Cảnh giác trước những thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật của các thế lực thù địch

Những năm qua, các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội thường xuyên lợi dụng lĩnh vực văn học, nghệ thuật để chống phá cách mạng nước ta. Mục tiêu của chúng là tác động, hướng văn học, nghệ thuật thoát ly sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đặt văn học, nghệ thuật ra ngoài chính trị. Đồng thời, xem đây là một trong những công cụ phục vụ chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá ta trên các lĩnh vực khác.

Âm mưu của chúng là tác động mạnh mẽ đến giới văn nghệ sĩ, trí thức làm chuyển biến tư tưởng của họ, như: Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, là những văn nghệ sĩ, trí thức đã phản bội Tổ quốc; Võ Phiến, Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Mạc Văn Trang, Trần Thanh Tuấn, là những nhà văn, trí thức đã “tự diễn biến, tự chuyển hóa” thành những kẻ có quan điểm chống Đảng; Phạm Trần "Hội nghị treo chuông". Đồng thời dùng các phương thức, thủ đoạn để thường xuyên đẩy mạnh hoạt động chống phá, như:

Chúng sử dụng các đài phát thanh tiếng Việt ở nước ngoài giới thiệu, bình luận, phổ biến bài viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung sai trái, thù địch phát sóng vào nước ta. Tận dụng triệt để internet, mạng xã hội để công bố, lưu truyền các bài viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung sai trái, thù địch, nhằm bóp méo quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đội ngũ phóng viên, văn nghệ sỹ, trí thức. Chúng vu cáo Đảng ta bóp nghẹt tự do, dân chủ, áp đặt tư tưởng, quan điểm trong thông tin, tuyên truyền, sáng tạo văn học, nghệ thuật; trấn áp những văn nghệ sỹ, các nhà báo đấu tranh cho tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, nhất là khi ta xử lý những đối tượng cực đoan, chống đối chế độ mà chúng gọi là “những nhà bất đồng chính kiến”.

Chân dung đối tương Phạm Đoan Trang cùng một số tài liệu phản động.

Các đối tượng gia tăng các cuộc tiếp xúc, hội ngộ để thông tin, tán phát tài liệu bày tỏ quan điểm sai trái, thù địch với thủ đoạn lôi kéo, kích động làm giảm lòng tin của cán bộ, nhân dân vào chế độ. Chúng ra sức bôi nhọ, đả kích các nhà phê bình văn học, nhà báo, văn nghệ sỹ, trí thức có quan điểm tốt. Chúng xuyên tạc họ là những “bồi bút”, là những “con rối” trên diễn đàn văn chương, báo chí. Đồng thời, đề cao các tác phẩm của những văn nghệ sỹ, trí thức, nhà báo cực đoan, quá khích, cho rằng đây là “luồng gió mới” trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật ở Việt Nam dũng cảm thoát ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng. Chúng còn tăng cường soạn thảo, cho xuất bản, truyền bá những cuốn sách có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam, như: “Chính trị bình dân” - Phạm Đoan Trang, “Đặt bàn tay lên Việt Nam” - Nguyễn Nguyên Bình, “Học chính sách  công  qua chuyện đặc khu” - Luật  khoa  tạp  chí - Trịnh  Hữu  Long,  Phạm Đoan Trang, Nguyễn  Anh Tuấn, “Phản kháng phi bạo lực” - Phạm Đoan Trang.

Chúng tổ chức “trao giải thưởng”, trả nhuận bút cao, khích lệ tính hám danh của một số văn nghệ sỹ, trí thức, lôi kéo họ vào các hoạt động chính trị và sáng tác bất lợi cho an ninh quốc gia và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Triệt để khai thác, thu thập những bài viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật có quan điểm nghệ thuật lệch lạc, bị phê phán mạnh mẽ trong nước để đưa ra đăng tải, phát hành ở bên ngoài trên các tạp chí, nhà xuất bản của các tổ chức phản động người Việt lưu vong.

Thông qua các chương trình mang tính hợp tác quốc tế, chúng mời đích danh một số nhà báo, văn nghệ sỹ, trí thức của ta ra nước ngoài tham quan, trao đổi, biểu diễn, sáng tác… Thông qua đó tiếp cận, tuyên truyền, tác động tư tưởng, thậm chí cài bẫy khống chế vào các hoạt động chống đối chế độ, xây dựng họ thành những “ngọn cờ” trong giới văn nghệ sỹ, trí thức, là những “hạt nhân” để phát triển “lực lượng dân chủ” trong nước. Thông qua số này xây dựng các trang web và blog trên mạng internet, thực chất là các dạng báo điện tử tư nhân đưa nhiều thông tin sai trái. Thành lập các hội nhóm, thiết lập các diễn đàn “dân chủ” theo quan điểm của phương Tây, chống phá Đảng, Nhà nước, bênh vực những phần tử chống Đảng, chống chế độ. Một số nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đã thành lập hoặc tham gia các nhóm văn nghệ tự do nhằm đối trọng với các hội văn học, nghệ thuật do Đảng lãnh đạo, như: nhóm “Hội luận văn chương”, “Câu lạc bộ Nguyễn Đình Thi”, “Nhóm thơ Mở miệng”, "Văn đoàn độc lập"...

Để phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động của các thế lực thù địch móc nối, lôi kéo văn nghệ sĩ tham gia hoạt động chống Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, cần giải quyết tốt một số công tác sau:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động đấu tranh ngăn chặn âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, coi đây là một mặt trận trọng yếu trong cuộc chiến đấu tranh chống lại các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.  

Nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, nhất là các hội, nhóm hay hoạt động của các nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sĩ bằng những quy định cụ thể. Đồng thời, có chế tài nghiêm khắc để xử lý những trường hợp vi phạm quy định. Có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động những nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sĩ tham gia đấu tranh chống lại các hoạt động lôi kéo, kích động, chống phá của các thế lực thù địch trên các diễn đàn, nhất là trên mạng xã hội.

Phát huy vai trò sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Tiếp tục tạo điều kiện để các văn nghệ sỹ phát huy vai trò sáng tạo, đi sâu vào đời sống nhân dân để tìm tòi, phát triển tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật. Có cơ chế khuyến khích, động viên, tôn vinh văn nghệ sỹ, các tác phẩm có giá trị cao, thông qua các cuộc thi, giải thưởng để họ hăng say sáng tạo. Qua đó, truyền tải nội dung, củng cố, định hướng giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức cảnh giác cách mạng cho đội ngũ văn nghệ sỹ trước âm mưu, hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt lợi dụng văn học - nghệ thuật xâm phạm an ninh quốc gia của các thế lực thù địch hiện nay.

Chủ động tham mưu phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, định hướng hoạt động sáng tác và biểu diễn của đội ngũ văn nghệ sỹ, phục vụ có hiệu quả công tác tuyên truyền bản sắc văn hóa các dân tộc tại các địa phương. Phòng ngừa, ngăn chặn các thế lực thù địch móc nối, lôi kéo văn nghệ sỹ trong tỉnh tham gia các diễn đàn, hội thảo có nội dung nhạy cảm chính trị, tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước. Tiếp tục phát huy tối đa vai trò của đội ngũ văn nghệ sỹ trong đảm bảo an ninh, trật tự trên lĩnh vực văn học - nghệ thuật.

Cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở cần quan tâm đặc biệt đời sống của văn nghệ sĩ. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, lôi kéo văn nghệ sĩ vào hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hoàng Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới