Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Vân Hồ đã chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện trên các trụ cột: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, nền tảng số, chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, công dân số.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Chỉ đạo 14/14 xã; 115/115 bản, tiểu khu trên địa bàn thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng, được tập huấn các kỹ năng cơ bản có thể hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận các nền tảng số, dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân về chuyển đổi số.
Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn từng bước được đầu tư, mạng di động 4G đến tất cả các xã. Tỷ lệ xã có hạ tầng băng rộng cáp quang đạt 100%. Các xã đều có điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng có kết nối Internet băng rộng cố định. 100% số cán bộ, công chức cấp huyện, xã được trang bị máy tính có kết nối Internet để phục vụ công việc.
Các nền tảng số được vận hành hiệu quả. Phần mềm giải quyết thủ tục hành chính của huyện, xã đã kết nối liên thông phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp. Phần mềm giải quyết thủ tục hành chính của huyện, xã đã tích hợp và chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Duy trì có hiệu quả các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung, như: Cổng thông tin điện tử; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng; hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; hệ thống thư công vụ. 30/30 cơ quan, đơn vị trực thuộc khai thác, sử dụng phần mềm quản lý văn bản Vnpt-ioffice và sử dụng chứng thư số. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã được duy trì và hoạt động hiệu quả.
Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai, kết nối đến 12 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện và 14 xã trên địa bàn huyện được vận hành hiệu quả, phục vụ các cuộc họp đến cơ sở, góp phần tiết kiệm thời gian, ngân sách, bảo đảm hoạt động chỉ đạo, điều hành thống nhất, hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Chủ tịch HĐND huyện, cho biết: Địa bàn huyện Vân Hồ trải rộng, giao thông đi lại khó khăn, nhiều xã cách xa trung tâm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cuộc họp chuyên đề của HĐND huyện đều họp trực tuyến, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các đại biểu, tiện lợi nhất là không phải di chuyển từ xã ra huyện họp khi trời mùa mưa hay sương mù dày đặc.
Chính quyền số được quan tâm phát triển ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, UBND huyện đã triển khai 210 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh số hóa dữ liệu, chữ ký số, quy trình thực hiện từng bước số hóa, đảm bảo phù hợp yêu cầu, tiêu chuẩn. Sử dụng chữ ký số trong Hệ thống quản lý văn bản điều hành đạt 99,65% số văn bản; 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã sử dụng chữ ký số trong ban hành các văn bản. Hồ sơ được số hóa, cấp huyện đạt tỷ lệ 96,2%; cấp xã đạt tỷ lệ 94,7%.
Ông Đặng Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Vân Hồ, thông tin: Vân Hồ đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số xã với 8 thành viên; 13/13 bản, tiểu khu thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng, mỗi tổ 5 người. Hiện nay, 100% số cán bộ, công chức xã được trang bị máy vi tính kết nối internet; 83% dân số có điện thoại thông minh. Cán bộ, công chức xã và nhân dân tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào lãnh đạo, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính. Xã đã lập trang thông tin của xã để đăng tải các văn bản chỉ đạo, điều hành, các thủ tục hành chính; lập nhóm zalo cán bộ xã, bản để kịp thời chỉ đạo thống nhất. Hiện nay, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã thực hiện 127 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công để giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.
Kinh tế số từng bước được hình thành. Huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, như: Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ tiếp cận tín dụng. Đến nay, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng hoá đơn điện tử và kê khai nộp thuế qua mạng. Phối hợp với Sở Công Thương và Sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART lựa chọn 6 sản phẩm nông sản OCOP.
Các cấp từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng xã hội số, công dân số. Đến nay, tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 76,51%. Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 95,40%. Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 56,47%. Nhiều người dân đã biết ứng dụng các nền tảng số để phục vụ giao dịch thủ tục hành chính và kinh doanh online.
Chị Mùa Thị Xay, bản Co Chàm, xã Lóng Luông, chia sẻ: Tôi kinh doanh hàng thổ cẩm đồng bào dân tộc Mông. Ngoài bán trực tiếp, tôi còn livestream trên facebook, xuất bán cho khách là đồng bào dân tộc Mông ở trong và ngoài nước. Gia đình đã lắp wifi chất lượng internet tương đối ổn định nên các buổi livestream không bị gián đoạn.
Những kết quả chuyển đổi số ở Vân Hồ tác động tích cực đến đời sống, đem lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, huyện chú trọng đào tạo, bố trí nguồn nhân lực có trình độ công nghệ thông tin phục vụ các nhiệm vụ số hóa. Phát huy vai trò hoạt động của tổ chuyển đổi số cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân ứng dụng số vào cuộc sống. Phối hợp với các đơn vị viễn thông đầu tư phủ sóng điện thoại và internet tới 37 bản, tiểu khu của 13 xã đang thuộc vùng lõm. Huy động các nguồn lực và xã hội hoá hỗ trợ người dân chưa có điện thoại thông minh. Thúc đẩy chuyển đổi số từ nhận thức tới hành động của cấp ủy, chính quyền và nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!