Chuyển đổi số không còn là xu hướng mà là nhiệm vụ bắt buộc, là cơ hội để ngành ngân hàng bứt phá, phát triển, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng và đảm bảo an toàn cho hệ thống thanh toán.
Đa dạng các dịch vụ
Là một trong những ngân hàng thương mại tiên phong trong chuyển đổi số, thời gian qua, Agribank Chi nhánh Sơn La đã thực hiện chuyển đổi số bằng cách hướng đến hoạt động thanh toán kinh doanh thương mại qua các tổ chức trung gian thanh toán, thực mở tài khoản và nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC (định danh khách hàng điện tử); cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip), triển khai các dịch vụ ngân hàng hiện đại: dịch vụ SMS, E Mobilebanking, internetbanking, ngân hàng điện tử (eBanking); tăng cường chuẩn hóa, tăng tính liên thông trong ngành ngân hàng và giữa ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác.
Khách hàng có thể lựa chọn phương thức nộp tiền vào tài khoản tại cây ATM thay vì phải đến quầy giao dịch.
Hỗ trợ khách hàng chuyển đổi từ giao dịch tại quầy sang giao dịch trên các kênh ngân hàng điện tử, Chi nhánh đã miễn phí giao dịch trên ứng dụng E-Mobile Banking cho khách hàng thực hiện giao dịch trên ứng dụng. Ông Phạm Văn Bằng, Giám đốc Agribank Chi nhánh Sơn La, cho biết: Tất cả các khách hàng gửi tiền online qua ứng dụng sẽ được miễn phí mở, đóng tài khoản tiền gửi trực tuyến. Năm 2021, Agribank Chi nhánh Sơn La đã có hơn 3.000 tài khoản mở mới qua eKYC, hơn 80% giao dịch của khách hàng được thực hiện trực tuyến. Số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử đã tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Còn đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostbank) đã xác định chuyển đổi số là công việc bắt buộc và tập trung đầu tư. Sau thành công sản phẩm Ví Việt, hiện LienVietPostbank đã cho ra mắt ngân hàng số LienViet24h- nền tảng tổng hợp kênh cung cấp các dịch vụ 3 trong 1: ngân hàng số, thẻ và Ví Việt với hơn 3.000 khách hàng sử dụng tại Chi nhánh Sơn La và phấn đấu tăng trưởng gấp đôi trong năm 2022.
Khách hàng sử dụng ứng dụng Ngân hàng số LienViet 24h tại LienVietPostbank Chi nhánh Sơn La.
Ông Lê Duy Khánh, Phó Giám đốc LienVietPostbank Chi nhánh Sơn La cho biết: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, trong đó, xây dựng lộ trình số hóa tất cả các hoạt động của Ngân hàng, bao gồm quản trị, hoạt động quản lý và quy trình thực hiện từ khâu thiết kế, xây dựng sản phẩm, dịch vụ đến triển khai bán hàng, quản lý và kiểm soát rủi ro. Mục tiêu trong thời gian tới, LienVietPostbank tiếp tục số hóa hoạt động nghiệp vụ, phấn đấu tăng tỷ trọng số lượng giao dịch trực tuyến, đưa ra nhiều sản phẩm được số hóa: tiền vay, tiền gửi, thẻ, các dịch vụ gia tăng.. và liên kết với các đối tác để khách hàng có trải nghiệm liền mạch và thuận tiện.
5 năm trở lại đây, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho ra đời những sản phẩm dịch vụ tiện ích trên nền tảng ứng dụng số đáp ứng mọi giao dịch cho người dùng. Đồng thời, đồng loạt chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip để nâng cao tính bảo mật, bảo vệ khách hàng.
Xu hướng tất yếu
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thói quen của người tiêu dùng cũng dần dịch chuyển từ mua hàng truyền thống sang các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như: Ví điện tử Momo, Internet Banking, ATM, ứng dụng E-Mobile Banking... Do đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử ghi nhận mức tăng trưởng cao so với các năm trước. Thậm chí, giờ đây, khách hàng không cần mang theo thẻ ATM, chỉ cần điện thoại thông minh vẫn có thể rút tiền bằng cách quét mã QR… giúp khách hàng có nhiều lựa chọn khi thanh toán, thay vì giao dịch bằng tiền mặt như trước đây.
Anh Nguyễn Văn Song, tổ 2, phường Chiềng Cơi (Thành phố) cho biết: Để thanh toán các khoản tiền dịch vụ của gia đình như: cước phí Internet, điện, nước… tôi đã đăng ký thông báo số tiền và trích lập thanh toán tự động hằng tháng qua tài khoản ngân hàng. Từ khi đăng kí sử dụng ứng dụng LienViet 24h của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, tôi không phải lo lắng việc quên thanh toán cước. Qua quá trình sử dụng, tôi thấy ứng dụng còn rất nhiều tiện ích, như: nạp tiền vào tài khoản từ nhiều nguồn; chuyển tiền trong và ngoài ngân hàng, gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền kiều hối, quản lý dịch vụ tài chính cá nhân và doanh nghiệp..., rất thuận lợi cho khách hàng giao dịch mọi lúc, mọi nơi.
Phiên giao dịch tại Agribank Chi nhánh Sơn La.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng chú trọng hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Các ngân hàng tích cực phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Công ty Điện lực, ngành y tế, giáo dục... triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ như: Thu thuế, tiền điện, nước, viện phí, học phí... thông qua việc xây dựng kết nối dữ liệu, thông tin hóa đơn của khách hàng để thanh toán trực tuyến, hoặc ký hợp đồng tự động trích tiền từ tài khoản để thanh toán cho đơn vị cung ứng dịch vụ.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, năm 2021, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện thu thuế điện tử 37.459 món, số tiền 2.990 tỷ đồng; thu tiền điện 364.842 món, số tiền 399 tỷ đồng; thu tiền nước 180.741 món, số tiền 40 tỷ đồng; thu tiền học phí 1.664 món, số tiền 5 tỷ đồng; thu tiền bảo hiểm xã hội 24.197 món, số tiền 633 Tỷ đồng; chi trả an sinh xã hội 6.963 món, số tiền 57 tỷ đồng; thu cước viễn thông 81.225 món, số tiền 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại miễn phí dịch vụ thanh toán hóa đơn điện tử thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông cho khách hàng; miễn phí dịch vụ mở thẻ ATM đối với các đơn vị trả lương qua tài khoản và học sinh, sinh viên…
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số
Ngày 13/1/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 02 về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2025, đổi mới toàn diện hoạt động quản lý theo hướng hiện đại, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng, cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tiến tới ít nhất 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số; 50% số người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 70% số lượng giao dịch của khách hàng thực hiện thông qua các kênh số...
Sử dụng ngân hàng số, khách hàng có thể ngồi bất cứ nơi đâu vẫn có thể chuyển tiền, gửi tiết kiệm trực tuyến.
Ông Đặng Hồng Thắng, Phó Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh, cho biết: Bám sát chủ trương, định hướng, chúng tôi tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chú trọng phát triển, cung ứng và tăng cường truyền thông về các sản phẩm, dịch vụ phù hợp theo hướng lấy khách hàng làm trung tâm. Đẩy mạnh tích hợp, kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng sản phẩm, dịch vụ với trải nghiệm liền mạch, xuyên suốt cho khách hàng, trong đó chú trọng đến các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, giao thông, hành chính công…
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng hướng dẫn khách hàng kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn, hợp lý và giải đáp kịp thời các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng. Triển khai các giải pháp giám sát, phát hiện, báo cáo, ngăn ngừa kịp thời các giao dịch vượt ngưỡng, giao dịch đáng ngờ, các giao dịch thực hiện không đúng quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tăng cường công tác kiểm soát nội bộ về an ninh, an toàn thông tin...
Với những lợi ích không thể phủ nhận như: giảm chi phí giao dịch, gia tăng lợi nhuận, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm cho người dùng..., chuyển đổi số thực sự là bước đi cần thiết đối với ngành ngân hàng. Tuy nhiên, với yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, các ngân hàng cần chú trọng đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ thanh toán có độ an toàn cao và tăng tính bảo mật, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh và hoàn thành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của toàn ngành ngân hàng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!