Những người đam mê nghiên cứu khoa học

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 và duy trì tổ chức 2 năm/lần, Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh đã thu hút đông đảo các nhà khoa học và kỹ sư trẻ tham gia. Qua hội thi, đã phát hiện nhiều nhân tố mới trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ, với nhiều giải pháp sáng tạo, mang tính đột phá, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng xã hội.

Giọng nữ

“Nhà khoa học” của nhà nông

Tham gia 6/8 lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh, cả 6 lần, những giải pháp về lĩnh vực nông nghiệp của anh Phan Hân Hạnh, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, đều đoạt giải. Trong quá trình làm nhiệm vụ, anh đã nghiên cứu những giải pháp mới giúp gia đình và bà con nông dân ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với nhiều giải pháp tiêu biểu, như: Nâng cao năng suất sinh sản cho lợn nái, chất lượng lợn thịt thương phẩm (năm 2012); mô hình máy ấp trứng gia cầm tự chế (năm 2014); kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng cà phê Arabica (năm 2022)…

Anh Phan Hân Hạnh được tôn vinh "Nhà khoa học của nhà nông" do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Ảnh: (Nhân vật cung cấp)

Gia đình anh Hạnh có gần 5 ha na, trước đây, na thu hoạch trong 2 tháng, năng suất, chất lượng thấp, mẫu mã xấu; 1 ha thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Nghiên cứu, rút kinh nghiệm, kết hợp ghi lại quá trình chăm sóc, anh đã đưa ra giải pháp “Điều chỉnh rải vụ, vị trí ra hoa, đậu quả, thụ phấn nhân tạo bổ sung cho cây na”, kết hợp kỹ thuật chăm sóc theo từng thời điểm. Phương pháp thủ công này giúp gia đình chủ động số lượng quả trên mỗi cây để quả to đều và mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, sản xuất rải vụ để thu hoạch quả nhiều lứa trong năm. Theo đó, cây na cho thu hoạch trong 6 tháng, năng suất đạt 30 tấn quả/ha, trừ chi phí lãi 1,8 tỷ đồng trở lên/ha/năm. Đến nay, nhiều gia đình được anh Hạnh hướng dẫn áp dụng phương pháp này vào sản xuất. 

Anh Hạnh cho biết: Sau mỗi giải pháp ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đã tạo động lực cho tôi tiếp tục nghiên cứu, với mong muốn góp sức nhỏ cho ngành nông nghiệp phát triển.

Anh Phan Hân Hạnh đã được nhận Giải thưởng Trí thức vì sự nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam; 3 lần được Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Năm 2018, anh được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”.

Nghiên cứu khoa học vì người bệnh 

Công tác tại Khoa ngoại – Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bác sĩ Đinh Khắc Trường đã cùng đồng nghiệp tìm tòi, nghiên cứu và có nhiều sáng kiến được áp dụng trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Năm 2022, giải pháp “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật điều trị rò hậu môn bằng năng lượng điện đốt lưỡng cực kết hợp LIFT cải tiến tại tỉnh Sơn La” do anh và đồng nghiệp thực hiện đoạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh trao giải nhất cho Bác sĩ Đinh Khắc Trường (đầu tiên bên phải) và đồng nghiệp tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2022. (Ảnh PV) 

Trước năm 2019, khi điều trị rò hậu môn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thường phải mổ cắt khoét, để hở, nên tỷ lệ tai biến và biến chứng sau mổ khá cao, bệnh nhân đau nhiều và lâu bình phục. Anh Trường và đồng nghiệp đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp dùng năng lượng điện đốt lưỡng cực (của dao điện thông thường đang có sẵn) kết hợp LIFT (thắt đường rò trong cơ thắt) để phẫu thuật cho bệnh nhân. Ưu điểm của phương pháp này là can thiệp tối thiểu, nhưng vẫn giải quyết được tối đa nguyên nhân bệnh lý, hạn chế thấp nhất các biến chứng sau phẫu thuật.

