Linh hoạt đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông mới

Năm học 2023-2024, toàn tỉnh thiếu 2.688 giáo viên, gồm 1.536 giáo viên mầm non, 541 giáo viên tiểu học, 294 giáo viên THCS, 170 giáo viên THPT, 44 giáo viên PTDT nội trú THCS&THPT, 18 giáo viên THCS&THPT, 85 giáo viên Trung tâm GDTX. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn do thiếu giáo viên, đảm bảo chương trình dạy và học theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Giờ tin học của cô và trò Trường TH&THCS Chiềng Ngần B, Thành phố.

Tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Huổi Một, huyện Sông Mã, năm học này, trường có 16 lớp, 719 học sinh, 37 cán bộ, giáo viên. Hiện nay, nhà trường thiếu 1 giáo viên tiếng Anh, 1 giáo viên Tin học, 1 giáo viên Công nghệ, 1 giáo viên Vật lý và 1 giáo viên Địa lý. Thầy giáo Nguyễn Anh Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Đảm bảo việc giảng dạy theo khung chương trình, trường tổ chức cho giáo viên dạy tăng tiết. Do đó, số giờ giảng dạy của giáo viên đứng lớp tăng hơn so với định mức quy định, ảnh hưởng đến thời gian nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Việc sắp xếp thời khóa biểu và các hoạt động chung của nhà trường cũng gặp không ít khó khăn.

Còn Trường tiểu học và THCS Chiềng Ngần B, Thành phố năm học này cũng thiếu 1 giáo viên Toán, 1 giáo viên tiếng Anh và 1 giáo viên Âm nhạc. Cô giáo Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường đã điều chỉnh tăng tiết các môn thiếu giáo viên. Ví dụ như môn Toán tăng từ 19 lên 22 tiết/tuần; môn tiếng Anh điều giáo viên khối THCS xuống dạy; môn Âm nhạc, phân công Tổng phụ trách Đoàn - Đội đảm nhiệm.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên là do số lớp, số học sinh năm học 2023-2024 tăng; việc giao bổ sung biên chế hằng năm từ Trung ương chưa đảm bảo theo định mức quy định; một số địa phương không tuyển dụng được giáo viên do thiếu nguồn tuyển. Việc thu hút sinh viên sư phạm ra trường đăng ký tuyển dụng vào ngành còn nhiều bất cập. Đó là, có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không tuyển đủ; có vị trí không có ứng viên đăng ký dự tuyển, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học. Vì vậy, nhiều địa phương không có đủ giáo viên để bố trí đứng lớp theo quy định. Đối với tiểu học, thiếu ở các môn đặc thù, chủ yếu là Tin học và tiếng Anh; bậc THCS, cơ cấu giáo viên lại thừa thiếu cục bộ ở một số bộ môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh, Giáo dục công dân.

Trước thực trạng trên, ngay từ đầu năm học, Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch bồi dưỡng 253 giáo viên tiểu học dạy Tin học và Công nghệ lớp 3; bồi dưỡng hơn 1.000 giáo viên THCS dạy học tích hợp liên môn (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội). Phối hợp với Sở Nội vụ và các địa phương tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng các giáo viên tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật, Lịch sử - Địa lý, Vật lý - Hóa học, Sinh học...

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố chủ động xây dựng phương án tổ chức dạy học môn tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học; tập trung khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các trường. Theo đó, các trường có giáo viên tiếng Anh dạy trực tiếp kết hợp dạy trực tuyến đảm bảo thời lượng 4 tiết/tuần; các trường không có giáo viên tiếng Anh, giao thêm nhiệm vụ hoặc biệt phái giáo viên tiếng Anh từ trường khác đến dạy trực tiếp, kết hợp trực tuyến. Đối với môn Tin học, các trường có giáo viên tổ chức giảng dạy trực tiếp, kết hợp trực tuyến; trường không có giáo viên, phân công giáo viên có chứng chỉ bồi dưỡng dạy môn Tin học và Công nghệ dạy lớp 3, 4.

Ông Phạm Văn Khanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Sơn, cho hay: Huyện có 91 giáo viên dạy tiếng Anh (TH 33, THCS 58), 30 giáo viên dạy Tin học (TH 13, THCS 17) và 27 giáo viên có chứng chỉ bồi dưỡng dạy môn Tin học và Công nghệ qua đào tạo bồi dưỡng năm 2022. Qua rà soát, còn thiếu 20 giáo viên dạy tiếng Anh và 10 giáo viên dạy Tin học lớp 3, lớp 4. Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng cử giáo viên dạy môn văn hóa đi bồi dưỡng, tập huấn các lớp chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng việc dạy môn Tin học. Đối với môn tiếng Anh, triển khai thí điểm mô hình dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 3, lớp 4, đảm bảo từ 50% trở lên số tiết và 50% số tiết dạy học trực tuyến đến các điểm lẻ tại Trường tiểu học và THCS Nà Bó và Trường tiểu học và THCS Mường Bon, nếu khả thi sẽ nhân rộng trong toàn huyện. Hướng dẫn các trường học thực hiện hợp đồng giáo viên giảng dạy theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ

Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thông tin: Giải pháp trước mắt, ngành thực hiện biệt phái giáo viên, cử giáo viên dạy hỗ trợ, phân công giáo viên dạy liên trường từ các cơ sở giáo dục không thiếu giáo viên cho các đơn vị thiếu giáo viên. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số (dạy học online, lớp học ảo...) để  khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học, một số địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện hợp đồng, thỉnh giảng giáo viên theo quy định. Tham mưu với UBND tỉnh trong thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Những giải pháp cụ thể của ngành Giáo dục và Đào tạo đã phần nào giải quyết khó khăn do thiếu giáo viên theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ đó, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Hiền Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới