Tạo giải pháp đột phá phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

Năm 2023 là “Năm Dữ liệu số quốc gia”, đồng thời cũng là “Năm Chuyển đổi số” của tỉnh Sơn La. Tỉnh vừa tổ chức Hội nghị hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023 và khai trương chuyên trang về Chuyển đổi số tỉnh Sơn La. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về nội dung này, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên Báo Sơn La (bên phải) phỏng vấn đồng chí Hoàng Quốc Khánh.

Phóng viên: Ngày 31/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về việc chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Sau 2 năm triển khai nghị quyết, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã được những kết quả nổi bật gì thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh: Ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 17 về chuyển đổi số của tỉnh Sơn La, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh, thành lập 6 tổ công tác về các lĩnh vực chuyển đổi số để trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Lấy ngày 10/10 hằng năm tổ chức các hoạt động, sự kiện chuyển đổi số. Trong năm nay tỉnh đã cho ra mắt chuyên trang chuyển đổi số của tỉnh để cung cấp thông tin đến tất cả nhân dân về công tác này.

Hiện nay, 100% các thủ tục hành chính từ cấp tỉnh, cấp xã được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý theo đúng quy định của Đề án 06. Cổng dịch vụ công tỉnh Sơn La đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; liên thông, đồng bộ cả 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 69.46%, vượt cao so với cùng kỳ năm trước; đã tích hợp được 500 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Có 38 sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể của tỉnh và 3 cơ quan ngành dọc (Cục Thuế tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sơn La) tham gia xây dựng chỉ tiêu báo cáo và cung cấp dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý điều hành của ngành và công tác tổng hợp báo cáo tình hình, công tác giám sát, điều hành kinh tế - xã hội của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trên Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Sơn La (IOC) .

Tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành; các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai các Đề án thí điểm về chuyển đổi số, như: Đô thị thông minh (tại Thành phố và huyện Mộc Châu); giáo dục và y tế thông minh.

Kinh tế số bước đầu hình thành trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, y tế và dịch vụ, du lịch với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên thương mại điện tử và logistics, góp phần nâng cao tính minh bạch, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân. Triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử.

Hạ tầng xã hội số có bước phát triển, 100% các xã, phường, thị trấn đã có cáp quang đến trung tâm và phổ cập mạng thông tin di động 4G. Các xã, phường, thị trấn đã được kết nối mạng internet phục vụ hệ thống hội nghị trực tuyến 3 cấp, góp phần giải quyết công việc nhanh, tiện lợi và hiệu quả.Người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, hình thành văn hóa trên môi trường số.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Sơn La.

Phóng viên: Những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh là gì thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh: Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số tỉnh nhận thấy thách thức lớn nhất đó là làm sao để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân có nhận thức đúng về chuyển đổi số. Đối với các cơ quan Nhà nước, là sự thay đổi nhận thức và sự vào cuộc thực sự của người đứng đầu. Đối với mỗi người dân, đòi hỏi thay đổi kỹ năng và thói quen. Đối với mỗi doanh nghiệp, sự thay đổi đòi hỏi phải triển khai các giải pháp công nghệ số, có những việc hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ.

Thực tế cho thấy, điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh ta còn nhiều khó khăn, dân cư sinh sống phân tán nên việc cung cấp các dịch vụ cho người dân gặp nhiều bất cập. Mặt khác, trình độ văn hóa không đồng đều, thu nhập trung bình của người dân thấp. Nguồn thu của tỉnh chủ yếu từ sự hỗ của trung ương nên việc cân đối nguồn lực dành cho chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn do phải đảm bảo các lĩnh vực khác.

Những khó khăn đó đặt ra thách thức lớn cho tỉnh cần phải thay đổi về tư duy, nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, phải thu hút được nguồn lực, đào tạo nhân lực, xây dựng thể chế, hoàn thiện khung pháp lý, hành lang chính sách về công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn và an ninh thông tin và huy động sức mạnh của toàn dân trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Phóng viên: Đồng chí cho biết điểm nhấn của tỉnh trong năm Chuyển đổi số 2023 và công tác chỉ đạo của tỉnh trong thời gian tới như thế nào?

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh: Tỉnh Sơn La xác định năm 2023 là "Năm Chuyển đổi số", năm trọng tâm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển Chính quyền số để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, xã hội số; phát huy hiệu quả chuyển đổi số để nâng cao năng lực, hiệu lực trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp góp phần nâng cao các chỉ số cạnh tranh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Điểm nổi bật trong năm Chuyển đổi số 2023 của tỉnh là khai trương chuyên trang Chuyển đổi số. Đây là một trong những hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết số 17 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số của tỉnh Sơn La, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong thực hiện cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Chuyên trang về Chuyển đổi số tỉnh Sơn La, với tên miền chuyendoiso.sonla.gov.vn. 

Trên chuyên trang này sẽ tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của quản lý nhà nước, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình quản lý và cung cấp các dịch vụ tốt nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cả hệ thống chính trị tỉnh Sơn La quyết tâm thực hiện tốt nhất chuyển đổi số trên địa bàn. Bởi vậy, khi bước vào thực hiện chuyển đổi số những người làm trong chính quyền phải thay đổi văn hóa làm việc, đòi hỏi các công chức, viên chức phải liên tục thay đổi, cập nhật để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của công việc.

Thời gian tới tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng chính quyền số. Tập trung quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực, như: Giáo dục, y tế, du lịch, nông nghiệp, giao thông một số dịch vụ phục vụ việc xây dựng đô thị thông minh. Trong đó chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và y tế là hai lĩnh vực tỉnh đang chú trọng.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp cần cảm nhận, thấy rõ, nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ thể để thực hiện. Và đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, luôn đồng hành trên hành trình chuyển đổi số.

Tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số, xác định đây là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Ưu tiên bố trí nguồn lực để tập trung thực hiện đồng bộ nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu. Phát triển các ứng dụng số hóa trong hoạt động của chính quyền để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số ở địa phương. Những giải pháp của tỉnh sẽ đúng với chiến lược chuyển đổi số quốc gia và phù hợp với điều kiện thực tế ở Sơn La.

Chuyển đổi số tạo ra sự thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện từ chính quyền, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, người dân và trong mọi lĩnh vực.Chúng tôi thiết nghĩ rằng kết quả và sự nỗ lực của tỉnh phải cần có sự đồng bộ và quyết tâm của các cấp, các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương, doanh nghiệp và chúng ta phải vận động tuyên truyền để người dân ủng hộ thực hiện được mục tiêu phát triển đưa tỉnh Sơn La phát triển xanh - nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!.

Thực hiện: Việt Anh - Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới