Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Hành trình “về nguồn” của những người làm báo

Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), chúng tôi, những người làm báo của tỉnh Sơn La, vinh dự được tham gia hành trình về nguồn do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và di tích, nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam - những địa chỉ đỏ của báo chí cách mạng Việt Nam.

Giọng nữ

Ngôi trường đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, xã Tân Thái, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Công trình tọa lạc trên đồi cao, soi bóng xuống vùng đất lịch sử bên bờ hồ Núi Cốc yên bình. Mỗi hiện vật nơi đây đều gợi nhắc ký ức về một thời hào hùng.

Di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị Tổng bộ Việt Minh tổ chức ngày 4/4/1949, là cơ sở đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. Động viên tinh thần dạy và học trong bối cảnh khó khăn, thiếu thốn đủ bề, Bác Hồ hai lần dành thời gian viết hai bức thư gửi thầy, trò của trường. Trong thư, Bác viết “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú, các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!”. Những bức thư cho thấy tình cảm, sự quan tâm hết mực mà Người dành cho nghề báo, người làm báo cách mạng.

Giữa đại ngàn Việt Bắc, dưới những mái nhà tranh nứa đơn sơ, lớp nhà báo chiến sĩ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập được nuôi dưỡng và trưởng thành. Đặc biệt, 29 người thầy giảng dạy tại lớp học ấy là các đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm về chính trị, phong phú về lý luận, thực tiễn, như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp. Cùng nhiều trí thức, văn nghệ sĩ lớn, như: Trần Huy Liệu, Nam Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu... Không chỉ dạy nghề, các thầy còn truyền cho học viên ngọn lửa yêu nước, tinh thần dấn thân, bản lĩnh cầm bút.

Các đại biểu thăm nơi trưng bày kỷ vật tại Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Sau khi kết thúc ba tháng đào tạo cấp tốc (từ ngày 4/4/1949 đến ngày 6/7/1949), 42 học viên tỏa đi khắp các chiến trường, các địa bàn trọng yếu của Tổ quốc. Họ vững vàng cầm bút, cũng như cầm súng, xông pha nơi tuyến lửa, vừa viết báo tuyên truyền, cổ vũ nhân dân kháng chiến, vừa tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Mái trường tranh tre, nứa lá, giữa núi rừng đào tạo những cây bút chủ lực của Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Văn nghệ... và những “hạt giống” đầu tiên của nền báo chí cách mạng, như: Thép Mới, Trần Kiên, Lý Thị Trung, Mai Cương; đạo diễn Bành Châu, Trần Vũ; nhà văn Hữu Mai, Hải Như, Từ Bích Hoàng...

Năm 2019, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia; là công trình văn hóa, lịch sử quan trọng, tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định: Những người làm báo ngày nay may mắn hơn thế hệ cha anh, không phải viết báo trong bom đạn, nhưng lại đối mặt với một mặt trận mới đầy cam go, mỗi ngày phải vượt qua hàng nghìn, hàng vạn tin giả, “bão” thông tin hỗn loạn từ mạng xã hội. Do đó, mỗi nhà báo phải trở thành chiến sĩ “biên phòng” trên không gian mạng, bảo vệ độc giả khỏi làn sóng xâm lăng văn hóa, những luận điệu xuyên tạc tinh vi; liên tục chạy đua với tốc độ internet, học cách sử dụng những công cụ mới, trong khi vẫn giữ vững cốt cách người làm báo chân chính.

Các đại biểu trao đổi tại Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Tham gia hành trình về nguồn, nhà báo Ma Văn Hưng, phóng viên Báo Tuyên Quang, chia sẻ: Tôi rất vinh dự, tự hào được đến thăm, tìm hiểu về Trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng; cảm nhận được sự nỗ lực, quyết tâm của thế hệ đi trước. Đây cũng là dịp để tôi soi lại chính mình về lý tưởng với nghề, bản lĩnh trước những cạm bẫy thông tin về đạo đức nghề nghiệp trong môi trường truyền thông ngày càng đa dạng, phức tạp.

Về nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi về xóm Roòng Khoa, nay là xóm Đồng Lá 3, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, thăm Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Đại biểu tham quan khu trưng bày kỷ vật tại Di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Cách đây 75 năm, ngày 21/4/1950, Đại hội lần thứ nhất của Hội Những người viết báo Việt Nam tổ chức trong ngôi nhà sàn 2 tầng, 8 mái, nơi làm việc, hội họp của Tổng hội Việt Minh. Đại hội thống nhất thông qua Điều lệ, chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội gồm 10 nhà báo do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch. Ngày 2/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận, trở thành thành viên của Mặt trận Liên Việt. Sau này, Hội Những người viết báo Việt Nam đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam. Ngày 23/8/2004, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định xếp hạng nơi đây là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Công trình khang trang, nằm trong khuôn viên đẹp đẽ, gồm nhà trưng bày, Bia Di tích quốc gia địa điểm nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam. Ấn tượng hơn cả là Nhà trưng bày, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật, tư liệu quý về hoạt động của lãnh đạo Hội qua các thời kỳ từ khi thành lập đến nay; những hình ảnh về hoạt động báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong suốt quá trình hoạt động, Hội Nhà báo Việt Nam tập hợp, đoàn kết, động viên đội ngũ người làm báo cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng. Những năm gần đây, Hội Nhà báo Việt Nam có nhiều đổi mới quan trọng, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thắng lợi các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước; tổ chức tốt các hoạt động: Giải Báo chí quốc gia hằng năm, các giải báo chí chuyên ngành; thực hiện Đề án Hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao. Nâng cao số lượng, hiệu quả việc bồi dưỡng nghiệp vụ; phối hợp, tham gia hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý báo chí...

Nhà báo Nguyễn Viết Mạnh, Tổng Biên tập Báo Lai Châu, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu, chia sẻ: Đến với những di tích lịch sử báo chí cách mạng giúp chúng tôi hiểu hơn về tinh thần, nhiệt huyết của những thế hệ làm báo đi trước; suy ngẫm, học tập, kế tục xứng đáng truyền thống tốt đẹp, vẻ vang. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức đoàn cho các nhà báo, hội viên về nguồn, tìm hiểu lịch sử, ra đời của tổ chức Hội, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ nhà báo, hội viên.

Thăm quan lớp học trong Di tích lịch sử Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Hành trình về nguồn để lại nhiều dấu ấn sâu đậm cho các nhà báo. Từ đó, nhân lên niềm tự hào, quyết tâm, với tinh thần “tâm sáng, bút sắc, lòng trong”, tiếp tục xây dựng nền báo chí cách mạng nước nhà chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước.

Việt Anh, Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới