Đầu xuân vãn cảnh cầu an ở Khu du lịch tâm linh Quỳnh Nhai

Tọa lạc trong không gian lòng hồ thủy điện Sơn La, Khu du lịch văn hóa tâm linh huyện Quỳnh Nhai có vị thế đẹp với các công trình kiến trúc đền, chùa có lịch sử lâu đời. Nơi đây đang trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách mỗi dịp đầu xuân, vừa để vãn cảnh biển hồ, vừa tìm về chốn an yên, thanh tịnh, cầu mong năm mới bình an.

Khu du lịch văn hóa tâm linh huyện Quỳnh Nhai.

Khu du lịch văn hóa tâm linh huyện Quỳnh Nhai có vị trí đắc địa với quy hoạch tổng thể gần 14ha với quần thể các đền, chùa được phục dựng, xây dựng theo kiến trúc truyền thống. Quần thể kiến trúc tâm linh được đặt ở vị trí trung tâm, nằm trên các đồi núi cao, 3 mặt hướng ra lòng hồ Quỳnh Nhai với thế “tựa sơn, hướng thủy”, hướng nhìn bao quát lòng hồ mênh mông và cảnh quan núi rừng hùng vỹ trước mặt. “Trái tim” quần thể này là Đền Linh Sơn Thủy Từ và Đền Nàng Han.

Các nghệ nhân thực hiện nghi lễ dâng hương tại đền Linh Sơn Thủy Từ dịp đầu xuân.

Trong đó, đền Linh Sơn Thủy Từ là ngôi đền được phục dựng trên cơ sở là miếu thờ thần sông, thần núi, các tạo bản, tạo mường, những thế lực siêu nhiên được cho là có công xây dựng và giữ yên bản mường được tạo lập từ trước thế kỷ XVII, tại bản Mường Chiên, xã Mường Chiên; các cổ vật được đưa về đây sau khi hoàn thành công cuộc di dân tái định cư thủy điện Sơn La và khánh thành vào tháng 5/2012. Đền Nàng Han cũng được phục dựng từ tháng 10/2011, là đền thờ vị nữ tướng tài ba của đồng bào Thái trắng có công đánh dẹp quân xâm lược, giữ yên bờ cõi, mang lại cuộc sống thanh bình cho quê hương bản mường.

Dâng hương đền Nàng Han trước Lễ hội gội đầu ngày 30 Tết.

Ngoài 2 đền chính, Khu du lịch văn hóa tâm linh huyện Quỳnh Nhai hiện đang quy hoạch xây dựng thêm các công trình như: Chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hạ, tháp bút và các hạng mục phụ trợ khác. Đặc biệt, trong quần thể các công trình kiến trúc tâm linh còn có Tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát có độ cao 32m, được hoàn thành vào cuối năm 2020. Tượng phật được xây dựng ở vị trí cao trên đỉnh đồi, lưng tựa vào dãy núi đá vôi vững trãi, hướng nhìn ra toàn cảnh biển hồ rộng lớn mang ý nghĩa bảo vệ bình yên cho cho vùng sông nước, tạo nên khung cảnh thật ấn tượng cho vùng lòng hồ Quỳnh Nhai.

 Bà Mè Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm – Truyền thông văn hóa huyện Quỳnh Nhai, đơn vị quản lý khu du lịch văn hóa tâm linh, cho biết: Quần thể khu du lịch văn hóa tâm linh được xây dựng dựa trên cơ sở sẵn có, được phục dựng và phát triển thêm nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đã có từ lâu đời của nhân dân trong và ngoài huyện. Qua đó, giúp bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp trong văn hóa ngàn đời của đồng bào các dân tộc Quỳnh Nhai, tạo nơi sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, không chỉ phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn góp phần tăng cường tình đoàn kết dân tộc.

Tượng Phật A Di Đà tại địa phận huyện Quỳnh Nhai cũ.

Đến Quỳnh Nhai vào dịp đầu xuân mới, bà Đỗ Thị Thanh, du khách đến từ Thành phố Sơn La, phấn khởi nói: Từng công tác tại Quỳnh Nhai, nay có dịp trở lại, tôi cảm thấy ngỡ ngàng trước sự thay đổi của huyện nhà. Đặc biệt là được đến vãn cảnh, thắp hương cầu an tại khu du lịch tâm linh, cảm nhận được sự thư thái trong tâm hồn, được hòa mình với thiên nhiên nhiên, ngắm nhìn toàn cảnh lòng hồ từ trên cao. Quả thực, đây là điểm du lịch rất đáng đến với những ai yêu thích cảnh quan sông nước và còn giữ thói quen lễ chùa đầu năm.

Còn với chị Vũ Đoàn Thùy Dương, du khách đến từ thành phố Hà Nội, chia sẻ: Tôi đã từng đến nhiều điểm du lịch tâm linh có quy mô lớn của đất nước nhưng riêng ở Quỳnh Nhai, những ngôi đền này mang đến cho du khách phương xa chúng tôi cảm giác vừa tôn kính, trang nghiêm mà vừa gần gũi, nhẹ nhàng và thư thái. Khung cảnh non xanh nước biếc cùng với con người thân thiện mến khách, khiến chúng tôi ấn tượng và thiện cảm mới vùng đất này.

Du khách thắp nhang cầu an tại nơi đặt tượng Phật A Di Đà.

Vào dịp đầu xuân, Quỳnh Nhai trở thành điểm du lịch rất đáng lưu tâm, không chỉ vãn cảnh đền cầu an mà còn được hòa mình trong những lễ hội truyền thống và các hoạt động sôi nổi đầu năm được huyện tổ chức. Mở đầu là lễ hội gội đầu ngày 30 Tết, gắn với tích chuyện về vị nữ tướng Nàng Han của dân tộc Thái mang ý nghĩa rũ sạch mọi điều không may của năm cũ để đón một năm mới đến nhiều điều tốt đẹp. Ngay sau Tết Nguyên đán là lễ hội đua thuyền truyền thống được tổ chức trong khuôn khổ tuần văn hóa, thể thao và du lịch của huyện với rất nhiều hoạt động sôi động, hấp dẫn, du hút đông đảo du khách đến trải nghiệm. Ngoài khu du lịch tâm linh, du khách có thể ngược sông Đà về địa phận huyện Quỳnh Nhai cũ để du ngoạn cảnh đẹp lòng hồ, ghé vào thắp nhang cầu bình an năm mới tại nơi đặt Tượng Phật A Di Đà, miếu Long Vương, di tích lịch sử cây đa Pắc Ma hay thăm đảo Trái tim, vịnh Uy Phong, suối nước nóng bản Bon…, để thấy hết được khung cảnh non nước kỳ vĩ của biển hồ Quỳnh Nhai hôm nay.

Với nhiều yếu tố hấp dẫn từ cảnh quan, con người và văn hóa lâu đời, Khu du lịch văn hóa tâm linh huyện Quỳnh Nhai hút trên 10.000 lượt du khách đến dâng hương cầu an và vãn cảnh vào dịp đầu xuân và Tết Nguyên đán năm nay. Mỗi năm, Quỳnh Nhai đón trên 200.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Cùng với phát huy lợi thế vùng lòng hồ, du lịch Quỳnh Nhai đang từng ngày phát triển, trở thành điểm du lịch tâm linh đáng đến và điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của Sơn La.  

Thanh Đào, Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới