Phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số

“Kinh tế báo chí truyền thông trong bối cảnh phát triển kinh tế số đang đặt ra rất nhiều thời cơ và thách thức để các cơ quan báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đồng thời, phải giữ vững mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước” là chủ đề xuyên suốt của Hội thảo “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới” do Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc đường 6 vừa tổ chức.

Giọng nữ
Hội thảo “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới” do Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc đường 6.

Xu thế tất yếu

Kinh tế báo chí là hoạt động nhằm mang lại nguồn thu, lợi nhuận và bảo đảm cho quá trình vận hành, phát triển của cơ quan báo chí. Hoạt động kinh tế báo chí phần lớn dựa trên sản phẩm hàng hóa báo chí, truyền thông và dịch vụ quảng cáo.

Những năm gần đây, kinh tế báo chí ngày càng đóng vai trò quan trọng khi các cơ quan báo chí phải tự chủ về vấn đề tài chính. Hơn nữa, bước vào thời đại kỹ thuật số, báo chí phải chịu áp lực nặng nề từ việc doanh thu sụt giảm, trong khi chi phí sản xuất, phân phối thông tin ngày càng tăng. Những điều này khiến các cơ quan báo chí buộc phải cải tiến các mô hình hoạt động phù hợp với xu thế của thị trường nhằm tạo ra những nguồn thu mới.

Là cơ quan ngôn luận của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, Báo Hànộimới không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của một tờ báo Đảng mà còn thực hiện khá tốt công tác kinh tế báo chí thông qua các hoạt động, như: Phát hành, quảng cáo, tổ chức các sự kiện, chương trình từ thiện xã hội.

Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới, chia sẻ: Thực hiện hoạt động kinh tế báo chí nhằm tạo nguồn thu cho đơn vị, chúng tôi phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp. Về công tác phát hành, ứng dụng tối đa công nghệ số nhằm thực hiện việc tự chủ phát hành thay vì phát hành thông qua khâu trung gian nhằm giảm thiểu chi phí phát hành. Cùng với đó, áp dụng đa dạng các biện pháp nhằm siết chặt khâu quản lý và giữ lượng bạn đọc lẻ trung thành với báo. Hiện nay, Báo Hànộimới đã triển khai sử dụng phần mềm phát hành chuyên biệt, gồm: Zalo, viber và google doc.

Báo Kinh tế & Đô thị trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội hiện tự chủ chi 100%, Báo đã tập trung đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ để từng bước số hóa và xây dựng tòa soạn hội tụ nhằm đưa ra các sản phẩm báo chí đa phương tiện, đáp ứng yêu cầu thông tin trong tình hình mới. Ông Lê Hoàng Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, cho biết: Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ sự suy giảm của báo chí truyền thống đến sự trỗi dậy của các nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội nếu các cơ quan báo chí biết tận dụng và thích nghi với những thay đổi của thị trường. Việc phát triển các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến và tăng cường tương tác với độc giả sẽ là chìa khóa để báo chí phát triển bền vững trong tương lai.

Hiện nay, đa số cơ quan báo chí trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đang hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ tài chính. Vì vậy, việc tạo nguồn thu của cơ quan báo chí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là điều kiện tiên quyết để cơ quan báo chí trong quá trình tồn tại và phát triển.

Khó khăn ở các tỉnh miền núi

Có thể nói rằng, khái niệm “kinh tế báo chí” không xa lạ gì đối với các cơ quan báo chí ở các thành phố lớn, nhưng thực sự vẫn còn ít được đề cập đối với các cơ quan báo chí ở một các tỉnh miền núi dọc đường 6, khi mà hoạt động báo chí vẫn được ngân sách Nhà nước bao cấp.

Hiện tại, tỉnh Hòa Bình có 3 cơ quan báo chí là: Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh - Truyền hình Hòa Bình và Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình. Là cơ quan ngôn luận của Đảng, Chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, là diễn đàn của nhân dân, trước nay, các cơ quan báo chí của tỉnh được cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nay 2 cơ quan báo chí của tỉnh là Báo Hòa Bình và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phải tự chủ tài chính một phần. Từ cơ chế “bao cấp” chuyển sang cơ chế Nhà nước “đặt hàng” báo chí. Khi Nhà nước, ở quy mô địa phương là tỉnh “đặt hàng” thì đương nhiên cũng đặt ra yêu cầu với các cơ quan báo chí đó là phải có một lượng đối tượng độc giả, khán thính giả nhất định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình, cho biết: Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, truyền thông xã hội trên các nền tảng số đạt ra nhiều thách thức, khiến cho doanh thu của các cơ quan báo chí ngày càng sụt giảm. Do đó các cơ quan báo chí phải không ngừng nỗ lực tự đổi mới, tự nâng cao năng lực của mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi được “đặt hàng”. Đồng thời có thêm nguồn thu để vận hành bộ máy, hoạt động của đơn vị được trơn tru. Các cơ quan báo chí của tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực chuyển đổi số để làm báo đa phương tiện, đa nền tảng. Trên cơ sở đó đẩy mạnh phát triển quảng cáo số, tăng doanh thu nhờ sự đa dạng về thông tin trên môi trường Internet. Một mặt, tiếp tục tham mưu, đề xuất tỉnh “đặt hàng” và giao nhiệm vụ để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện tốt hơn vai trò, sứ mệnh của báo chí trong giai đoạn mới.

Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Hội thảo “Kinh tế báo chí trong giai đoạn mới”.

Chiến lược chuyển đổi số Báo chí theo Quyết định số 348/QĐ-TTG ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì mục tiêu đến năm 2025 các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20% và mục tiêu đến năm 2030 các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. Đây là thách thức và khó khăn với các cơ quan báo chí ở miền nùi, các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu, nhận định: Đây là một thách thức lớn đối với những người làm báo ở Lai Châu, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí, cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Zalo hay Google đã và đang lấy đi phần lớn doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống. Trước thực tế này, các cơ quan báo chí Lai Châu đã tích cực vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, sản xuất nội dung theo xu hướng báo chí số, đưa nội dung báo chí lên các nền tảng số.

Cần giải pháp, hướng đi phù hợp

Phát biểu tại Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, nhấn mạnh: Kinh tế báo chí góp phần tạo nên sự phát triển lành mạnh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nếu không có sự hỗ trợ đắc lực của kinh tế, không thể có một cơ quan báo chí mạnh được. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nỗ lực điều hướng quảng cáo sang báo chí với việc lập danh sách Whitelist với thông điệp “Làm nội dung sạch sẽ nhận được quảng cáo và quảng cáo sẽ tìm đến những nội dung sạch”. Việc triển khai đã có kết quả bước đầu, song cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai để phát huy hiệu quả như kỳ vọng.

Chuyên trang Nhịp sống Hà Nội của Báo Hànộimới thu hút nhiều bạn đọc. 

Báo chí giải pháp là một khái niệm mới trong lĩnh vực báo chí hiện đại, tập trung vào việc tìm kiếm, phân tích và giới thiệu các giải pháp để giải quyết những vấn đề xã hội mà báo chí truyền thống thường chỉ dừng lại ở việc phản ánh. Báo chí giải pháp không chỉ mang lại lợi ích cho người đọc mà còn tạo ra các cơ hội mới cho phát triển kinh tế báo chí. Trong bối cảnh báo chí truyền thống gặp khó khăn về nguồn thu, sự sụt giảm số lượng phát hành báo in và cạnh tranh với truyền thông số, báo chí giải pháp có thể giúp các tòa soạn tái định vị vai trò của mình và thu hút sự quan tâm của công chúng. Báo chí giải pháp mang lại giá trị bền vững không chỉ ở khía cạnh nội dung mà còn ở khả năng tạo ra những mô hình kinh doanh mới.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tận dụng mô hình báo chí giải pháp để phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội, đặc biệt là những vấn đề mà giới trẻ quan tâm, như: Môi trường, khởi nghiệp, giáo dục và việc làm. Những bài viết về giải pháp khởi nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang được thúc đẩy mạnh mẽ, đã tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp báo thu hút sự quan tâm của cả độc giả và các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô, chia sẻ: Việc ứng dụng báo chí giải pháp đã giúp Báo Tuổi trẻ Thủ đô tăng cường tương tác với độc giả, đặc biệt là đối tượng độc giả trẻ tuổi. Các chiến dịch tuyên truyền tập trung vào giải pháp không chỉ giúp tăng lượng truy cập mà còn tạo ra nguồn thu từ các đối tác chiến lược và các chương trình tài trợ. Một ví dụ cụ thể là chương trình hợp tác với các tổ chức giáo dục để cung cấp nội dung bài viết chuyên sâu về các phương pháp giảng dạy hiệu quả trong bối cảnh giáo dục số. Các bài viết này không chỉ giúp thu hút độc giả mà còn là nền tảng cho các khóa học, hội thảo trực tuyến do báo tổ chức, từ đó tạo ra nguồn thu mới.

Còn đối với Báo Phụ nữ Thủ đô, cơ quan ngôn luận của Hội LHPN Hà Nội. Từ khi thành lập đến nay, Báo Phụ nữ Thủ đô hoạt động theo hướng tự hạch toán kinh doanh. Qua quá trình nhiều năm nỗ lực, linh hoạt làm kinh tế báo chí, Báo Phụ nữ Thủ đô nhận thức trong mỗi một thời kỳ đều có thuận lợi, khó khăn riêng, Báo Phụ nữ Thủ đô vẫn thực hiện tốt sứ mệnh của báo chí cách mạng, kết hợp hài hòa giữa làm kinh tế báo chí với giữ vững tôn chỉ, mục đích của báo.

Trang Zalo của Báo Kinh tế và Đô thị.

 

Bà Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, chia sẻ: Để tạo nguồn thu để hoạt động, trả lương cán bộ, phóng viên, trả nhuận bút và nhiều hoạt động khác, Báo Phụ nữ Thủ đô đã phải linh hoạt sáng tạo các hình thức làm kinh tế qua các hình thức như: Xây dựng chính sách thu hút quảng cáo hợp lý nhằm giữ vững khách hàng truyền thống và khai thác khách hàng tiềm năng. Chủ động tạo nguồn thu bằng việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động dưới hình thức liên kết như liên kết truyền thông, tổ chức sự kiện, huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp, đơn vị đồng hành để phối hợp tổ chức các cuộc thi trên báo, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, hội nghị biểu dương, khen thưởng. Phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị đồng hành tổ chức các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện vì cộng đồng.

Cũng cần nhìn nhận rằng, sản phẩm của báo chí không phải là sản phẩm hàng hóa đơn thuần mà mang đặc trưng các yếu tố chính trị, văn hóa. Trong khi doanh nghiệp có thể đưa ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thì các cơ quan báo chí không thể muốn đưa sản phẩm nào ra thị trường cũng được vì cùng với thông tin thì sản phẩm báo chí còn gánh vác các chức năng chính trị, giáo dục, định hướng xã hội... Và không giống nhiều nền báo chí khác, báo chí Việt Nam được định danh là “Báo chí Cách mạng” với sứ mệnh “phụng sự nhân dân”, là nguồn nội lực cho sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.

Thực tế việc tạo nguồn thu của cơ quan báo chí, điều mà chúng ta vẫn quen gọi là làm “kinh tế báo chí” cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng với nhiều cơ quan báo. Để có thể phát triển vững chắc, ngoài cơ chế đặt hàng từ Nhà nước, cũng cần có chính sách, hành lang pháp lý thông thoáng hơn, cởi mở hơn để giúp báo chí làm phong phú thêm nguồn thu. Bản thân mỗi cơ quan báo chí cũng phải đổi mới, tinh gọn bộ máy, tối ưu hóa chi phí và doanh thu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

 

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới