Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
.jpg)
Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Sơn La đề nghị bổ sung đối tượng thụ hưởng chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết về đột phá xây dựng, thi hành pháp luật
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đồng tình với sự cần thiết ban hành nghị quyết. Đây là bước cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 6/1/2023 của Bộ Chính trị, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật, thu hút chuyên gia, luật gia giỏi vào khu vực công, bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, thi hành pháp luật trong giai đoạn mới.
Góp ý về Điều 7 dự thảo Nghị quyết – quy định về đối tượng thụ hưởng chính sách đặc thù, đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung đầy đủ các nhóm đối tượng phù hợp với thực tiễn chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể, cần bổ sung Ban Dân chủ - Pháp luật thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, tương ứng với Ban Dân chủ - Giám sát và Phản biện xã hội ở cấp Trung ương đã nêu trong dự thảo, vì đây là lực lượng trực tiếp thực hiện công tác xây dựng, giám sát thi hành pháp luật ở địa phương. Ngoài ra, cần bổ sung rõ đối tượng là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cấp tỉnh và cấp xã, không chỉ giới hạn ở Ban Pháp chế, bởi thực tế tất cả các ban HĐND đều thực hiện chức năng xây dựng, giám sát việc thi hành pháp luật theo quy định.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ cán bộ, công chức tham mưu, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, cấp xã vào đối tượng thụ hưởng chính sách. Đây là lực lượng trực tiếp tham mưu công tác xây dựng pháp luật, giám sát văn bản pháp luật tại địa phương. Nếu không quy định cụ thể ngay từ Nghị quyết, sẽ dễ bỏ sót nhóm đối tượng này do vướng mắc về cách hiểu chức năng, vị trí tổ chức.
Ngoài ra, đề nghị bổ sung lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được phân công phụ trách công tác Quốc hội, HĐND vào diện thụ hưởng. Đây là những người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức tham mưu cho hoạt động xây dựng, giám sát pháp luật tại địa phương, được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 1004 ngày 18/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cần xem xét bổ sung công chức Tư pháp cấp xã – lực lượng nòng cốt tham mưu thực thi pháp luật tại cơ sở, đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện khi triển khai chính sách.
Đồng thời, cần rà soát Phụ lục 1 để bổ sung đầy đủ chức danh phù hợp, như Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cấp tỉnh, đảm bảo bao quát các vị trí trực tiếp tham gia công tác xây dựng pháp luật. Đối với các đối tượng thuộc điểm C, điểm D Điều 7, đại biểu đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định rõ danh mục ngay trong dự thảo để đảm bảo minh bạch, tránh chờ quy định sau.
Các vị đại biểu đề xuất cần nhấn mạnh sự cần thiết phải tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, song đề nghị đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo giữa các quy định. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi phải đi đôi với cơ chế giám sát trách nhiệm cụ thể. Cần làm rõ nội hàm khái niệm “giám sát” tại khoản 4 Điều 2 để tránh hiểu nhầm, đồng thời bổ sung đối tượng hưởng chính sách là cán bộ làm công tác giám sát, rà soát văn bản pháp luật. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về hệ thống hóa văn bản nhằm đảm bảo tính đầy đủ, chặt chẽ trong thực thi pháp luật.
Các ý kiến nhấn mạnh: “Nghị quyết này là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với đội ngũ đại biểu dân cử, những người trực tiếp tham gia công tác xây dựng, giám sát việc thi hành pháp luật. Do đó, việc rà soát đầy đủ các nhóm đối tượng thụ hưởng là cần thiết, tránh tình trạng ‘chia không đều, không đúng’ gây băn khoăn, thiếu công bằng trong thực tiễn triển khai”.

Đối với dự thảo Luật lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đồng tình với sự cần thiết ban hành nhưng đề nghị bổ sung quy định cấm hành vi đào ngũ, bỏ trốn sang nước thứ ba nhằm bảo vệ uy tín quốc gia. Đồng thời, cần bổ sung điều khoản quy định cụ thể về tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng tham gia, làm rõ các tiêu chí về quốc tịch, sức khỏe, phẩm chất đạo đức để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực.
Đối với dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy kinh tế tư nhân, đề xuất bỏ từ "rõ ràng" trong cụm "dấu hiệu vi phạm rõ ràng" để tránh gây hiểu nhầm và mâu thuẫn logic. Ngoài ra, cần quy định cụ thể thời gian giải quyết phá sản theo quy trình rút gọn, kèm theo trách nhiệm trả lời khi quá hạn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong xử lý thủ tục.

Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La bổ sung thêm kiến nghị về Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù trong xây dựng và thi hành pháp luật, và Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo; đề nghị làm rõ tiêu chí, điều kiện ưu tiên cho doanh nghiệp đặc thù và tháo gỡ các vướng mắc thực thi chính sách ở địa phương, tránh tình trạng “có nghị quyết nhưng không dám làm” vì thiếu hướng dẫn cụ thể.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!