Cây thanh long ruột đỏ ở Sốp Cộp

Dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, giá bán ổn định, cây thanh long ruột đỏ đã tạo thêm nguồn thu nhập và mở ra triển vọng phát triển kinh tế bền vững cho nhân dân xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp.

Giọng nữ

Nhân dân bản Nà Lốc, xã Sốp Cộp, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây thanh long ruột đỏ.

Là người tiên phong trồng thanh long ở xã Sốp Cộp, năm 2018, qua giới thiệu của người thân, anh Tòng Văn Thiên, bản Ban, xã Sốp Cộp, tìm đến các vườn thanh long tại xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Anh Thiên cho biết: Ban đầu tôi trồng 80 gốc thanh long trên diện tích 1.000 m2 trước đây trồng lúa năng suất thấp. Sau đó đã trồng thêm 100 gốc. Thời điểm này, tôi thu hái từ 2-3 tạ thanh long mỗi đợt, thương lái thu mua tại vườn từ 20-25 nghìn đồng/kg. Năm nay, ước tính thu hoạch trên 4 tấn quả. Các thành viên trong gia đình đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long tại các hội chợ, trên mạng xã hội như Facebook, Zalo và tiêu thụ ở nhiều nơi, như: Hà Nội, Hà Nam, thành phố Sơn La...

Gần 6 năm gắn bó với loại cây trồng này, theo anh Thiên, trồng thanh long chi phí ban đầu nhiều hơn so với các loại cây trồng khác, nhưng cho thu hoạch nhiều năm, không tốn nhiều công chăm sóc. Nên trồng cây vào tháng 3 dương lịch; sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây 4 lần/năm, sau khi trồng làm sạch cỏ, tránh phun thuốc vào cây và xung quanh rễ. Sau những đợt mưa nhiều, tỉa bỏ các cành bị đốm hoặc thối để cây phát triển tốt.

Nông dân bản Ban, xã Sốp Cộp, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ.

Chị Hoàng Thị Thuận, bản Huổi Khăng, xã Sốp Cộp, là hộ có diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ nhiều nhất xã với hơn 1 ha. Năm 2020, chị Thuận tự tìm hiểu đặt mua trên mạng 200 cành giống thanh long ruột đỏ tại tỉnh An Giang. Chị trồng thử nhưng không phù hợp với khí hậu, đất đai nên quả nhỏ, nhiều cành có hoa nhưng không có quả. Được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp giới thiệu đi tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ hiệu quả tại huyện Thuận Châu và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chị Thuận phá bỏ diện tích thanh long không hiệu quả và trồng thay thế bằng giống mới. Năm 2023, gia đình chị thu hoạch trên 16 tấn quả, giá bán bình quân từ 20-25 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, chị Thuận nói: Sau khi thu hoạch xong 1 lứa quả, cần cắt bỏ những nhánh thanh long già không còn khả năng cho quả để cây tập trung dinh dưỡng cho những nhánh khỏe mạnh và làm thông thoáng cho cây tiếp thu  ánh sáng. Thu hoạch quả đúng độ chín, không để quả quá chín dễ bị nứt và hư hỏng. Thanh long có tuổi thọ khá cao, khoảng 20 năm và nhanh cho thu hoạch nên thu hồi vốn nhanh.

Thông thường, cây thanh long trồng khoảng 1 năm thì cho thu hoạch quả; đạt sản lượng cao nhất sau 3 năm trồng. Thu hoạch từ tháng 6 đến hết tháng 11; từ 15-20 ngày sẽ được thu hoạch 1 đợt, mỗi năm thu từ 7 -10 đợt. Vì thế thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, tạo thị trường ổn định, giúp sản phẩm không bị mất giá.

Nông dân xã Sốp Cộp thu hoạch thanh long ruột đỏ.

Hiện nay, xã Sốp Cộp có trên 15 ha cây thanh long ruột đỏ, trong đó hơn 9,7 ha đang cho thu hoạch quả, sản lượng năm 2023 đạt hơn 80 tấn quả. Sản phẩm bán với giá từ 20-25 nghìn đồng/kg. Chị Hoàng Thị Kiều, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: Đây là cây trồng có nhiều ưu điểm, phù hợp với khí hậu, đất đai tại địa phương. Hiện nay, Hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ các hộ trồng, chăm sóc thanh long theo quy trình VietGAP. Đồng thời, đề xuất với cấp có thẩm quyền hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.

Nông dân xã Sốp Cộp đóng gói quả thanh long gửi cho khách hàng.

Trước hiệu quả cây thanh long mang lại, xã Sốp Cộp dự kiến tiếp tục trồng hơn 20 ha trong thời gian tới. Để phát triển mô hình trồng thanh long theo hướng bền vững, xã Sốp Cộp mong các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc; có quy hoạch vùng trồng, phát triển quy mô lớn đi đôi với xây dựng thương hiệu, tìm thị trường để thanh long ruột đỏ có đầu ra bền vững, giúp bà con làm giàu từ cây trồng này.

Thanh long ruột đỏ có màu đỏ đậm, vị thơm, ngon.
Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới