Năm 2024, sản lượng nông sản toàn tỉnh dự kiến đạt khoảng 2 triệu tấn. Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ sở hội rà soát, sẵn sàng triển khai hỗ trợ các hội viên, nông dân khi có nhu cầu.
Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội rà soát, thống kê nhu cầu, số lượng nông sản cần hỗ trợ tiêu thụ gửi về Trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh để xây dựng phương án. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn đóng gói sản phẩm cho hội viên, các HTX, đáp ứng các tiêu chuẩn về mẫu mã, yêu cầu đóng gói sản phẩm của bạn hàng, trước khi đưa đến tay người tiêu dùng.
Trong cuộc làm việc giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tỉnh ủy Sơn La tại Thủ đô Hà Nội diễn ra vào đầu tháng 5 vừa qua, việc quảng bá, tiêu thụ nông sản của tỉnh Sơn La là một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận. Năm 2023, tỉnh Sơn La được Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ mở các gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và nông sản Sơn La, qua đó, đã tiêu thụ qua kênh này khoảng 800 tấn nông sản. Năm 2024, tỉnh tiếp tục đề nghị Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ tổ chức các gian hàng trưng bày, bán sản phẩm nông sản tại Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng... Từ đó, tăng độ nhận diện của nông sản Sơn La với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục duy trì thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh Sơn La. Cùng với đó, các đơn vị vận chuyển đã có mối liên kết từ những năm trước luôn sẵn sàng hỗ trợ vận chuyển nông sản đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các phương án, kịch bản chuẩn bị hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân vụ năm nay đã được Trung tâm hỗ trợ nông dân chuẩn bị chu đáo. Trong đó, tập trung giữ vững bạn hàng truyền thống, đồng thời mở rộng quan hệ tìm kiếm các đối tác tiềm năng. Tiếp tục liên kết với hội nông dân các tỉnh để tổ chức các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu nông sản, với các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đã được công nhận VietGAP, sản phẩm an toàn, mã vùng trồng,... thu hút bạn hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Lường Tiến Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu, chia sẻ: Hiện nay, huyện có 1.255 ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt 18 nghìn tấn. Khai thác lợi thế Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Hội Nông dân huyện phối hợp với các HTX quảng bá, giới thiệu nông sản tại các điểm du lịch trên địa bàn. Đây là một trong những giải pháp giúp nông dân chủ động hơn trong việc tự tìm đầu ra cho nông sản. Năm 2024, Hội Nông dân huyện tiếp tục triển khai hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực đóng gói, bảo quản, tiêu thụ nông sản.
Thời gian này, nông dân toàn tỉnh đang thu hoạch mận hậu, dự kiến sản lượng đạt trên 81 nghìn tấn. Hội viên nông dân toàn tỉnh đã chủ động liên hệ, kết nối với các thị trường truyền thống thống tại Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Thông qua các đợt tập huấn, hướng dẫn nông dân bán hàng theo hình thức livestreams trên mạng xã hội Facebook, Tiktok; bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Sendo, Portmart..., góp phần đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Doanh, bản Cồn Huốt 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, cho biết: Gia đình tôi có 5 ha mận hậu, ngay từ đầu vụ, Hội Nông dân huyện và xã đã có thông báo đến các hộ trồng mận trong xã, nếu gặp khó khăn trong tiêu thụ sẽ được hỗ trợ, giúp nông dân trồng mận yên tâm sản xuất. Năm nay, mận được giá 30.000 - 35.000 đồng/kg. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được hỗ trợ về thiết kế bao bì, quy cách đóng gói sản phẩm và tìm kiếm thêm những bạn hàng mới.
Bên cạnh sự chủ động của Hội Nông dân xây dựng các phương án hỗ trợ hội viên, nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản, các hộ gia đình, HTX cũng cần tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng nhu cầu ngày một cao về chất lượng của người tiêu dùng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!