Đột phá trong phát triển du lịch ở Mộc Châu

Phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của huyện, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch lợi thế, là 1 trong 4 khâu đột phá được Đảng bộ huyện Mộc Châu đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Mộc Châu trở thành điểm đến lý tưởng, an toàn của nhiều du khách.

Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Rừng thông bản Áng.
Ảnh: Việt Anh

Thực hiện mục tiêu đột phá, Đảng bộ huyện Mộc Châu đã ban hành Đề án số 02-ĐA/HU về phát triển du lịch huyện Mộc Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với 6 nhóm giải pháp lớn: Phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch theo hướng đồng bộ; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng sản phẩm du lịch xứng tầm tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, nông nghiệp và những trải nghiệm liên quan; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Mộc Châu; nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển và quản lý du lịch; chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.

Đồng chí Trần Dân Khôi, Bí thư huyện ủy Mộc Châu, cho biết: Cấp ủy, chính quyền huyện Mộc Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến khảo sát, lập và triển khai dự án trên địa bàn. Chủ động rà soát thực trạng các điều kiện đạt và chưa đạt của khu du lịch quốc gia, xây dựng kế hoạch phối hợp hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận Khu du lịch quốc gia.

Du khách tham quan Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Rừng thông bản Áng. Ảnh: Việt Anh

Đến nay, Mộc Châu đạt 3/5 điều kiện với 16/20 tiêu chí của Khu du lịch quốc gia. Trên địa bàn huyện có 295 cơ sở lưu trú đang hoạt động; trong đó có 9 khách sạn từ 1-3 sao, 1 khách sạn 4 sao, 1 resort; 400 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm; trên 10 khu, điểm, bản du lịch; 12 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành. Môi trường kinh doanh được cải thiện trong mắt các nhà đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (DDCI) luôn nằm trong top 3 toàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu có 17 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, với tổng mức đầu tư 3.761 tỷ đồng; 5 dự án đầu tư tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu với tổng mức đầu tư trên 1.330 tỷ đồng. 

Quan tâm xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách, nhất là các sản phẩm du lịch thế mạnh, Mộc Châu đã hình thành nhiều loại hình du lịch mang bản sắc riêng, như: Du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng và du lịch “nông nghiệp”...

Khai mạc Ngày hội Du lịch Văn hoá Sơn La năm 2023 tại  Khu du lịch Mộc Châu Island.
Ảnh: Việt Anh

Mộc Châu hiện có rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng thu hút nhiều du khách, có thể điểm tên, như: Khu du lịch Mộc Châu Island với điểm nhấn là cầu kính Bạch Long dài nhất thế giới; Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Rừng thông bản Áng; Khu du lịch sinh thái thác Dải Yếm; phố đi bộ Mộc Châu; động Sơn Mộc Hương; ngũ động bản Ôn; Khu lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến; đồi chè trái tim; thung lũng mận Nà Ka... Các bản du lịch cộng đồng, homestay tại bản Áng, xã Đông Sang; bản Vặt, xã Mường Sang; bản Dọi, xã Tân Lập được nhiều người biết và lựa chọn đến khám phá, trải nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho hay: Huyện duy trì tổ chức nhiều hoạt động và sự kiện quảng bá du lịch, như lễ hội Hết Chá, Cầu mưa, Ngày hội hái quả, liên hoan văn nghệ, thể thao các bản biên giới; Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu, giải Marathon đường mòn Việt Nam… thu hút du khách đến với Mộc Châu tham gia trải nghiệm.

Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được quan tâm, hiện nay, Mộc Châu có gần 2.900 lao động hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ; trong đó lao động có bằng trung cấp các ngành trở lên chiếm khoảng 40%, có chứng nhận nghiệp vụ du lịch chiếm 10-12%, còn lại là lao động phổ thông. Công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Mộc Châu được triển khai mạnh mẽ, có sự đầu tư về kinh phí, nâng cao về chất lượng.

Ngoài phát huy các ứng dụng mạng xã hội, như: Facebook, twitter, Instagram, Zalo, các website, Mộc Châu còn hoàn thành xây dựng bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360, các video, clip quảng bá về du lịch; xây dựng ứng dụng du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo nhằm quảng bá du lịch Mộc Châu và thuận lợi cho du khách trong và ngoài nước tìm hiểu, tra cứu thông tin, đưa du lịch Mộc Châu đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.

Năm 2022, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu vinh dự được nhận giải thưởng Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu Châu Á và Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới thuộc hệ thống Giải thưởng hàng đầu thế giới trong ngành Du lịch (World Travel Awards). Hình ảnh, thương hiệu du lịch Mộc Châu đã và đang được lan tỏa mạnh mẽ tới du khách trong và ngoài nước. Lượng khách du lịch ước đạt gần 3 triệu lượt, doanh thu xã hội ước đạt trên 3.200 tỷ đồng.

Du khách trải nghiệm hái mận hậu tại thung lũng mận Nà Ka, thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Ảnh: Việt Anh

Những kết quả đạt được trong thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch có tác động quan trọng tới thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra, đó là chỉ tiêu về tổng lượt khách du lịch đến năm 2025 đạt 2,5 triệu lượt khách. Du lịch từng bước phát triển, góp phần thực hiện các chỉ tiêu về giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo, chỉ tiêu về môi trường, xây dựng nông thôn mới; doanh thu từ dịch vụ du lịch tạo ra nguồn lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Với định hướng phát triển khoa học, bài bản, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch Mộc Châu sẽ ngày càng vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới.  

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới