Kỷ niệm 57 năm Ngày thành lập ASEAN (8-8-1967 / 8-8-2024): ASEAN - Hành trình gắn kết và tự cường khu vực

Khởi đầu hành trình cách đây tròn 57 năm, Tuyên bố Bangkok ngày 8-8-1967 thành lập ASEAN chỉ có độ dài 2 trang khiêm tốn, nhưng chứa đựng trong đó là những mong mỏi, khát khao về hòa bình và thịnh vượng bền vững cho thế hệ mai sau.

Sự ra đời của ASEAN cùng những bước chuyển mình lịch sử của khu vực đã đưa Đông Nam Á vượt qua những chia rẽ của quá khứ để trở thành điểm sáng trung tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương về sự đoàn kết và hợp tác, với tầm vóc chiến lược về chính trị và kinh tế. Sứ mệnh chung về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển đã gắn kết các nước thành viên ASEAN và đến lượt mình, một ASEAN gắn kết, tự cường luôn nỗ lực để hoàn thành sứ mệnh đó ở những tầm cao mới.

Gắn kết trong sứ mệnh và tầm nhìn chung

“Sông núi không ngăn cách, mà gắn kết chúng ta trong hữu nghị, hợp tác và chia sẻ”(1). Những hình dung được phác họa cách đây gần 30 năm là nền tảng và động lực cho sự gắn kết của ASEAN theo cả 3 chiều cạnh thời gian, không gian và chiến lược. 

Xây dựng Cộng đồng ASEAN là tiến trình liên tục, được bồi đắp qua từng năm. Một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội là mục tiêu bao quát được ghi nhận trong Hiến chương ASEAN. Giữa “vạn biến” của thời cuộc, mục tiêu này là bất biến, nhưng ở những thời điểm khác nhau, với những ưu tiên khác nhau, ASEAN sẽ cụ thể hóa thành các định hướng phù hợp theo xu hướng và chuyển động của từng giai đoạn.

Kỷ niệm 57 năm Ngày thành lập ASEAN (8-8-1967 / 8-8-2024): ASEAN - Hành trình gắn kết và tự cường khu vực
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: TRÀ NGUYỄN 

Năm 2015, cũng vào thời điểm Cộng đồng ASEAN ra đời, các nước thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với chủ đề “ASEAN: Cùng vững vàng tiến bước”, đặt trọng tâm vào củng cố liên kết ở các tầng nấc khác nhau từ khu vực vươn tầm ra thế giới.

Chưa đầy một thập kỷ sau, trong bối cảnh tình hình ngày càng khó lường, khó đoán định và khó dự báo, Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2023 đã quyết định xây dựng một tầm nhìn dài hạn hơn, chiến lược hơn cho ASEAN. Theo đó, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 đã xác định hướng đi cho ASEAN, đó là “tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm”. Những từ khóa này sẽ là “kim chỉ nam” cho tư duy và hành động của ASEAN trong những thập kỷ tiếp theo, bảo đảm khả năng ứng phó chủ động, linh hoạt với mọi biến động.

Tự cường trong thế giới biến động

Trưởng thành và lớn mạnh qua gian nan, thử thách, ASEAN là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, nỗ lực bền bỉ và tinh thần tự cường. Tình hình thế giới, khu vực đang chuyển biến nhanh chóng với nhiều xu hướng mới và cùng với đó là tác động đa chiều, thuận nghịch đan xen. Bối cảnh đó đòi hỏi ASEAN nỗ lực nhiều hơn nữa, giữ vững và phát huy thành quả của gần 60 năm hợp tác.

Về vững vàng trong liên kết kinh tế: Trong bức tranh kinh tế thế giới còn nhiều gam màu xám, ASEAN tiếp tục là điểm sáng tăng trưởng. Với GDP 3.800 tỷ USD năm 2023, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và dự báo vươn lên thứ 4 vào năm 2030 với đà tăng trưởng như hiện nay. ASEAN hiện là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với tổng FDI đạt 229 tỷ USD năm 2023, vượt qua mọi nền kinh tế đang phát triển khác(2).

