Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực. Một trong những lĩnh vực đang chịu tác động, cần chuyển đổi mạnh mẽ là lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Trước yêu cầu đặt ra, Sở Thông tin và Truyền Thông và các sở, ngành của tỉnh đang đồng hành, hỗ trợ ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Những kết quả bước đầu

Tại chuỗi hoạt động “Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La lần thứ nhất", "TechFest Việt Nam to Sơn La" năm 2022 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Sơn La, Trường đại học Tây Bắc tổ chức tại tỉnh Sơn La, ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh, cho biết: Chuyển đổi số trong GĐ&ĐT đang tập trung vào hai nội dung chính là quản lý và dạy, học, kiểm tra, đánh giá. Ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành GD&ĐT giai đoạn 2022-2025; thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trong ngành GD&ĐT tỉnh Sơn La. Ngoài ra, Sở đã khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT xây dựng, qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng thông tin quản lý giáo dục đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các cấp từ trường học, phòng, sở, UBND tỉnh và Bộ GĐ&ĐT.

Đồng thời, ngành GD&ĐT tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý điều hành điện tử (i-office) kết nối các phòng GĐ&ĐT với Sở GD&ĐT cũng như các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, phục vụ trao đổi thông tin, văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành trên môi trường mạng. Sử dụng có hiệu quả hệ thống e-cabinet tại Sở GD&ĐT trong các cuộc họp. Triển khai hệ thống phòng họp trực tuyến tại sở và các đơn vị trực thuộc trong các cuộc họp và dự giờ trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí, nâng cao chất lượng giáo dục. 

Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo tổ chức tại Trường đại học Tây Bắc

Bên cạnh đó, ngành triển khai đồng bộ phần mềm quản lý trường học từ mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên đảm bảo tối thiểu các mô đun quản lý học sinh, kết quả học tập, cơ sở vật chất, xếp thời khóa biểu; đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu từ trường đến phòng, Sở GD&ĐT. Phổ biến, hướng dẫn giáo viên, học sinh và các nhà trường khai thác kho bài giảng e-Learning của Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ học sinh tự học, tự ôn tập nâng cao kiến thức, giúp giáo viên tham khảo đổi mới nội dung phương pháp dạy học; khuyến khích giáo viên xây dựng bài giảng e-learning để đóng góp vào các kho bài giảng của trường, phòng, Sở và Bộ GD&ĐT.  

Từ năm học 2016, Sở GD&ĐT đã triển khai sử dụng học bạ điện tử qua hệ thống SMAS, VNEDU. Đến nay, hầu hết các trường trung học trong tỉnh sử dụng học bạ điện tử giúp giáo viên giảm bớt lao động thủ công trong việc nhập điểm vào sổ, giảm bớt sai sót trong học bạ. Các cơ sở giáo dục đã sử dụng các phần mềm, như: Quản lý trường học bằng phần mềm SMAS; quản lý tài chính, tài sản bằng phần mềm MISA; tham gia phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu ngành... Hệ thống dữ liệu quản lý thi tốt nghiệp THPT được triển khai trực tuyến đồng bộ từ Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đến tất cả các trường và tới thí sinh trong tất cả các khâu từ đăng ký dự thi đến thông báo điểm. Từ năm 2021, tất cả các thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến. 

Trường đại học Tây Bắc đang có 26 ngành đào tạo trình độ đại học, 6 ngành đào tạo sau đại học... Nhà trường có gần 400 cán bộ, giảng viên, Tiến sĩ Phạm Đình Thành, Khoa Khoa học tự nhiên - Công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc, chia sẻ: Hiện nay, trường đã có các nhóm nghiên cứu và công bố bài báo khóa học, đề tài các cấp về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất và thương mại. Trường có Trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, Trung tâm thúc đẩy khởi nghiệp, kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số. Với nguồn nhân lực, cơ sở vật chất hiện có, Trường Đại học Tây Bắc có thể phối hợp giúp các trường học xây dựng thiết kế chương trình đào tạo, bồi dưỡng… về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số cũng như các hoạt động về chuyên môn; giúp chuẩn hóa đội ngũ giáo viên giảng dạy tin học hay các môn khoa học tự nhiên.

Nâng cao nhận thức chuyển đổi số

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhận thức về chính quyền điện tử, chuyển đổi số của nhiều đơn vị trong ngành GD&ĐT còn ở mức thấp, chưa lồng ghép các ứng dụng công nghệ vào các chương trình, dự án, nhiệm vụ chuyên môn. Một số hệ thống công nghệ thông tin bị lỗi thời, không phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, không đáp ứng được các tiêu chuẩn cho chuyển đổi số, chính phủ điện tử. Nhiều phần mềm triển khai sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu không đáp ứng được các yêu cầu về đổi mới nội dung, phương pháp, kiểm tra đánh giá của Bộ GD&ĐT; việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm, hệ thống hỗ trợ quản lý điều hành, dạy và học chưa đồng bộ, thống nhất dẫn đến việc cơ sở dữ liệu bị chia tách, không đồng nhất, không kết nối liên thông với nhau, không hỗ trợ việc thống kê, tổng hợp, điều hành chung trong toàn tỉnh...

Một giờ học toán bằng giáo án điện tử của cô và trò Trường THPT Thuận Châu, huyện Thuận Châu.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong GD&ĐT, không bỏ lỡ cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại, ông Quàng Văn Lâm, thông tin thêm: Nhận diện những khó khăn, thách thức đặt ra, ngành GD&ĐT Sơn La đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đơn vị, cơ sở giáo dục về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số, của CNTT trong lĩnh vực giáo dục. Tập trung cao rà soát nguồn lực CNTT; đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên toàn ngành. Ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu; số hóa các văn bản, tài liệu của ngành giáo dục đối với tất cả các cấp học; xây dựng trung tâm điều hành giáo dục thông minh IOC; trường, lớp học thông minh... Hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý và nhất là học sinh trong công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng; các kỹ năng, nhận thức phòng chống độc hại trên không gian mạng...

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT mong muốn các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ tổ chức các chương trình đào tạo hướng nghiệp, đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Sơn La gắn với chuyển đổi số; ưu tiên cho ngành các chương trình, đề án, dự án, chuyển giao ứng dụng… liên quan tới chuyển đổi số trong giáo dục; thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học) ở tất cả các cấp học, ngành học, môn học gắn với việc thẩm định nội dung, kết nối, chia sẻ học liệu giữa các huyện trong tỉnh, nhà trường; khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, ngày một nâng cao chất lượng giáo dục Sơn La.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới