Cụ thể hóa kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và lộ trình tắt sóng 2G, từ đầu năm đến nay, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phát triển hộ gia đình có điện thoại thông minh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.
Sở Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương và lộ trình tắt sóng 2G; lợi ích của việc sử dụng các thiết bị di động thông minh phục vụ cuộc sống, để người dân hiểu, thực hiện và ủng hộ việc chuyển đổi SIM 2G lên SIM 4G và điện thoại 2G sang điện thoại thông minh, chủ động chuyển đổi các thiết bị đầu cuối 2G sang các thiết bị di động thông minh 4G/5G.
Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Qua rà soát, đầu năm nay, Thành phố còn 533 hộ chưa có điện thoại thông minh. Thành phố đã phối hợp với VNPT Sơn La; Viettel Sơn La; Mobifone Sơn La tổ chức truyền thông chính sách ưu đãi của các đơn vị đến các hộ gia đình chưa có điện thoại thông minh. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ người dân chuyển đổi sang điện thoại thông minh. Đến cuối tháng 8, còn 119 hộ chưa có điện thoại thông minh chủ yếu là hộ khó khăn, già yếu không có nhu cầu sử dụng và không thể sử dụng được điện thoại thông minh. Thành phố đang tiếp tục triển khai các giải pháp để hỗ trợ 119 hộ còn lại, phấn đấu hết năm 2024 sẽ đạt tỷ lệ 100% hộ gia đình trên địa bàn có điện thoại thông minh.
Chung tay thực hiện phát triển hộ gia đình có điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông đã khảo sát, đánh giá, lập kế hoạch đầu tư, nâng cấp thiết bị, hạ tầng cơ sở đảm bảo cung cấp dịch vụ thông tin di động mới liên tục, không gián đoạn, đảm bảo quyền lợi của khách hàng dịch vụ khi dừng công nghệ 2G; triển khai các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi các thuê bao di động công nghệ 2G sang sử dụng điện thoại di động thông minh 4G/5G.
Ông Lê Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Sơn La, thông tin: Đơn vị đã tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đảm bảo chất lượng, mở rộng vùng phủ sóng 4G trước khi tắt sóng 2G. Đến nay, đã lắp đặt mới 7 trạm 4G, nâng cấp cấu hình 13 trạm 4G; phối hợp với với chính quyền địa phương tuyên truyền đến người dân và hỗ trợ các thuê bao thực hiện thay đổi SIM 2G sang SIM 4G, đổi máy điện thoại 2G sang sử dụng điện thoại thông minh, ưu tiên hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ cần được phổ cập điện thoại thông minh.
Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, chất lượng cung cấp dịch vụ viễn thông, internet trên địa bàn tỉnh đã và đang được nâng cao; mức độ phổ cập điện thoại thông minh, internet và sử dụng dữ liệu trong nhân dân ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 288.400 hộ có điện thoại thông minh, đạt trên 96% tổng số hộ toàn tỉnh.
Việc phát triển số hộ gia đình có điện thoại thông minh không chỉ là một bước tiến trong quá trình chuyển đổi số, mà còn là một yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số toàn diện. Phấn đấu hết năm 2024, toàn tỉnh phát triển thêm 3.214 hộ gia đình có điện thoại thông minh, nâng tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh lên 98,74%.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!