 Bác sĩ Đinh Khắc Trường cho biết: Sau phẫu thuật, độ sưng nề và liều lượng dùng kháng sinh hạn chế hơn so với trước đây. Bệnh nhân ít đau và có thể vận động từ ngày đầu sau mổ và ra viện ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau mổ. Nếu phẫu thuật bằng laser đơn thuần hoặc mổ truyền thống, chi phí cho 1 bệnh nhân từ 14,5 - 17 triệu đồng, thực hiện phương pháp này giảm còn 6,5 triệu đồng/bệnh nhân. Mỗi năm, giải pháp được áp dụng phẫu thuật cho khoảng 50-60 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa Cuộc sống và các bệnh viện tuyến huyện.

 Với sự tận tâm, trách nhiệm vì người bệnh và những giải pháp nghiên cứu khoa học, bác sĩ Đinh Khắc Trường đã và đang góp phần làm tốt công tác trị bệnh, cứu người.

Góp phần nâng cao năng lực quản lý lĩnh vực GTVT

Có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cùng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, những năm qua, anh Đoàn Trung Kiên, thanh tra viên, Sở Giao thông vận tải, đã có nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được áp dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT). Một số sáng kiến đáp ứng yêu cầu cấp thiết trên thực tế của anh và đồng nghiệp đã được UBND tỉnh công nhận và áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh, như: “Giải pháp tra cứu giấy phép lái xe do Sở GTVT Sơn La cấp”; “Giải pháp tin học hóa, hỗ trợ quản lý công dân và phương tiện vào địa bàn tỉnh”; “Giải pháp Ứng dụng IoT làm thiết bị cảnh báo tự động phục vụ an toàn giao thông”… 

Anh Đoàn Trung Kiên, Sở Giao thông vận tải, tra cứu hệ thống tra cứu giấy phép lái xe. 

Anh Kiên chia sẻ: Trong đợt cao điểm dịch Covid-19, tôi và đồng nghiệp đã nghiên cứu giải pháp “Tin học hóa, hỗ trợ quản lý công dân và phương tiện vào địa bàn tỉnh” để kiểm soát số lượng người ra, vào địa bàn qua các chốt kiểm dịch. Theo đó, người dân vào trang web Dichuyen.sonla.gov.vn, thực hiện khai báo lịch trình di chuyển trước, khi đến chốt kiểm dịch chỉ cần xác nhận thông tin đã đăng ký là được đi qua mà không cần khai báo giấy hoặc khai báo lại. Khi người dân đến các địa điểm đã đăng ký trên địa bàn tỉnh, cán bộ xã, tổ dân phố, bản dễ dàng kiểm soát và nắm được lịch trình di chuyển. Giải pháp này áp dụng theo tính chất thời điểm, giúp các lực lượng giảm thời gian kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện. Đồng thời, phát hiện những chi tiết bất thường, sai sót trong quá trình khai báo của công dân.

Hệ thống thu, nhận ảnh của giải pháp. 

 Ngoài ra, anh Kiên cùng người bạn chung sở thích về nhiếp ảnh đã có sáng kiến “Xây dựng hệ thống thu nhận và đánh giá ảnh nghệ thuật”. Trước đây, để tham gia các cuộc thi ảnh nghệ thuật, các tác giả tự in, phóng ảnh theo kích thước quy định đến nộp cho ban tổ chức; hoặc thu nhận ảnh qua thư điện tử, nên việc phân loại, đánh giá gặp nhiều khó khăn. Giải pháp của nhóm tác giả đã số hóa dữ liệu ảnh, quản lý tập trung, lưu trữ lâu dài, tìm kiếm chính xác tác phẩm cần sử dụng. Ban tổ chức có thể theo dõi tiến trình và khi kết thúc thời gian sẽ tự động xuất báo cáo theo cơ cấu được quy định. Từ năm 2021, hệ thống đã được áp dụng trong nhiều cuộc thi ảnh trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, giải pháp đang ứng dụng cho các cuộc thi Ảnh đẹp Du lịch Bắc Yên, Ảnh đẹp nghệ thuật Quỳnh Nhai; cuộc thi Thiết kế biểu trưng (Logo) huyện Yên Châu…

Đó là 3 trong số những tấm gương tiêu biểu đam mê nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh. Mỗi người một ý tưởng, một lĩnh vực và cách làm khác nhau, nhưng họ có điểm chung là đam mê nghiên cứu đề xuất những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật mới, hiện đại phục vụ hiệu quả trong lao động và cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. 

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới