Câu chuyện làm giàu của những nông dân trên vùng đất bên hồ sông Đà ở huyện Quỳnh Nhai đã thu hút chúng tôi về với vùng đất này, để chứng kiến sự vượt khó đi lên, trở thành những triệu phú, chung sức cùng bà con xây dựng nông thôn mới.
Triệu phú bản vùng cao
Chúng tôi về bản Phiêng Ban, bản vùng cao của xã Mường Giàng. Cơn mưa rào bất chợt làm dịu đi cái nóng của ngày hè và tiếp sức cho hàng trăm hecta cây trồng của bà con. Anh Thào A Dia, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận bản Phiêng Ban, còn khá trẻ, nhanh nhẹn, tháo vát. Là cử nhân luật, nhưng anh cũng từng có 6 năm làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, bây giờ anh là triệu phú ở vùng đất dốc này. Sau cái bắt tay nồng hậu, anh Dia dẫn chúng tôi đi thăm trang trại cà phê - mô hình kinh tế điển hình ở bản vùng cao này.
Anh Dia tâm sự: Khi công tác ở Hội Nông dân xã, tôi nhận thấy quê mình nghèo khó, trong khi bản có tiềm năng đất đai phì nhiêu, người dân cần cù, chăm chỉ, mà cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám bấy lâu nay. Sau những chuyến đi thực tế ở một số địa phương, tôi quyết định xin nghỉ công tác hội, dành toàn bộ thời gian, công sức vào nghiên cứu, học hỏi làm nông nghiệp, vận động bà con trong bản chuyển đổi cây trồng, đưa cây cà phê, chè, cây ăn quả vào trồng trên diện tích đất dốc bạc màu, trồng xen cây ăn quả vào diện tích hoa màu, áp dụng các kỹ thuật vào sản xuất. Vận động bà con nuôi trâu, bò nhốt chuồng theo hướng hàng hóa và tận dụng phân bón cho cây trồng.
Anh Dia kể tiếp: Lúc đầu bà con không làm, họ cho rằng làm việc đó không hợp với người Mông. Để thuyết phục bà con, tôi làm trước. Việc đầu tiên là quy hoạch, mở rộng diện tích, xác định cây trồng, vay vốn mua giống, phân bón; nhờ cán bộ khuyến nông huyện giúp đỡ kỹ thuật. Sau 4 năm, gia đình đã có 3,8 ha cà phê, 1,3 ha chè Shan tuyết, 7 ha ngô; năm ngoái, gia đình thu trên 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động trong bản.
Hiện nay, bản Phiêng Ban có 76 hộ, 100% là dân tộc Mông, năm 2015, Phiêng Ban được công nhận là bản nông thôn mới. Hiện nay, bản có 50% hộ khá, giàu, chỉ còn 5% hộ nghèo và cận nghèo. Năm 2025, bản phấn đấu xóa hết hộ nghèo và được công nhận bản nông thôn mới nâng cao.
Anh Thào A Dia cho biết thêm: Chi bộ đã xác định mỗi đảng viên phải tiên phong làm giàu cho gia đình, làm đẹp cho bản và có trách nhiệm giúp đỡ những hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, có thu nhập trung bình khá. Gia đình tôi sẽ dành một khoản giúp bà con vốn để sản xuất và hướng dẫn họ phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Làm giàu trên dòng Đà giang
Chia tay bản vùng cao Phiêng Ban, chúng tôi xuôi xuống hồ sông Đà, được Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Bằng Lò Thị Thảo giới thiệu về những mô hình nuôi cá lồng hiệu quả, góp phần giúp vùng đất bên hồ sông Đà ngày một đổi mới.
Người mà chúng tôi tìm gặp là anh Lò Văn Ban, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản Hoa Ban, ở bản Cọ Trậm. Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, đưa chúng tôi đi thăm khu nuôi cá của HTX, Giám đốc Lò Văn Ban chia sẻ: Cách đây gần 20 năm, khi chưa xây dựng công trình thủy điện Sơn La, Chiềng Bằng là vựa lúa của huyện Quỳnh Nhai với gần 2.000 ha lúa. Bây giờ, vùng đất đó trở thành vùng hồ mênh mông, bà con tận dụng lợi thế, nuôi hơn 2.600 lồng cá trên 4 ha mặt hồ, sản lượng hằng năm trên 450 tấn. HTX chúng tôi là một trong 14 HTX thủy sản của Chiềng Bằng, với 12 thành viên, nuôi 160 lồng, sản lượng mỗi năm trên 30 tấn, chủ yếu là cá lăng đen, lăng vàng, trắm cỏ; thu nhập bình quân mỗi thành viên từ 150-200 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, nuôi cá lồng gặp không ít khó khăn, nhất là đầu ra của sản phẩm, thiếu vốn để mua thức ăn cho cá, kỹ thuật nuôi, phòng chống dịch bệnh. Năm 2014, khi mới khởi nghiệp, gia đình anh Ban chỉ có 360 triệu đồng vốn, nuôi 16 lồng cá. Do đó, phải lấy ngắn nuôi dài, lúc đầu chỉ nuôi cá rô phi, trắm cỏ, nhưng thị trường huyện Quỳnh Nhai nhỏ, nên khi có sản phẩm phải đưa đến các địa phương khác để tiêu thụ.
Anh Ban chia sẻ thêm: Điều đáng mừng là hiện nay, thị trường tương đối đổi ổn định, bởi HTX đã ký hợp đồng với HTX Nông nghiệp - Y học cổ truyền - Chế biến nông sản Mỹ Lương, tỉnh Phú Thọ. Có đầu ra, HTX đưa các giống cá đặc sản, như lăng đen, lăng vàng vào nuôi đại trà vì đây là loại cá có giá trị kinh tế cao. Nuôi cá vất vả nhưng bù lại có nguồn thu nên ham lắm. Riêng gia đình tôi đã phát triển lên 26 lồng, mỗi năm thu từ 4-5 tấn cá, lãi trên 300 triệu đồng.
Đứng trên bè cá, giữa hồ nước mênh mông của gia đình Giám đốc HTX Lò Văn Ban, nhìn đàn cá dưới làn nước trong xanh, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, chúng tôi cảm nhận rõ sức vươn lên của vùng đất bên sông Đà và những người nông dân ở Quỳnh Nhai luôn nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo, nhạy bén với thị trường, góp sức làm giàu cho quê hương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!