Giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng để tạo ra sự biến đổi căn bản về chất của nền nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đối với tỉnh ta, việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hết sức cần thiết, nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tăng nhanh giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

 

Mô hình trồng rau sạch của HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19-5 Mộc Châu.

 

Trong 2 năm (2016-2017), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025”. Đề án do bà Cầm Thị Phong, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ nhiệm. Quá trình thực hiện Đề án, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp ứng ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam và các nước trên thế giới như: Isarel, Nhật Bản... Khảo sát hiện trạng phát triển nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2016 tại 12 huyện, thành phố. Qua nghiên cứu, nhóm thực hiện Đề án đã đưa ra dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Thị trường tiêu thụ sản phẩm, thương mại hóa công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tiêu thụ trong nước và xuất khẩu... Đồng thời, đưa ra các nội dung đề xuất quan trọng, là: Ứng dụng công nghệ cao trong chọn, tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản cho năng suất, chất lượng cao, rõ nguồn gốc và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép sản xuất kinh doanh; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, phòng trừ dịch hại cây trồng, vật nuôi và thủy sản; bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp; xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vấn đề về thủy lợi; phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung có quy mô phù hợp với từng địa phương, ngành nông nghiệp để phát triển nông nghiệp bền vững.

Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao luôn được tỉnh ta coi trọng và ưu tiên phát triển, góp phần nâng giá trị cho 1 ha đất nông nghiệp. Tỉnh đã thông qua quy hoạch sản xuất vùng nông nghiệp công nghệ cao tại Mộc Châu với tổng diện tích 200 ha; quy hoạch khu sản xuất chè, rau quả an toàn tại các địa phương có điều kiện phù hợp... Toàn tỉnh hiện có trên 350.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đa số đất đai còn màu mỡ, tầng canh tác dày với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Đây là lợi thế để phát triển các loại cây công nghiệp (chè, mía, cà phê, cao su...), cây ăn quả (xoài, nhãn, dứa, na, chuối...), rau, hoa, dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tập trung theo quy mô lớn và đa dạng hóa các sản phẩm nông sản mang tính đặc trưng của địa phương, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ nhiệm Đề án, để việc triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả, tỉnh cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đưa khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất; hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thực hiện các nhiệm vụ, như: Thực hiện các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, xây dựng kế hoạch để hình thành được công nghiệp bảo quản, chế biến một số mặt hàng nông sản như công nghiệp bảo quản, chế biến thức ăn gia súc, sắn, ngô...

Đề án hướng tới mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn mỗi huyện, thành phố hình thành 1 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trở lên được cấp có thẩm quyền công nhận; tỉnh có ít nhất 5 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 45 - 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả tỉnh.

Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La sẽ cung cấp cơ sở khoa học để tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương và hội nhập quốc tế.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới