Những ngày cuối năm, tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh khí thế thi đua lao động sản xuất diễn ra sôi nổi, khẩn trương, các chuyến xe hối hả vận chuyển hàng hóa, công nhân nhộn nhịp vào ca sản xuất. Vượt qua một năm gian khó, các nhà máy trong khu, cụm công nghiệp của tỉnh vẫn đề ra những dự định tốt lành với chiến lược kinh doanh năng động sát với thị trường.
Trở lại Nhà máy may Phù Yên ở bản Chát, xã Gia Phù, trong khu nhà xưởng 5.000 m² sạch sẽ, thoáng mát, những công nhân đang miệt mài, hoàn thành những đơn hàng cuối năm, để có thêm tiền thưởng vui xuân đón tết. Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Nhà máy may Phù Yên, cho biết: Doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực và tạo điều kiện thuận lợi từ các sở, ngành chức năng của tỉnh, huyện. Đặc biệt, Sở Công Thương hỗ trợ 7 máy đính cúc điện tử thay thế các máy cơ kém hiệu quả, giúp nâng cao năng suất, đáp ứng kịp thời các đơn hàng có số lượng lớn. Năm 2023, vượt qua những diễn biến khó lường của thị trường, Nhà máy vẫn tiếp tục ký được nhiều đơn hàng. Ước tính nhà máy sản xuất hơn 1,4 triệu sản phẩm, trong đó hơn 70% phục vụ xuất khẩu, duy trì việc làm ổn định cho trên 500 lao động địa phương, đóng góp đủ nghĩa vụ ngân sách.
Nhìn lại năm qua, huyện Phù Yên đã thực hiện tốt các chính sách về ưu đãi đầu tư, cải cách hành chính, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp trên địa bàn. Ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, chia sẻ: Với phương châm “rộng cửa đón nhà đầu tư”, huyện tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp Gia Phù, thu hút các đơn vị vào đầu tư kinh doanh hạ tầng để thành lập các cụm công nghiệp Tân Lang, cụm công nghiệp Huy Tân vào giai đoạn 2025-2030. Tạo điều kiện thuận lợi mở rộng các nhà máy sản xuất giày da, may mặc trên địa bàn; tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, dược liệu, ứng dụng công nghệ cao và một số ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều lao động.
Còn tại Cụm công nghiệp Mộc Châu có quy mô 28,82 ha, với 4 đơn vị đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, gồm: Công ty TNHH gas Trung Đức, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, Công ty sản xuất tre công nghiệp Mộc Châu, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nông sản Tây Bắc, với tỷ lệ lấp đầy đạt 93,4%. Sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã duy trì, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động địa phương.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Sở Công Thương đã xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh gồm 21 cụm công nghiệp, với tổng diện tích gần 864 ha.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Công Thương, thông tin: Sở phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện Mộc Châu, Phù Yên đã có cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật. Phối hợp với UBND Thành phố và các sở, ngành thu hút các nhà đầu tư hạ tầng làm cơ sở thu hút đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ theo Quyết định 2204/QĐ-UBND ngày 24/10/2022 của UBND tỉnh. Phối hợp với UBND huyện Quỳnh Nhai đề xuất bổ sung 1 cụm công nghiệp Chiềng Bằng, nhằm thu hút đầu tư các ngành công nghiệp - TTCN khai thác thế mạnh của huyện; các ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông và lao động đã qua đào tạo ngắn hạn.
Năm mới, khí thế mới, với khát vọng phát triển, tỉnh ta tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, các sản phẩm chủ lực của tỉnh vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp trên các lĩnh vực không gây ra chất thải, nước thải nguy hại làm ô nhiễm môi trường. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh, thu hút được nhiều dự án vào đầu tư phát triển sản xuất, góp phần tăng thu ngân sách, tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!