Thay thế lớp học tạm bằng các lớp học kiên cố, khang trang, đảm bảo an toàn, phục vụ tốt công tác giảng dạy tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, biên giới. Đây là hoạt động nổi bật và ý nghĩa được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Sơn La chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ 2017-2022 từ sự kết nối Dự án “Sức mạnh 2000” và huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng trường lớp cho học sinh ở địa bàn khó khăn.
Ấm áp lớp học vùng cao, biên giới
Năm học mới này, niềm mong ước của cô và trò điểm trường bản Cương Chính, Trường mầm non Bình Minh, xã biên giới Mường Hung, huyện Sông Mã đã trở thành hiện thực, khi công trình nhà lớp học tại điểm trường được đầu tư xây mới khang trang. Hân hoan trong ngày khánh thành, bà Nguyễn Thị Nhàn, bản Cương Chính, có 2 cháu ngoại học tại đây, vui vẻ tâm sự: Nhà lớp học bản Cương Chính ngay đối diện gia đình tôi. Chứng kiến cô và trò phải trải qua nhiều năm học tập trong điều kiện khó khăn, nhà tre, vách đất không đảm bảo an toàn. Năm nay, các cháu có nhà lớp học mới khang trang, kiên cố, chúng tôi thực sự yên tâm gửi cháu học tập tại trường.
Bà Trần Thị Liễu, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh, phấn khởi nói: Đến nay, 100% số phòng học tại các điểm trường đã được kiên cố hóa; nhà trường đang tích cực trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường, trang trí phòng lớp học để phục vụ công tác giảng dạy, tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các con.
Huyện biên giới Sông Mã là địa phương được hưởng lợi từ chương trình với 32 công trình nhà lớp học tại các điểm trường được đầu tư xây dựng mới từ chương trình “Trường đẹp cho em”, tổng số tiền được tài trợ gần 8,3 tỷ đồng. Đến nay, đã có 18 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Bà Mạc Thị Loan, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã, cho biết: Từ chương trình “Trường đẹp cho em”, huyện Sông Mã đã xóa được nhiều điểm trường tạm. Các công trình được đầu tư xây dựng nhà lớp học, phòng học khang trang, sạch sẽ, ấm về mùa đông, mát về mùa hè, giúp giáo viên và học sinh yên tâm học tập, góp phần thắp sáng ước mơ đến trường của trẻ em vùng cao.
Cũng như những điểm trường ở Sông Mã, đến với Trường TH&THCS Chiềng Chung ở huyện Mai Sơn, cơ sở vật chất ở đây cũng được tài trợ gần 300 triệu đồng từ Dự án “Sức mạnh 2000” thuộc Trung tâm Thông tin nguồn lực tình nguyện Quốc gia để đầu tư xây dựng 2 phòng học khang trang từ tháng 5/2022. Thầy giáo Đặng Hữu Việt, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Hai năm trở lại đây, số lượng học sinh ra lớp liên tục tăng, tình trạng thiếu phòng, lớp học khiến nhà trường phải bố trí chia ca để học. Năm học này, nhà trường được tài trợ xây dựng mới 2 phòng học kiên cố, góp phần xóa được phòng học tạm và cơ bản đáp ứng phòng lớp học phục vụ giảng dạy tập trung.
Thắp sáng niềm tin cho học sinh vùng khó khăn
Chương trình “Trường đẹp cho em” thuộc Dự án “Sức mạnh 2000” tài trợ mang ý nghĩa nhân văn xã hội sâu sắc, hướng đến mục tiêu xóa lớp học tạm trên địa bàn, tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa khó khăn được tiếp cận môi trường giáo dục công bằng, hạn chế chênh lệch vùng miền, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở, quan tâm chăm lo cho học sinh, thiếu niên, nhi đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Khánh thành “Trường đẹp cho em” điểm trường bản Cương Chính, Trường mầm non Bình Minh, xã Mường Hung, huyện Sông Mã.
Anh Nguyễn Duy Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh, thông tin: Triển khai công trình “Trường đẹp cho em”, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố rà soát các phòng, lớp học tạm để đề xuất với Trung tâm tình nguyện Quốc gia, các tổ chức, cá nhân tài trợ xây mới. Đồng thời, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thi công, kiểm tra, giám sát nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, thời gian và hoàn thiện hồ sơ các công trình bàn giao đưa vào sử dụng, giúp trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, tạo động lực, khích lệ giáo viên và học sinh vùng cao bám trường, thi đua dạy và học đạt thành tích cao.
Từ năm 2020 đến nay, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh đã đề xuất Dự án “Sức mạnh 2000” và huy động xã hội hóa xây dựng cho 58 điểm trường, với tổng kinh phí tài trợ hơn 13,6 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 21 công trình, tổng trị giá hơn 3,75 tỷ đồng. Riêng năm 2022, Chương trình sẽ tổ chức khánh thành 22 công trình, khởi công 21 công trình, các công trình được gắn biển chào mừng Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027 và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027. Việc triển khai xây dựng các công trình nhà lớp học đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của địa phương, vận động nhân dân hiến đất, ngày công lao động, kinh phí đối ứng để xây dựng điểm trường. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các huyện đã vận động nhân dân địa phương đóng góp kinh phí, huy động đoàn viên, thanh niên sử dụng các vật liệu tái chế để làm bồn hoa, vườn rau, tủ sách, giá sách và các trang thiết bị phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ em ngoài trời, vừa giúp tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường và góp phần chỉnh trang khuôn viên trường học, xây dựng trường học thân thiện, sạch đẹp.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tiếp tục khảo sát, rà soát, đề xuất xây dựng xóa toàn bộ các điểm trường tạm bằng vật liệu gỗ, vật liệu tạm. Sau khi hoàn thành mục tiêu, sẽ tiếp tục đề xuất xây dựng các điểm trường kiên cố thay cho các điểm nhà lắp ghép, nhà tôn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh học tập.
Những công trình “Trường đẹp cho em” của Đoàn Thanh niên đã để lại dấu ấn đậm nét ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chung tay xóa các điểm trường, nhà lớp học tạm, dột nát, đầu tư xây dựng công trình nhà lớp học kiên cố tiêu chuẩn cho các điểm trường học, góp phần xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!