Khi nông dân Sơn La làm du lịch

Sơn La có khí hậu đa dạng, nhiều vùng có địa hình tương đối bằng phẳng, là điều kiện thuận lợi để phát triển, sản xuất các loại cây công nghiệp, dược liệu, nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao. Tận dụng lợi thế đó, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động quảng bá nông sản bằng nhiều cách làm sáng tạo, đó là đưa khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm những công việc như một nông dân thực thụ. Cách làm này không chỉ tăng thu nhập, mà còn mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ, thú vị.

Tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp

Thung lũng mận Nà Ka, tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu trong ngày hội hái mận hậu năm 2022 do huyện Mộc Châu tổ chức thật sôi động. Từ sáng sớm, đã có đông đảo người dân và du khách tham gia trải nghiệm việc hái và thưởng thức mận ngay tại vườn. Ông Hạng A Sở, một tỷ phú trồng mận dân tộc Mông có tiếng trong vùng vừa hướng dẫn khách cách chọn mận, vừa hào hứng chia sẻ: Cứ vào mùa thu hoạch mận vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, không chỉ riêng vườn mận của gia đình tôi mà còn vườn mận của hàng chục hộ nông dân trong tiểu khu Pa Khen này đều rất đông khách đến tham quan, trải nghiệm. Giá vào tham quan vườn và chụp ảnh là 20.000 - 30.000 đồng, giá mận bán tại vườn làm quà cũng cao hơn bán cho thương lái. Với cách làm như vậy, 3ha mận hậu đã mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm cho gia đình.

Du khách trải nghiệm hái mận tại Thung lũng mận Nà Ka, Mộc Châu.

Rời Mộc Châu, chúng tôi đến thăm vườn cam của gia đình anh Đặng Đình Thùy, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Thùy Xiêm, bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn - địa chỉ quen thuộc của khách thích du lịch trải nghiệm. Chia sẻ với phóng viên, anh Thùy cho hay: Gia đình có hơn 4ha cây cam có tuổi từ 4 năm đến 9 năm, trong đó có 3 ha đã được thu hoạch. Nhận thấy nhu cầu của khách, từ năm 2019, gia đình tôi đã kết hợp mở rộng dịch vụ du lịch cho khách tham quan và trải nghiệm, đầu tư trang trí điểm “check in”, trồng hoa trong vườn cam và không thu phí. Du khách được chụp ảnh, hái và ăn cam tại vườn. Sau khi trải nghiệm tại vườn cam, du khách có thể tổ chức thêm các hoạt động vui chơi ngoài trời, mang đồ ăn đến thưởng thức ngay tại vườn. Nếu du khách muốn mua về sẽ tự hái tại vườn với giá từ 20 đến 30 nghìn đồng/1 kg, tùy từng loại cam. Hầu hết, mỗi khách đến tham quan đều hái từ 5 kg đến 10 kg. Nhờ đó, HTX của tôi tiêu thụ được một lượng cam rất lớn, thu nhập trung bình hơn 1 tỷ đồng/năm.

Tiếp tục hành trình, chúng tôi về xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu. Nằm dưới chân đèo Phạ Đin huyền thoại, nơi đây không chỉ là vùng chè có cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hấp dẫn, mà còn có khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ. Tận dụng tiềm năng này, năm 2021, HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng du lịch sinh thái Bình Thuận Farm. Nơi này nằm giữa không gian thiên nhiên bình yên, thơ mộng, khí hậu trong lành, nhà sàn nghỉ dưỡng đẹp, sạch sẽ, đồ ăn là những sản phẩm sạch của địa phương, Bình Thuận Farm đã bước đầu thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, nhất là các học sinh.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, Thành phố, trải nghiệm làm công nhân hái chè tại Bình Thuận Farm.

Cô giáo Vũ Thị Hồng cùng gần 20 học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi, thành phố Sơn La vừa kết thúc tour trải nghiệm một ngày làm công nhân hái chè, chia sẻ: Bình Thuận Farm có các đồi chè trồng theo hướng hữu cơ rất đẹp, các em được hái chè, tận tay hái những búp chè tươi ngon, sao chè, uống chè. Việc làm này giúp các em thấy được sự khó khăn trong việc trồng và hái chè, từ đó càng yêu thêm và quý trọng công sức lao động của người dân nơi đây. 

Chị Nguyễn Thị Bình làm Giám đốc HTX, những cũng kiêm luôn làm hướng dẫn các em hái chè, nói: Bình Thuận Farm mới đi vào hoạt động được 1 năm, dù chưa được quảng bá nhiều, song đã có khá đông du khách nhất là học sinh đến tham quan, trải nghiệm. Một trong những điều thu hút và hấp dẫn du khách khi đến đây là được hòa mình vào công việc của bà con vùng chè, cũng như ghi lại những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng của bản thân. Chúng tôi tiếp tục đầu tư, tập huấn hướng dẫn viên du lịch cho nông dân trồng chè để thu hút du khách đến với Bình Thuận Farm nhiều hơn. 

