Chuẩn bị sẵn kịch bản và giải pháp trước chính sách thuế quan của Mỹ

Quý I/2025, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo tăng trưởng ngành nông nghiệp có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu Mỹ áp mức thuế 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Từ nay đến cuối năm 2025, xuất khẩu nông lâm thủy sản gặp nhiều thách thức.
Từ nay đến cuối năm 2025, xuất khẩu nông lâm thủy sản gặp nhiều thách thức.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đối mặt nhiều khó khăn thách thức

Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, toàn ngành nông lâm thủy sản phấn đấu đạt tốc độ giá trị gia tăng cả năm từ 4-4,2%. Trong đó, nông nghiệp 3,85%, lâm nghiệp 5,47% và thủy sản 4,35%. Phân bổ tăng trưởng giá trị gia tăng quý I/2025 toàn ngành tăng trưởng 3,7%.

Thực tế, quý I/2025, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong quý I của 4 năm gần đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I/2025 của cả nước là 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so cùng kỳ năm 2024.

Chuẩn bị sẵn kịch bản và giải pháp trước chính sách thuế quan của Mỹ ảnh 1

Quý I/2025, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Theo Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, kết quả tăng trưởng toàn ngành đạt mục tiêu đề ra trong quý I là do thời tiết thuận lợi cùng với việc áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật giúp sản lượng cây lâu năm đạt khá; chăn nuôi phát triển tốt, dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng rừng mới, sản lượng gỗ khai thác tăng cao. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng do đẩy mạnh nuôi siêu thâm canh, tăng cường ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng ngành là xuất khẩu nông lâm thủy sản gặp nhiều thách thức. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như: gạo giảm 19,7% do giá xuất khẩu bình quân giảm 20,1%; rau quả giảm 11,3% do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 38,9%. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,93% so cùng kỳ năm trước, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.

Ba kịch bản để duy trì và tăng trưởng ngành nông nghiệp

Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là việc Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam nhưng đang hoãn thực thi. Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường dự báo một số kịch bản và giải pháp cần thực hiện trước chính sách thuế quan của Mỹ. Thứ nhất, trường hợp thuế suất duy trì 10% trong cả năm 2025, áp dụng đồng đều cho các nước thì xuất khẩu cũng như mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 của ngành nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng không đáng kể.

Trường hợp nếu sau thời gian hoãn áp thuế, hai nước đàm phán thống nhất mức thuế 20% thì theo đánh giá của chuyên gia, kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm sẽ giảm khoảng 20%. Với mức giảm này, tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản năm 2025 sẽ có thể giảm từ 0,15-2 điểm phần trăm, còn từ 3,8-3,85%.

Chuẩn bị sẵn kịch bản và giải pháp trước chính sách thuế quan của Mỹ ảnh 2

Ngành nông nghiệp chuẩn bị sẵn ba kịch bản để ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ.

Trường hợp sau thời gian hoãn thuế, Mỹ vẫn áp mức thuế 46% với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Dự kiến xuất khẩu 6 tháng cuối năm 2025 sẽ giảm 40%. Với mức giảm này thì tăng trưởng ngành nông lâm thủy sản năm 2025 sẽ có thể giảm 0,3-0,4 điểm phần trăm, còn từ 3,6-3,8%.

Theo Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường cần tăng cường đối thoại với Mỹ để hai nước cùng giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của nhau hoặc tìm kiếm cơ chế miễn giảm thuế cho một số nông sản chiến lược. Kèm theo đó là các biện pháp nhằm bảo đảm minh bạch xuất xứ hàng hóa.

Bên cạnh đó cần có ngay biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho những mặt hàng quan trọng, chịu tác động lớn khi Mỹ áp dụng thuế suất mới. Các biện pháp hỗ trợ có thể giới hạn trong thời gian ngắn nhưng phải nhanh và đủ mạnh để giúp cho doanh nghiệp, người dân có thể điều chỉnh, thích nghi với tình hình mới.

Một số hỗ trợ có thể thực hiện ngay như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của hộ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và hỗ trợ lãi suất tín dụng cho doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng.

Cùng với đó là tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành, chủ yếu thông qua nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho nông lâm thủy sản Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; giám sát, bảo đảm sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Hoa Kỳ.

Một số giải pháp khác cần thực hiện nữa là đa dạng hóa thị trường, bên cạnh những thị trường truyền thống như Trung Quốc và các nước Đông Á, ASEAN, Mỹ, EU; cần mở rộng, khai thác sâu các thị trường tiềm năng thuộc nhóm BRICS (trong đó có Brazil, Nga, Ấn Độ), thị trường Mỹ La tinh, thị trường một số quốc gia lớn của châu Phi, mở ra một số thị trường mới, thí dụ như các nước tiêu dùng thực phẩm Halal.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới