Chiều ngày 29/5, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo với sự chủ trì của đồng chí: Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học.
Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các học viện, viện nghiên cứu; các nhà khoa học, nhà quản lý về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các thành viên Ban chỉ đạo, tổ biên tập Đề án; chủ tịch Hội nông dân các tỉnh, thành phố… Hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện Festival trái cây và các sản phẩm OCOP năm 2022, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân được tổ chức tại tỉnh Sơn La.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo.
Khái quát lý luận và thực tiễn về giai cấp nông dân Việt Nam
Trong Đề dẫn khai mạc, đồng chí Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã khái quát thực trạng cơ cấu tổ chức bộ máy hệ thống Hội Nông dân Việt Nam; nội dung, phương thức hoạt động và những đóng góp của Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Các đại biểu dự hội thảo.
Đến nay tổ chức bộ máy, cán bộ có nhiều đổi mới theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đội ngũ cán bộ các cấp Hội từng bước trưởng thành. Hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội các cấp và chất lượng hội viên được nâng lên. Giai cấp nông dân Việt Nam đã ngày càng lớn mạnh; phong trào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Đã xuất hiện hàng nghìn tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh...
Về giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cần tập trung đổi mới công tác tập hợp, vận động nông dân; hướng dẫn và tổ chức cho hội viên nông dân xây dựng xã hội nông thôn văn minh, lành mạnh; vận động nông dân tham gia hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng không gian cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp; tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển kinh tế.
PGS.TS Nguyễn An Ninh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với tham luận “Một số vấn đề đặt ra đối với giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” với hai nhóm vấn đề tiếp cận đó là: Xu hướng đi lên CNXH và biểu hiện trên thực tế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thế giới hiện nay; Nhận định và gợi ý với quá trình xây dựng nông dân văn minh ở Việt Nam. Vấn đề đặt ra là trên thế giới xu hướng xã hội hóa trong nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và văn minh hóa nông dân là quá trình lịch sử - tự nhiên thì ở Việt Nam hiện nay cần hiện thực hóa trong chiến lược phát triển như một quá trình tự giác, chủ động...
Phát huy vai trò chủ thể trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn
Trong tham luận “Những vấn đề đặt ra trong Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng: Nông nghiệp sinh thái; Nông nghiệp văn minh; Nông thôn hiện đại”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đánh giá kết quả sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; nêu lên những tồn tại hạn chế và nguyên nhân.
Các đại biểu trong đổi trong giờ giải lao.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giai đoạn 2021-2025 theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, Nông dân văn minh, Nông thôn hiện đại” theo chủ trương của Đảng, định hướng của Chính phủ, một số vấn đề đặt ra cần giải quyết đó là: Tập trung giải quyết, xử lý một số vấn đề bức thiết ở địa phương được đúc rút sau 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM: môi trường, nước sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng NTM phải gắn với công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền; xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trên cơ sở xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và đặc thù, phù hợp với trình độ phát triển; phát huy nền tảng, sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”...
Để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị cần thực hiện tốt một số định hướng, như: Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao năng lực làm chủ, đời sống vật chất tinh thần của nông dân. Tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 – 2020, đồng thời có chính sách đủ mạnh thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đổi mới phương thức, hình thức đào tạo thiết thực, hiệu quả, nâng cao trình độ, năng lực làm chủ của nông dân để nông dân là chủ thể của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong nông dân…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp
Trong tham luận “Giải pháp hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, của Bộ Khoa học và Công nghệ đã đánh giá tình hình nghiên cứu ứng dụng KHCN về bảo quản, chế biến Nông sản ở Việt Nam, theo đó trình độ công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam nhìn chung ở mức độ trung bình của thế giới, tuy một số lĩnh vực công nghệ chế biến ở mức độ tốt. Khâu yếu là tổn thất sau thu hoạch còn lớn; cơ sở vật chất như phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu thốn, không phù hợp; công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong thực tiễn.
Thực trạng này cho thấy việc ứng dụng KHCN, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phải đi đôi với công tác đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ cho cơ sở, nâng cao năng lực áp dụng khoa học và công nghệ của người dân, huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc; cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù của Nhà nước ở vùng khó khăn trong ứng dụng nhanh chóng, hiệu quả các tiến bộ khoa học và công nghệ. Ưu tiên hỗ trợ các dự án ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ có vai trò hạt nhân của doanh nghiệp, tạo chuỗi giá trị nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa cũng như tạo sinh kế cho người dân...
Tại hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều tham luận, đóng góp những luận cứ, luận chứng khoa học quan trọng, thiết thực làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án “Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” trình Bộ Chính trị xem xét và ban hành Nghị quyết về Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp Nông dân Việt Nam.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!