Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đã thu hút đông đảo hội viên nông dân các cấp huyện Sốp Cộp tham gia. Qua phong trào, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Đến xã Dồm Cang, ai cũng biết hội viên nông dân Vì Văn Hiên, bản Dồm, đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế để làm giàu trên mảnh đất quê hương, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Hiên cho biết: Tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn tổ chức để ứng dụng vào sản xuất. Đến nay, gia đình tôi có hơn 5 ha cây cà phê, trong đó, trên 4 ha đã cho thu hoạch. Năm 2023, gia đình thu hoạch gần 50 tấn quả cà phê tươi, thu trên 500 triệu đồng. Duy trì nuôi 200 con gà thả đồi; ươm khoảng 20.000 cây cà phê giống để bán cho bà con. Tổng thu nhập từ mô hình kinh tế tổng hợp đạt gần 600 triệu đồng/năm.
Xã Mường Và nổi tiếng với thương hiệu cam Nà Mòn. Nhờ trồng cam, nhiều nông dân có thu nhập ổn định. Điển hình là gia đình hội viên nông dân Vì Văn Nhủng, bản Nghè Vèn, chuyển đổi gần 3 ha ngô, sắn năng suất thấp sang trồng cây cam Vinh, cam Nà Mòn. Anh Nhủng cho biết: Vụ năm 2023, gia đình tôi thu được gần 15 tấn cam các loại, giá trung bình 25 nghìn đồng/kg. Cùng với đó, gia đình duy trì nuôi 2- 4 con bò. Sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế của gia đình thu lãi từ 200-300 triệu đồng/năm.
Ngoài các mô hình trên, huyện còn có nhiều mô hình kinh tế tổng hợp của hội viên nông dân mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, như mô hình trồng cà phê, xoài ghép, nuôi dê của ông Tòng Văn Phan, bản Cang, xã Dồm Cang, thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm; mô hình nuôi dê, bò, gà thả đồi của hội viên Lò Văn Lịch, bản Pói Lanh, xã Mường Và, thu nhập gần 300 triệu đồng/năm; mô hình nuôi ngựa, trâu bò sinh sản của gia đình anh Mùa A Tộng, bản Sam Quảng, xã Mường Lèo, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm... Đến nay, huyện có 1.762 hộ được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp, trong đó 27 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh; thành lập 1 câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Ông Lường Văn Độ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cho biết: Hằng năm, Hội đã phát động phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” đến tất cả các cấp hội. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn dạy nghề cho nông dân. Khuyến khích nhân dân tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGap; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Phát triển sản xuất theo chủ trương mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện có 3 sản phẩm nông nghiệp được đánh giá đạt OCOP từ 3-4 sao.
Từ năm 2023 đến nay, Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, các HTX trên địa bàn hỗ trợ trả chậm về phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống cây, con, vật tư nông nghiệp, tổng trị giá trên 12 tỷ đồng. Phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 28 lớp đào tạo, dạy nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 1.000 nông dân. Hội còn phát triển 700 triệu đồng Quỹ hỗ trợ nông dân, nâng tổng số vốn của Quỹ lên trên 4,6 tỷ đồng, đầu tư 23 dự án, cho 108 hộ vay vốn. Nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện hơn 122 tỷ đồng cho các hộ nông dân vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phát huy những kết quả đạt được, Hội Nông dân huyện Sốp Cộp tiếp tục khuyến khích hội viên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư vốn, giống vào sản xuất, kinh doanh. Từ đó, xuất hiện thêm nhiều điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên giới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!