Chuyển đổi số trong giáo dục là xu thế tất yếu, công cụ đắc lực hỗ trợ công tác quản lý, điều hành và nâng cao chất lượng giáo dục… Theo đó, ngành Giáo dục, Đào tạo Sơn La đã tập trung xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập.
Với quy mô 610 cơ sở giáo dục, trên 375.000 học sinh, hơn 22.000 cán bộ, giáo viên, 2 năm qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành GD&ĐT đã áp dụng linh hoạt các giải pháp thích ứng với tình hình mới; trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, điều hành công việc. Tổ chức cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên tham gia bồi dưỡng, tập huấn về xây dựng bài giảng điện tử, cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ giảng dạy, soạn giảng giáo án điện tử, cài đặt phần mềm, thiết kế bài giảng trên các ứng dụng. Chỉ đạo 100% trường học trên địa bàn thực diễn các tình huống dạy học; trong đó, có tình huống dạy học trực tuyến. Các nhà trường đã triển khai dạy học qua các phần mềm miễn phí: Google Meet, Google Classroom, Msteam… hoặc sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến hiện được tài trợ miễn phí bởi VNPT (VNPT E-learning); giao bài qua các hệ thống zalo, facebook…
Trường tiểu học Quyết Thắng, Thành phố tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên.
Cũng chính từ sự chủ động đã giúp ngành GD&ĐT trở thành đơn vị tiên phong thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; điển hình khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành đã thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học”, chủ động áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào quản lý, giảng dạy với 40% số học sinh các vùng thuận lợi có điều kiện học trực tuyến.
Bên cạnh đó, Ngành GD&ĐT đã triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý và dạy học, như: Triển khai phần mềm quản lý điều hành điện tử (i-office) - kết nối các phòng GD&ĐT với Sở GD&ĐT và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, phục vụ trao đổi thông tin, văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành trên môi trường mạng. Sử dụng hệ thống phòng họp không giấy (e-cabinet) tại Sở GD&ĐT, hệ thống phòng họp trực tuyến tại Sở và các đơn vị trực thuộc trong các cuộc họp và dự giờ trực tuyến. Triển khai sử dụng học bạ điện tử qua hệ thống SMAS, VNEDU; đến nay, hầu hết các trường trung học trong tỉnh sử dụng học bạ điện tử, giúp giáo viên nhập điểm vào sổ, giảm bớt sai sót trong học bạ (còn 3 trường THCS của huyện Mường La chưa sử dụng được học bạ điện tử do không đảm bảo về đường truyền để thực hiện).
Thầy giáo Trần Văn Thể, Phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Châu thông tin: Năm học 2021-2022, trường có 1.020 học sinh, với 67 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Học bạ điện tử được triển khai từ năm học 2017-2018 đã giúp cán bộ, giáo không bị sai sót, nhầm lẫn, giảm nhiều áp lực ghi chép, nhận xét các loại hồ sơ, sổ sách, việc phê học bạ theo mẫu hệ thống được thực hiện trên máy tính theo dõi học sinh rất hiệu quả vì có tính liên tục, dễ dàng tìm kiếm thông tin.
Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
Trường THCS Lê Quý Đôn, Thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Đến nay, Nhà trường đã trang bị máy chiếu tại 23/23 phòng học; hệ thống âm thanh, máy tính xách tay cho giáo viên, phụ kiện lắp đặt; trường cũng xây dựng website để trao đổi nghiệp vụ và thông báo hoạt động của trường… Trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, 100% học sinh học trực tuyến; hiện nay, nhà trường đang tổ chức song song 2 hình thức học trực tiếp và học trực tuyến đối với học sinh thuộc diện F0, F1.
Giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn triển khai dạy học trực tuyến.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết: Tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhà trường đã phối hợp với nhà mạng VNPT hỗ trợ dung lượng, phần mềm dạy học, mỗi học sinh có thể tiếp cận tối đa kiến thức hằng ngày. Với sự chủ động, tích cực của 2 đơn vị đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình giáo dục trực tuyến, vừa đảm bảo chương trình dạy và học, vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
Em Bùi Tuệ Đan, học sinh lớp 9G, Trường THCS Lê Quý Đôn, chia sẻ: Các tiết học của chúng em rất sinh động, trực quan hơn khi có sự hỗ trợ của hệ thống máy chiếu, máy vi tính... Đặc biệt, với hệ thống này, trong một số thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, nhà trường có học sinh cách ly tại nhà, các thầy cô vẫn dạy học trực tuyến giúp học sinh nắm được bài giảng ở lớp.
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, Thành phố học trực tuyến.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị đồng bộ với hệ thống dữ liệu của ngành; 100% đơn vị, cơ sở giáo dục kết nối đường truyền băng thông rộng để triển khai các ứng dụng trực tuyến trên môi trường internet; 100% học sinh được tiếp cận Internet và kho học liệu trực tuyến; 100% đơn vị, cơ sở giáo dục có trang thông tin điện tử, cung cấp đầy đủ thông tin (cơ sở vật chất, chương trình học...) theo quy định của Bộ GD&ĐT; hoàn thiện hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4.
Với nhiệm vụ đó, Sở đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục; phân công nhiệm vụ cho các thành viên thực hiện, gắn với nhiệm vụ chuyên môn; thúc đẩy phát triển hình thức dạy - học trực tuyến qua mạng; hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy - học, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ và huy động nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia. Triển khai thí điểm trường học điện tử, lớp học điện tử (các giải pháp giáo dục thông minh) ở những nơi có điều kiện nhằm ứng dụng những công nghệ tiên tiến, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy - học. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin…
Việc chuyển đổi số trong giáo dục đang tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong quản lý, dạy học, phòng chống dịch trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện giai đoạn tiếp theo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!