, lạc hậu, giải phóng băng tần, tiết kiệm được tài nguyên dành cho các công nghệ mới, cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho người dân.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn còn trên 22.800 hộ, chiếm 7,4% dân số chưa sử dụng điện thoại thông minh, trong đó, trên 8.700 hộ đang dùng điện thoại di động sóng 2G và còn 14.133 hộ chưa có điện thoại di động, đa số các hộ này đều là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, người cao tuổi, việc tiếp cận, sử dụng công nghệ còn hạn chế, một số khu vực thuộc vùng lõm sóng điện thoại. Việc ngừng công nghệ 2G sẽ ảnh hưởng tới các thuê bao đang sử dụng thiết bị, điện thoại 2G của tất cả các nhà mạng; các thuê bao đang sử dụng điện thoại 2G sẽ bị ngưng kết nối, không liên lạc được.
Ông Quàng Văn Khu, bản Pi Tạy, xã Pi Toong, huyện Mường La, băn khoăn: Sắp tới nhà mạng tắt sóng 2G, điện thoại của tôi sẽ không dùng liên lạc được. Người già như tôi rất khó để sử dụng loại điện thoại thông minh, chi phí mua điện thoại thông minh cũng đắt đỏ so với điều kiện kinh tế của gia đình.
Giải pháp đảm bảo thông tin liên lạc
Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Sơn La, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh, Sở đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát hộ gia đình thuộc đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có điện thoại thông minh, rà soát các vùng lõm sóng trên địa bàn báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông để sử dụng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam hỗ trợ điện thoại thông minh cho các hộ gia đình; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hạ tầng xóa vùng lõm sóng băng rộng di động trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thực hiện đầu tư, nâng cấp thiết bị, hạ tầng cơ sở đảm bảo vùng cung cấp dịch vụ thông tin di động mới sau khi dừng công nghệ 2G để cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; tăng cường truyền thông tới khách hàng kế hoạch dừng công nghệ 2G; dừng việc hòa mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc Danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) công bố, chi tiết tại link https://tqc.gov.vn/2g-only...
Không để khách hàng nào bị bỏ lại phía sau
Hiện nay, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp chuẩn bị cho việc dừng công nghệ sóng 2G theo lộ trình, tiếp tục hoàn thiện mạng lưới hạ tầng viễn thông và có những chính sách hỗ trợ cho khách hàng chuyển đổi từ 2G sang 3G, 4G.
Thiếu tá Lê Duy Dương, Giám đốc Chi nhánh Viettel Sơn La, nói: Đơn vị đang rà soát thống kê các hộ nghèo, cận nghèo và từ nguồn Quỹ viễn thông công ích sẽ hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình nghèo sẽ có 1 điện thoại thông minh. Ngoài ra, tập trung cao cho việc hỗ trợ khách hàng chuyển đổi mạng di động từ 2G sang 4G, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ chuyển đổi sim 2G sang 4G và giới thiệu các dòng máy 4G giá rẻ cho nhân dân các bản, các xã vùng sâu, vùng xa để dùng hạ tầng 4G, đảm bảo không bị gián đoạn liên lạc khi chính thức dừng công nghệ 2G.
Thực hiện kế hoạch đến tháng 9/2024, sẽ tắt sóng 2G trên cả nước, để không khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, nhà mạng VNPT đã sẵn sàng lộ trình triển khai và phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng để áp dụng cho mạng VinaPhone.
Ông Trần Thanh Tùng, Phó Giám đốc VNPT Sơn La, cho biết: Từ 2022 đến nay, VNPT Sơn La đã chủ động rà soát, tiến hành tắt các trạm 2G riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng. Bố trí các trạm 3G,4G thay thế các trạm 2G để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Trong thời gian tới, dự kiến VNPT Sơn La sẽ phát sóng thêm khoảng 100 trạm 4G. Cuối năm 2024-2025, VNPT Sơn La sẽ thực hiện phủ sóng 5G tới tất cả các huyện, thành phố.
MobiFone Sơn La còn khoảng 1.000 thuê bao 2G, thực hiện lộ trình tắt sóng 2G, nhà mạng này cũng đã lên lộ trình tắt mạng 2G và 3G trong năm 2024 để dành tài nguyên phát triển mạng 4G và 5G.
Ông Sa Anh Tuấn, Giám đốc MobiPhone Sơn La, thông tin: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, số lượng trạm phát sóng 2G còn rất ít chỉ còn 35 trạm; 210 trạm phát sóng 3G và 223 trạm phát sóng 4G. Nhà mạng đã hợp tác với các nhãn hàng hỗ trợ các dòng máy 3G, 4G phù hợp với nhu cầu người dùng, thiết kế các gói cước ưu đãi dành cho khách hàng khi chuyển đổi từ 2G sang 4G, như: Tặng voucher khi nâng cấp máy lên smartphone, tặng gói Data sử dụng miễn phí trong vòng 90 ngày… đem đến cho khách hàng những trải nghiệm trên internet với tốc độ mạng mạnh hơn, nhanh hơn và bảo mật hơn. Đồng thời, ngừng nhập các thiết bị điện thoại, di động hỗ trợ sóng 2G và 3G, chỉ kinh doanh các thiết bị hỗ trợ sóng 4G và 5G.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 34 bản chưa được phủ sóng băng rộng di động (3G, 4G), hơn 600 điểm lõm sóng. Bên cạnh việc xây dựng các trạm phát sóng mới, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đang nâng cấp các trạm phát sóng đơn thuần 2G lên 4G, 5G. Đồng thời, tăng cường liên kết sử dụng dùng chung hạ tầng mạng di động, tiết kiệm chi phí đầu tư, đặc biệt là tại các địa bàn khó khăn; rà soát, thống nhất ký kết thỏa thuận ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng trên địa bàn tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!