Mỗi một địa phương của vùng đất Sơn La đều có những mô hình kinh tế, cách làm mới sáng tạo thu hút du khách trải nghiệm, như: Hái cam tại vườn cam xã Mường Thải, huyện Phù Yên, huyện Vân Hồ, huyện Mai Sơn; tham quan đồi chè cổ thụ 300-500 năm tuổi kết hợp với trải nghiệm quá trình sản xuất chè của bà con dân tộc Mông tại bản Mống Vàng và bản Chung Chinh, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên; trải nghiệm mùa vàng trên những cánh đồng và mùa hoa sơn tra tại các bản vùng cao của xã Ngọc Chiến, huyện Mường La... Nếu như trước đây loại hình du lịch nông nghiệp, trải nghiệm chủ yếu dành cho các bạn trẻ đam mê khám phá, thì giờ đây, loại hình du lịch này còn thu hút nhiều du khách muốn trải nghiệm cuộc sống của những người nông dân.

Du khách nghỉ ngơi thưởng thức cam ngay tại vườn HTX nông nghiệp hữu cơ Thùy Xiêm, Chiềng Ban, Mai Sơn.

Quan tâm phát triển du lịch nông nghiệp, trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã và đang quan tâm tổ chức các sự kiện du lịch gắn với trải nghiệm sản phẩm nông nghiệp, như: Ngày hội hái quả, hội chè cao nguyên; ngày hội xoài (Yên Châu); nhãn (Sông Mã); cà phê (Mai Sơn). Tại các sự kiện, du khách được tham gia các tour trải nghiệm tham quan vườn mận, đồi chè, hái xoài, nhãn và thưởng thức trái cây ngay tại vườn. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, trò chơi dân gian của nông dân địa phương. Hơn nữa, những ngày hội còn giúp nông dân tăng thu nhập bằng cách bày bán nông sản trực tiếp cho du khách và đem đến những cảm nhận mới lạ cho du khách, góp phần khai thác hiệu quả thế mạnh nông sản của Sơn La.

Đồng hành với nông dân

Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Cùng nông dân trong phát triển du lịch nông nghiệp, Hội đã chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Tây Bắc, Trường cao đẳng Sơn La và các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp; tổ chức các hội thảo có sự tham gia của nông dân; tổ chức đưa nông dân đi tham quan học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài tỉnh... Thông qua đó, đã giúp hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, biết áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích sản xuất, từ đó làm động lực phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

Từ năm 2016-2021, tỉnh Sơn La kịp thời ban hành 4 chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, du lịch, góp phần tạo lòng tin, sự đồng thuận tham gia vào thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, du lịch của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Sơn La từ một tỉnh miền núi có diện tích đất nương đồi trồng ngô lớn nhất cả nước, đã nhanh chóng trở thành một trong những tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước, với 78.850 ha cây ăn quả. Duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; có 24 sản phẩm địa danh của tỉnh Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Từ các lợi thế đó, việc gắn kết phát triển các tuyến du lịch sinh thái nông nghiệp được hình thành, thu hút hàng nghìn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp

           

Phát huy vai trò “trung tâm và nòng cốt” của các cấp Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhất là phát triển du lịch nông nghiệp trong giai đoạn tới. Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân, cho biết: Hiện nay, lượng khách quan tâm tới du lịch nông nghiệp ngày càng lớn, nhiều nông dân trong tỉnh bắt đầu có góc nhìn khác về du lịch, thông qua phát triển du lịch nông nghiệp, họ có thể bán được nông sản với giá trị cao, không còn lo “được mùa mất giá” hoặc bị ép giá.

Học sinh tiểu học Trường Liên cấp quốc tế Bình Minh, Thành phố trải nghiệm hái chè tại Bình Thuận Farm.

Mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái đã và đang đem lại nhiều giá trị tích cực du lịch, làm cho các sản phẩm nông nghiệp gia tăng giá trị, tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân. Để các hoạt động du lịch nông nghiệp mang tính ổn định lâu dài bền vững, hạn chế tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp, sản phẩm du lịch nông nghiệp cần được chú trọng về thương hiệu, hình thức tổ chức và đầu tư đồng bộ. Hội Nông dân tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân; trong đó, chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng, tập huấn, bổ sung vốn kiến thức tăng cường đào tạo cung cách, kỹ năng phục vụ du lịch cho nông dân.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của môi trường đối với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; xây dựng hình ảnh du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; vận động nông dân phát triển du lịch nông nghiệp trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách... để du lịch nông nghiệp của Sơn La ngày thêm phát triển. 

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới