Đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng bám sát nhu cầu của nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Mô hình nuôi gà đen thuần chủng thả vườn đồi theo hướng an toàn sinh học được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai từ đầu tháng 10/2024 tại gia đình anh Lò Văn Tiến, bản Pảng, xã Yên Hưng. Tham gia mô hình, gia đình được hỗ trợ 1.000 con giống, thức ăn hỗn hợp, vắc xin, thuốc khử trùng, men vi sinh. Anh Tiến chia sẻ: Gia đình tôi đầu tư lưới quây 1.000 m² làm chỗ cho gà ăn, xây dựng 2 chuồng nuôi gà kiên cố. Tham gia mô hình, được cán bộ Trung tâm hướng kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh. Sau gần 3 tháng, gà đạt trọng lượng từ 1,5-2 kg/con, theo giá thị trường, sau khi trừ chi phí, thu lãi 100 triệu đồng.
Thời điểm này, tại các xã, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân chăm sóc nhãn chín sớm, rải vụ. Anh Vũ Văn Minh, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, xã Chiềng Cang, chia sẻ: HTX có 29 ha nhãn, sau khi thu hoạch, cán bộ trung tâm hướng dẫn dọn vườn, tỉa cành, phun phân bón kích lộc, tưới gốc, giúp cây phân hóa mầm hoa, phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá và côn trùng, bón phân NPK. Khi hoa nở, không phun bất cứ loại thuốc gì để tạo điều kiện cho ong, bướm hút mật thụ phấn. Lúc hoa tàn và hình thành quả non, phun thuốc trừ sâu đục cuống quả và phòng bệnh thán thư, sương mai, nấm cho quả non. 3 năm trở lại đây, các thành viên trong HTX đã áp dụng kỹ thuật trồng 14 ha nhãn chín sớm, sản lượng đạt 126 tấn/năm. Trồng nhãn chín sớm cho thu nhập cao hơn so với nhãn chính vụ và không lo về đầu ra.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Qua khảo sát, nhân dân còn thiếu kiến thức áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trung tâm đã phối hợp với chính quyền các xã chọn mô hình phù hợp với điều kiện của từng vùng và trình độ canh tác của nhân dân, giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất. Trong đó, nhiều mô hình hiệu quả, như trồng nhãn chín sớm ở các xã Chiềng Khương, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Chiềng Cang, Chiềng Sơ; nuôi gà đẻ trứng, gà bản địa ở xã Yên Hưng, Chiềng Khương; nuôi lợn, trâu bò thịt tại xã Mường Hung, Nà Nghịu... Đồng thời, vận động nhân dân thử nghiệm một số giống cây trồng mới, như chôm chôm, lê tai nung, dứa Queen, ngô ngọt, rau chân vịt, nhãn ánh vàng... Các mô hình thường xuyên có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo các loại cây trồng, vật nuôi phát triển tốt.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức 3 lớp tập huấn và 144 cuộc tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP; nuôi gà đen; trồng và chăm sóc dứa Queen; phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng; chăm sóc nhãn, xoài sau thu hoạch.
Triển khai mô hình giống lúa tan lương, quy mô 20,4 ha tại các xã: Nậm Mằn, Mường Lầm, Mường Cai, Mường Hung, Chiềng Sơ, năng suất đạt 5,7 tấn/ha. Trồng thử nghiệm 1 ha lê tai nung, với 2 hộ tham gia tại xã Nậm Mằn. Phối hợp với các cơ quan triển khai mô hình trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với hệ thống tưới ẩm và liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô 1 ha tại bản Co Kiểng, xã Huổi Một. Phục tráng giống lúa I1 quy mô 1 ha tại xã Nà Nghịu. Trồng mới 20 ha cây ăn quả và ghép cải tạo 6,5 ha tại các xã: Mường Sai, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Huổi Một, Yên Hưng.
Đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hoàn thành tiêm 39.800 liều vắc xin lở mồm, long móng và 16.360 liều vắc xin ung khí thán cho trâu, bò; phun 800 lít hóa chất Benkocid. Đồng thời, chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Đến nay, đã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 4 xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Phung, Mường Lầm và không phát sinh ổ dịch mới.
Đẩy mạnh hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn; giám sát phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với khả năng tiếp thu của nhân dân; tổ chức cho các hộ tham quan, hội thảo đầu bờ, giúp nông dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!