Dấu ấn công nghệ “Make in Vietnam”

Sau khi Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, định danh điện tử - eKYC đã không còn xa lạ với phần lớn người dùng Việt.

Hệ thống nhận diện khuôn mặt Viettel eKYC đạt chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 về nhận diện khuôn mặt cấp độ 2.
Hệ thống nhận diện khuôn mặt Viettel eKYC đạt chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 về nhận diện khuôn mặt cấp độ 2.

Hiểu một cách đơn giản, giải pháp này cho phép doanh nghiệp, nhất là tổ chức ngân hàng xác minh danh tính điện tử, nhận diện khách hàng bằng công nghệ AI dựa vào thông tin sinh trắc học, giấy tờ tùy thân,...

Chỉ sau vài năm nghiên cứu và phát triển, các doanh nghiệp trong nước đã hoàn toàn làm chủ công nghệ định danh điện tử. Những sản phẩm eKYC “Make in Vietnam” hiện đã bắt kịp, đạt chất lượng quốc tế và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm nước ngoài.

Bảo vệ người dân trong giao dịch trực tuyến

Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05-Bộ Công an), trong năm 2023, đã có khoảng 10 nghìn tỷ đồng của người Việt bị lừa đảo qua mạng, tăng 1,5 lần so với năm 2022.

Để góp phần ngăn chặn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHNN, yêu cầu khi thực hiện giao dịch hơn 10 triệu đồng/lần hoặc hơn 20 triệu đồng/ngày, người dùng phải xác thực sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng nhằm mục tiêu bảo vệ người dân khi thực hiện giao dịch chuyển tiền.

Định danh truyền thống (Know Your Customer-KYC) có nguồn gốc từ những năm 1970 khi các quốc gia bắt đầu nhận thức sự cần thiết phải ngăn chặn hoạt động tài chính bất hợp pháp.

Quy định KYC được mở rộng và chi tiết hơn từ những năm 1990 và 2000 khi nhiều quốc gia yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tài chính thực hiện quy trình KYC nghiêm ngặt, báo cáo các hoạt động giao dịch đáng ngờ để ngăn ngừa việc lợi dụng hệ thống tài chính cho mục đích khủng bố.

Theo quy trình KYC, khách hàng phải trực tiếp đến địa điểm giao dịch, cung cấp thông tin, giấy tờ nhận dạng cá nhân. Nhân viên của tổ chức tài chính, ngân hàng sẽ thực hiện xác minh danh tính khách hàng thông qua các tài liệu đã cung cấp.

Trong giai đoạn tiếp theo, sự gia tăng của dịch vụ ngân hàng trực tuyến và di động đã tạo ra nhu cầu về một quy trình KYC nhanh chóng, tiện lợi hơn.

Các tổ chức tài chính bắt đầu thử nghiệm số hóa để xác minh danh tính khách hàng, tận dụng các công nghệ như chụp ảnh tài liệu, sinh trắc học, xác minh qua video. Nhờ sự bùng nổ của công nghệ tài chính (Fintech), eKYC (electronic KYC) dần trở nên phổ biến.

Đây là phiên bản điện tử của quy trình KYC truyền thống, sử dụng công nghệ để xác minh danh tính khách hàng trực tuyến, giúp quy trình này trở nên nhanh chóng, tiện lợi và chính xác hơn, nhất là trong bối cảnh phát triển của ngân hàng số cũng như dịch vụ tài chính trực tuyến.

Tận dụng sức mạnh của công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và nhận dạng sinh trắc học, thay vì phải đến trực tiếp các chi nhánh ngân hàng, khách hàng chỉ cần sử dụng các thiết bị kết nối internet như smartphone hoặc máy tính để hoàn tất quy trình xác thực.

Ứng dụng của eKYC trải dài trên đa lĩnh vực, từ tài chính, viễn thông đến bảo hiểm, dịch vụ công, du lịch,… mang lại lợi ích to lớn cho các đơn vị ứng dụng và khách hàng, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.

Tại Việt Nam, từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức cho phép các ngân hàng, tổ chức tài chính sử dụng giải pháp eKYC trong mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử.

Chỉ 1 năm sau đó, hầu hết các ngân hàng trong nước đã ứng dụng eKYC vào thực tế. Nhưng ở thời điểm này, các doanh nghiệp công nghệ Việt cũng mới bắt đầu manh nha nghiên cứu phát triển giải pháp eKYC, hầu hết vẫn dừng lại ở phiên bản “thô sơ” nên phần lớn sản phẩm eKYC sử dụng ở Việt Nam lúc đó đều do nước ngoài cung cấp.

Sự bứt phá của sản phẩm Việt

Tháng 3 vừa qua, nền tảng AI định danh và xác thực điện tử VNPT eKYC chính thức ghi nhận số lượt xử lý yêu cầu từ người dùng vượt ngưỡng 1 tỷ lượt. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu bước tiến trong làm chủ công nghệ mới của Tập đoàn VNPT nói riêng, các doanh nghiệp công nghệ Việt nói chung.

Phó Tổng Giám đốc VNPT Ngô Diên Hy cho biết: VNPT eKYC là sản phẩm cốt lõi được các kỹ sư của VNPT nghiên cứu và phát triển từ công nghệ sinh trắc học khuôn mặt VNPT FaceID - một trong những thành tựu lớn của tập đoàn trong lĩnh vực AI.

Model AI này đạt chuẩn ISO 30107-3 của iBeta (Liên minh FIDO) về chống giả mạo khuôn mặt, đồng thời lọt tốp 10 trong bảng xếp hạng của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia Mỹ (NIST) về tìm kiếm khuôn mặt 1:N.

Qua 5 năm chính thức cung cấp ra thị trường, VNPT eKYC đã được triển khai cho hơn 100 ngân hàng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp viễn thông và thương mại trực tuyến,… giúp định danh điện tử cho hơn 40 triệu người dân Việt Nam.

Tập đoàn Viettel mới đây cũng công bố, hệ thống nhận diện khuôn mặt Viettel eKYC đã được nhận chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 về nhận diện khuôn mặt (FaceID) cấp độ 2, cấp độ cao nhất.

Theo đó, ở cấp độ 1, các hệ thống sinh trắc học có thể phát hiện các trường hợp giả mạo dạng cơ bản 2D như chụp khuôn mặt gián tiếp qua màn hình, khuôn mặt in trên giấy, khuôn mặt in trên thẻ,…

Còn các hệ thống sinh trắc học đạt cấp độ 2 như Viettel eKYC có khả năng phát hiện trường hợp gian lận tinh vi hơn ở dạng 3D như mặt nạ silicon, khuôn mặt tái tạo bằng máy scan chuyên dụng, video deepfake (giả mạo),… và sẵn sàng đối phó với những trường hợp gian lận sinh trắc học có độ phức tạp cao.

Viettel eKYC đã vượt qua khoảng 3.000 lần kiểm thử bằng cách “làm giả” bởi một trong các hình thức tái tạo khuôn mặt 2D hoặc 3D có quyền truy cập hệ thống.

Theo kết quả đo kiểm của tổ chức cấp chứng chỉ hàng đầu thế giới Tayllorcox, tỷ lệ sai số của Viettel eKYC là 0%, vượt tiêu chuẩn sai số 1% cho phép, đồng thời cũng không gặp phải trường hợp từ chối người dùng thật.

Giám đốc Viettel AI Nguyễn Mạnh Quý chia sẻ: Tập đoàn Viettel cam kết nghiên cứu và phát triển các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực AI để giúp các doanh nghiệp và người dân tiếp cận giải pháp hữu ích, trong đó có xác thực và định danh khách hàng điện tử - dịch vụ quan trọng được sử dụng trong nhiều dịch vụ số.

Việc triển khai eKYC đã giúp số lượng giao dịch trực tuyến tại nước ta tăng vượt bậc. Đến cuối năm 2023, Việt Nam ghi nhận khoảng 11 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt với tổng giá trị hơn 200 triệu tỷ đồng; trong đó, gần 27 triệu tài khoản và 12,9 triệu thẻ được mở qua định danh điện tử eKYC.

Theo các chuyên gia, sử dụng giải pháp nội địa là lựa chọn tối ưu cho các ngân hàng và tổ chức tài chính bởi tốc độ triển khai nhanh và chi phí hợp lý.

Những giải pháp eKYC “Make in Vietnam” với thế mạnh về công nghệ đạt chuẩn thế giới, khả năng phục vụ quy mô lớn cùng độ sẵn sàng cao chắc chắn là phương án hiệu quả để đáp ứng các yêu cầu mới của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới