Mô hình chợ 4.0 ngày càng phổ biến ở thành phố Sơn La, các quầy hàng đều được trang bị mã thanh toán QR hoặc ví điện tử, số tài khoản ngân hàng, giúp dễ dàng thanh toán không tiền mặt một cách nhanh chóng, an toàn và bảo mật.
Giữa năm 2022, Chợ Trung tâm được lựa chọn là điểm triển khai mô hình chợ 4.0 đầu tiên của Thành phố. Đến nay, khoảng 300 hộ kinh doanh đã trang bị mã thanh toán QR, ví điện tử Viettel Money, VNPT Money trên Smartphone.
Kinh doanh hàng gia dụng tại Chợ Trung tâm Thành phố, bà Nguyễn Thị Yến cho hay: Ban đầu việc sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt cũng gặp khó khăn, do chưa quen sử dụng công nghệ thông tin. Hiện giờ, việc thanh toán không dùng tiền mặt dần phổ biến, tạo thuận tiện cho cả người kinh doanh và khách hàng. Chúng tôi không phải lo chuẩn bị tiền lẻ trả lại cho khách, không lo cầm nhiều tiền mặt, người mua hàng sẽ chuyển tiền vào tài khoản, thao tác đơn giản, nhanh chóng mà tránh rủi ro đếm tiền nhầm hay nhận phải tiền giả.
Bà Nguyễn Thị Nhiên, phường Tô Hiệu, Thành phố, chia sẻ: Chỉ cần đem theo chiếc điện thoại di dộng có kết nối internet là có thể thanh toán mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm, mà không cần phải mang theo tiền mặt, rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian, an toàn, linh hoạt. Không chỉ mua bán hàng hóa tại chợ, tôi còn thường xuyên sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán trực tuyến, giao hàng tận nhà...
Những phản hồi tích cực nhận được từ mô hình điểm chợ 4.0 tại Chợ Trung tâm, Thành phố đã phối hợp với các ngân hàng thương mại, Vietell Sơn La, VNPT Sơn La triển khai nhân rộng mô hình chợ 4.0 tại các chợ Chiềng An, Rặng Tếch, Gốc phượng và chợ 7/11.
Đoàn Thanh niên Thành phố ra quân tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ các tiểu thương ở các chợ cài đặt ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt qua các ngân hàng thương mại bằng hình thức chuyển khoản, sử dụng mã QR. Đến nay, các hộ kinh doanh tại Chợ Trung tâm, Chợ Chiềng An, Chợ Rặng Tếch, Chợ Gốc phượng, Chợ 7/11 đều đã trang bị ví điện tử, mã QR thanh toán.
Hiện nay, Thành phố có 81% số người dân sử dụng điện thoại thông minh; người dân từ 14 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác trên 68.100 người, đạt tỷ lệ 87%; cài đặt ví điện tử của Viettel Money, VNPT Money được gần 36.700 tài khoản; 100% doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử; doanh nghiệp triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử qua ứng dụng eTax Mobile thực hiện đăng ký với cơ quan thuế đạt tỷ lệ 98%...
Bà Đinh Thị Phương, hộ kinh doanh tại Chợ Chiềng An, chia sẻ: Thực hiện thao tác thanh toán điện tử thông qua mã QR giúp khách hàng dễ dàng thanh toán khi mua hàng. Trung bình mỗi tháng có khoảng 50% khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại cửa hàng.
Lan tỏa chợ công nghệ số, tích cực xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn, Viettel Sơn La đã phối hợp với xã Chiềng Đen triển khai mô hình chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn, phát triển đơn vị thu chi hộ, xây dựng tuyến phố không tiền mặt tại trung tâm xã. Đồng thời, tư vấn giới thiệu phương thức thanh toán bằng mã QR Viettel Money cho các hộ kinh doanh và tiểu thương; hỗ trợ mở tài khoản, cài đặt phần mềm và trang bị ấn phẩm mã QR cho các hộ kinh doanh và tiểu thương; hướng dẫn người dân thanh toán mua bán hàng hóa bằng phương thức quét mã QR.
Bà Lò Thị Mon, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Đen, cho biết: Xã đã phát triển 40 điểm QR Viettel Money cho các hộ kinh doanh tại khu vực chợ, tuyến phố không dùng tiền mặt dọc đường từ quốc lộ 6 đến trung tâm xã. Không riêng việc sử dụng ứng dụng Viettel Money, người dân có điện thoại di động thông minh trên địa bàn xã đang sử dụng ứng dụng thanh toán điện tử tiện ích của các ngân hàng. Nhiều hộ kinh doanh ở chợ, tiểu thương địa phương đều trang bị mã thanh toán QR.
Nhân rộng mô hình Chợ 4.0, Thành phố tích cực tuyên truyền nhân dân về lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, phát huy vai trò của Tổ chuyển đổi số cộng đồng trong việc sẵn sàng hướng dẫn, vận động người dân sử dụng, cài đặt nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt và các nền tảng, dịch vụ khác trên điện thoại thông minh. Tạo cơ hội cho người dân thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ số, sử dụng công nghệ số, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!