Trước các xu thế phát triển mới, ASEAN dành nhiều nỗ lực và quyết tâm theo đuổi các sáng kiến mang tính đột phá. Hiệp định khung về kinh tế số ASEAN, hiệp định đầu tiên trên toàn cầu, sẽ mang lại cho ASEAN động lực tăng trưởng mới và lợi thế cạnh tranh lớn hơn. ASEAN cũng nổi lên là tâm điểm trong xu thế chuyển dịch và đa dạng chuỗi cung ứng, với dòng đầu tư tăng mạnh trong các lĩnh vực công nghệ và phát triển bền vững như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xe điện, năng lượng tái tạo, mạng lưới điện, hạ tầng bền vững...

Về vững mạnh trong hợp tác chính trị-an ninh: Là “kiến trúc sư” của cấu trúc khu vực, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, đặc biệt trong phát huy các chuẩn mực ứng xử như Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)..., cũng như nâng cao hiệu quả và sức hấp dẫn của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF).

Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 và nhiều tuyên bố chung trước đó như tuyên bố ngày 30-12-2023 về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á khẳng định sự đoàn kết, lập trường nguyên tắc và tiếng nói chung của ASEAN về các vấn đề quốc tế, khu vực, đề cao thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, mong muốn các đối tác ủng hộ nỗ lực của ASEAN xây dựng Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.

Về vững tin trong bản sắc cộng đồng: Hiện thực hóa một ASEAN hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm là sợi dây xuyên suốt tất cả các lộ trình và chiến lược của ASEAN. Hàng loạt sáng kiến của ASEAN thời gian qua như hệ thống điều phối y tế công cộng khẩn cấp, trung tâm biến đổi khí hậu, trung tâm kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới... cho thấy ASEAN vẫn miệt mài tìm kiếm giải pháp cho tất cả những vấn đề đang tác động đến cuộc sống người dân.

Dù còn nhiều việc cần phải làm, nhưng chắc chắn những thành quả ngày hôm nay sẽ được lan tỏa rộng rãi, để người dân cảm nhận được nỗ lực tận tâm của ASEAN ở tất cả cấp độ hợp tác, dành thêm tình cảm, gắn bó, ủng hộ và đóng góp tích cực cho cộng đồng ngày càng vững mạnh. Đó cũng chính là những giá trị nền tảng xây đắp nên bản sắc của Cộng đồng ASEAN.

Việt Nam trong ASEAN: Trọn vẹn niềm tin, trọn tình gắn bó

Năm 1995, Việt Nam chính thức bắt đầu tiến trình hợp tác và hội nhập ASEAN. Khởi đầu muộn, xuất phát điểm lại không cao, chúng ta phải nỗ lực không ngừng để bắt kịp nhịp độ và tham gia đầy đủ tất cả các lĩnh vực hợp tác ASEAN, và cao hơn là tích cực và chủ động đóng góp vào tiến trình đó.

Nỗ lực 29 năm qua đã mang lại cho chúng ta những thành quả đáng tự hào, từ hoàn thành tốt trách nhiệm thành viên trong những ngày đầu đến tự tin tham gia, đóng góp định hình các chiến lược của ASEAN, và hiện nay đảm trách, dẫn dắt nhiều tiến trình quan trọng. Vị thế và uy tín của Việt Nam trong ASEAN là kết quả nỗ lực của các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Thành công của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 do Việt Nam đăng cai tổ chức với chủ đề “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm” là minh chứng sắc nét về vai trò và đóng góp của Việt Nam đối với công việc chung của khu vực và thế giới.

Trong những ngày đầu tháng 8, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đã để lại nhiều di sản trân quý cho nền đối ngoại nước nhà, xin trích dẫn một câu nói của đồng chí về ASEAN: “Việt Nam luôn coi ASEAN là ngôi nhà chung, đặt ưu tiên cao quan hệ với các nước thành viên, gắn bó hài hòa lợi ích quốc gia của Việt Nam với lợi ích của cả khu vực”. Tình cảm gắn bó và hữu nghị này sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình tham gia ASEAN với niềm tin và nỗ lực đóng góp vì một ASEAN gắn kết và tự cường.

BÙI THANH SƠN - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

(1) Tầm nhìn ASEAN 2020, được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN năm 1997 tại Kuala Lumpur

(2) Báo cáo thường niên năm 2023 của Tổng thư ký ASEAN

Theo QĐND
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Thành phố Sơn La triển khai sơn kẻ vạch trên các tuyến đường

    Thành phố Sơn La triển khai sơn kẻ vạch trên các tuyến đường

    Thành phố Sơn La -
    Đảm bảo an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trên địa bàn thành phố năm 2025, hướng tới chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, từ đầu tháng 5, thành phố Sơn La đã đầu tư thực hiện Dự án sơn kẻ vạch, gờ giảm tốc các tuyến đường giao thông trên địa bàn. 
  • 'Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận tại tổ

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận tại tổ

    Thời sự - Chính trị -
    Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 12/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo, gồm: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
  • 'Tôn vinh nghề điều dưỡng

    Tôn vinh nghề điều dưỡng

    Sức khỏe -
    Điều dưỡng viên không chỉ hỗ trợ đắc lực bác sĩ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, mà còn là cầu nối giữa cơ sở khám chữa bệnh với bệnh nhân. Cùng với tình yêu nghề, lương tâm nghề nghiệp, họ còn nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân. Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 là dịp để xã hội tôn vinh đội ngũ điều dưỡng - những người đã và đang góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
  • 'Họp Tổ nghiên cứu Đề án theo Quyết định số 1324-QĐ/TU ngày 4/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

    Họp Tổ nghiên cứu Đề án theo Quyết định số 1324-QĐ/TU ngày 4/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 12/5, đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu xây dựng Đề án kết thúc hoạt động của Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố; thành lập Đảng bộ cấp xã trực thuộc Tỉnh ủy; sắp xếp, tinh gọn cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ từ tỉnh đến cơ sở (Tổ nghiên cứu Đề án theo Quyết định số 1324-QĐ/TU), đã chủ trì cuộc họp.
  • 'Kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc tế điều dưỡng

    Kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc tế điều dưỡng

    Sức khỏe -
    Ngày 12/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Hội Điều dưỡng tỉnh tổ chức Kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc tế điều dưỡng (12/5/1965 - 12/5/2025); trao giải Cuộc thi “Sáng tạo góc truyền thông Giáo dục sức khỏe” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 13/5/2025

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 13/5/2025

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lục địa tăng cường sau có cường độ ổn định và suy yếu. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có cường độ thay đổi. Thời tiết: Mây thay đổi, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ngày nắng.
  • 'Đẩy nhanh tiến độ đưa người lao động tỉnh Sơn La đi làm việc ở nước ngoài

    Đẩy nhanh tiến độ đưa người lao động tỉnh Sơn La đi làm việc ở nước ngoài

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 12/5, đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì họp báo cáo tiến độ thực hiện các nội dung liên quan đến hoạt động đưa người lao động tỉnh Sơn La đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2025. Tham dự có đại diện các sở, ngành của tỉnh.
  • 'Nghị quyết số 480/NQ-HĐND

    Nghị quyết số 480/NQ-HĐND

    INFOGRAPHIC -
    Ngày 29/4/2025, tại Kỳ họp chuyên đề thứ 30, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND đã quyết nghị thông qua Nghị quyết số 480/NQ-HĐND về việc gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án sang năm 2025 đối với 3 dự án sử dụng ngân sách Trung ương không đáp ứng thời gian bố trí theo quy định tại Điều 57, Luật Đầu tư công năm 2024.