Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC

Nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, huyện Phù Yên đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần giải quyết nhanh gọn, kịp thời thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Đến nộp hồ sơ về lĩnh vực đất đai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Phù Yên, ông Nguyễn Thanh Hà, bản Tân Hợp, xã Tân Lang được hướng dẫn các bước nộp hồ sơ trên hệ thống quản lý đất đai. Ông Hà, chia sẻ: Tôi đến làm thủ tục đính chính lại thông tin trên giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình, được sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, tôi nhận thấy việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến đơn giản, thuận tiện cho công dân. Trong thời gian ngắn, hồ sơ của tôi đã tiếp nhận, giải quyết, giảm đi lại, chờ đợi so với trước đây.

             

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Huy Hạ, huyện Phù Yên giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.

             

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Phù Yên được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tiêu chí mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại với hệ thống máy xếp hàng tự động, hệ thống màn hình cảm ứng tra cứu thông tin, camera giám sát, máy vi tính, máy scan, máy in,... hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực trong việc giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. Ông Đào Mạnh Hà, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Phù Yên, cho biết: Thực hiện dịch vụ công trên phần mềm “Một cửa điện tử” đem lại kết quả tốt với công dân và cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Công dân có thể nắm bắt được quy trình giải quyết hồ sơ ở từng giai đoạn, giảm thời gian đi lại. Đối với người thực hiện nhiệm vụ cũng giảm được các khâu luân chuyển hồ sơ đến các cơ quan để giải quyết và nhận kết quả giải quyết từ các cơ quan trên môi trường mạng.

             

Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn huyện Phù Yên đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, với trên 600 máy vi tính, tất cả đều được cài đặt phần mềm có bản quyền phòng chống mã độc, diệt vi rút. 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện có mạng nội bộ (LAN), máy tính được kết nối Internet bằng đường truyền ADSL tốc độ cao và thực hiện trao đổi, tra cứu, khai thác thông tin trên môi trường mạng. Cùng với đó, hệ thống truyền hình trực tuyến đã được đầu tư, lắp đặt tại UBND huyện và tất cả các xã, thị trấn phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành tại các cuộc họp trực tuyến với Trung ương, tỉnh, huyện và các xã, thị trấn... Huyện đang triển khai hệ thống thông tin một cửa điện tử đến cấp xã, cung cấp 189 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo kế hoạch của UBND tỉnh giao. Từ đầu năm đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, cấp xã thực hiện nghiêm túc quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận 80.856 hồ sơ, đã giải quyết 80.800 hồ sơ, đang xử lý 56 hồ sơ.

             

Bà Vũ Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phù Yên, cho biết: Thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền số năm 2022, huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn chủ động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ theo quy định, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp khi cần giao dịch. Bên cạnh đó, trang thông tin điện tử của huyện được nâng cấp, đăng tải kịp thời những tin tức, chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư; cung cấp đầy đủ các thông tin dịch vụ hành chính công theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, góp phần công khai, minh bạch các hoạt động hành chính của cơ quan Nhà nước.

             

Đến nay, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xử lý văn bản trên hệ thống điều hành điện tử và sử dụng chứng thư số cho tổ chức và cá nhân tại các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã, thị trấn đạt được kết quả tốt; nhiều thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đã được đơn giản hóa, môi trường kinh doanh được cải thiện, kết quả giải quyết hồ sơ được cải thiện rõ rệt.

             

Việc ứng dựng và phát triển công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý Nhà nước, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử của huyện Phù Yên là một trong những khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới