Sốp Cộp mở rộng diện tích trồng sắn cao sản

Là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây sắn cao sản, những năm qua, huyện Sốp Cộp đã khuyến khích, hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích trồng sắn làm nguyên liệu chế biến, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Giọng nữ
Nhân dân bản Huổi Ái, xã Sốp Cộp, trồng sắn cao sản.

Gần một tuần qua, gia đình ông Lò Văn Tiến, bản Nó Sài, xã Sốp Cộp tập trung chăm sóc diện tích sắn cao sản của gia đình. Ông Tiến chia sẻ: Năm 2023, gia đình trồng 4 ha sắn cao sản BK, KM98-7, thu hoạch hơn 70 tấn củ tươi, thu trên 200 triệu đồng. Năm nay, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích lên hơn 5 ha sắn, hiện nay gia đình đang tập trung làm cỏ, bón phân, một số diện tích trồng sớm chuẩn bị cho thu hoạch, sẽ thu hoạch vào cuối năm nay. Ước vụ này sản lượng đạt khoảng 90 tấn củ tươi, nếu giá bán ổn định như vụ trước, thì thu về trên 300 triệu đồng.

Dồm Cang là một trong những xã có diện tích trồng sắn cao sản lớn của huyện Sốp Cộp, sản lượng hằng năm đạt từ 3.000-3.500 tấn củ tươi. Sản phẩm được thương lái thu mua tận nơi để phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc và cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp, HTX chế biến tinh bột sắn.

Ông Lò Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Sốp Cộp, cho biết: Xã đã định hướng mở rộng diện tích trồng cây sắn cao sản, nhất là các bản có diện tích đất nương độ dốc lớn. Vụ năm nay, bà con trong xã mở rộng diện tích thêm 95 ha, nâng tổng diện tích trồng sắn cao sản lên trên 400 ha; nhiều hộ trồng sớm đã bắt đầu thu hoạch. Hằng năm, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, một số công ty, đơn vị cung cấp giống sắn cao sản, phân bón, tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ để nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, phòng chống sâu bệnh cho người trồng sắn trên địa bàn xã.

Những năm gần đây, nhiều hộ trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã chuyển đổi một số diện tích đất trồng ngô, lúa trên nương kém hiệu quả, đất bạc màu có độ dốc cao sang trồng sắn cao sản, chủ yếu là các giống KM98, BK, KM94, KM98-7... Nếu như năm 2020, huyện mới có 1.700 ha sắn cao sản, đến nay, đã mở rộng lên trên 3.600 ha, tập trung nhiều nhất ở xã Púng Bánh, Mường Và, Mường Lạn, Sam Kha, Nậm Lạnh... Sản lượng hằng năm đạt từ 40.000-42.000 tấn củ tươi, giá trị thu về hơn 100-105 tỷ đồng. Cây trồng này phù hợp ở những nơi đất có độ dốc cao, đất bạc màu, ít sâu bệnh, tốn ít công chăm sóc, nhanh cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài; nếu phơi khô sẽ để được lâu không bị mối mọt. Ngoài ra, có thể trồng xen cây sắn với lạc, đỗ; tận dụng lá sắn ủ chua làm thức ăn cho gia súc, thân cây sắn nghiền nhỏ ủ phân hữu cơ, hoặc giá thể trồng nấm...

Ông Vì Văn Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Hằng năm, Phòng chỉ đạo các xã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát triển diện tích trồng sắn cao sản theo quy hoạch. Đồng thời, xây dựng kế hoạch khâu nối với các doanh nghiệp, nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất. Thời điểm này, bà con bắt đầu thu hoạch hơn 300 ha sắn cao sản trồng sớm. Giá bán sắn củ tươi hiện tại trên địa bàn từ 2.500-2.700 đồng/kg, thu nhập trung bình từ 40-45 triệu đồng/ha, giúp nhiều hộ trồng sắn có nguồn thu nhập ổn định.

Việc phát triển cây sắn cao sản cho thấy những tín hiệu tích cực, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, mở ra cơ hội để huyện Sốp Cộp nâng cao hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và giúp nông dân các xã vùng biên giới nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới