Đại diện đoàn đàm phán Ukraine, Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak (M.Pô-đô-li-ắc) thông báo về công tác chuẩn bị các tài liệu để thảo luận trong cuộc hội đàm cấp cao với Nga.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình PBS của Mỹ, ông Podolyak cho rằng, để giải quyết xung đột cần “cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai tổng thống”. Theo ông Podolyak, lập trường của Kiev và Moskva vẫn khác biệt, song có thể đạt thỏa thuận ngừng bắn trong vài ngày tới.
Cơ hội đạt được thỏa hiệp
Trong vòng đàm phán thứ 4 giữa Nga và Ukraine diễn ra ngày 16/3 theo hình thức trực tuyến, nội dung thảo luận trọng tâm giữa hai bên là về cơ chế trung lập cho Ukraine. Giới chức hai nước đánh giá đàm phán đang trong giai đoạn quan trọng và có cơ hội đạt được thỏa hiệp. Hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, trong vòng đàm phán hiện tại, hai bên đang thảo luận về quy chế trung lập cho Ukraine và đây có thể là yếu tố giúp tiến tới thỏa hiệp.
Cũng theo hãng tin RIA, Điện Kremlin đánh giá còn quá sớm để công bố bất cứ thông tin nào liên quan gói thỏa thuận tiềm năng giữa Nga và Ukraine. Bình luận của Điện Kremlin được đưa ra sau khi tờ Financial Times đưa tin Ukraine và Nga đã có bước tiến đáng kể về một kế hoạch hòa bình gồm 15 điểm.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sẵn sàng thảo luận về cơ chế trung lập cho Ukraine nhằm chấm dứt xung đột, nhưng khẳng định Moskva sẽ thúc đẩy để đạt các mục tiêu đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (X.La-vrốp) nhận định, cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine là không dễ dàng, song ông vẫn hy vọng hai bên sẽ đạt thỏa hiệp và vấn đề về quy chế trung lập của Kiev hiện đang được thảo luận một cách nghiêm túc.
Trong khi đó, Văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố phát biểu của đại diện đoàn đàm phán Ukraine cho biết, hai bên đang thảo luận một mô hình có bảo đảm an ninh mang tính ràng buộc pháp lý có sự tham gia của các đối tác quốc tế. Tổng thống Ukraine đánh giá, các cuộc đàm phán đang trở nên “thực tế” hơn, song vẫn cần thời gian để đưa ra quyết định có lợi cho Kiev.
Chính phủ Australia cho biết đã cấp hơn 4.000 thị thực cho công dân Ukraine trong bốn tuần qua. Đây đều là thị thực tạm trú, chủ yếu là thị thực du lịch và một số loại thị thực khác như thăm thân, du học sinh và doanh nghiệp. Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức Ukraine tại Australia cho biết, Canberra đang đẩy nhanh quá trình cấp phép, đồng thời xem xét kế hoạch tăng số lượng thị thực không thường trú dành cho công dân Ukraine.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết Mỹ, Anh, Pháp, Albania, Na Uy và Ireland đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về tình hình nhân đạo tại Ukraine. Ngoài ra, các nước đang thảo luận việc cho phép Tổng thống Ukraine phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trong khi đó, trong bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Ukraine kêu gọi Washington tăng cường viện trợ Ukraine, đồng thời nhắc lại đề nghị thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) thông báo khoản viện trợ quân sự trị giá 1 tỷ USD dành cho Ukraine nhằm hỗ trợ an ninh và triển khai các vũ khí tầm xa, coi đây là sự hỗ trợ “chưa từng có tiền lệ” đối với Ukraine trong cuộc xung đột giữa Kiev với Moskva. Ông Biden nhấn mạnh, đây là hoạt động chuyển giao trực tiếp thiết bị từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho quân đội Ukraine để Kiev có được “các hệ thống phòng không tầm xa hơn”.
Căng thẳng Nga-phương Tây chưa hạ nhiệt
Tại hội nghị bất thường Bộ trưởng Quốc phòng NATO, Tổng Thư ký NATO tuyên bố, NATO sẽ tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự ở Đông Âu. Tại hội nghị, Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh của NATO tại châu Âu (Saceur), Tướng Mỹ Tod Wolters (T.Uôn-tơ), đã được Bộ trưởng Quốc phòng của 30 nước đồng minh chỉ thị chuẩn bị các phương án khác nhau để tăng cường sự hiện diện quân sự ở sườn phía đông của NATO.
Ngày 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (M.Da-kha-rô-va) cho biết, hiện không có tiến trình đàm phán tích cực nào giữa Nga và Mỹ. Theo bà Zakharova, trong nửa năm qua, phía Nga đã tích cực xây dựng tiến trình đàm phán với Mỹ theo nhiều hướng như an ninh mạng, an ninh toàn cầu và vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, hiện giữa hai nước chưa có tiến trình đàm phán tích cực nào, hai bên chỉ thực hiện các cuộc tiếp xúc riêng lẻ về những vấn đề nảy sinh cụ thể.
Trước đó, Nga để ngỏ khả năng nối lại liên lạc với Mỹ. Hãng tin TASS dẫn lời Người phát ngôn Điện Kremlin nêu rõ, việc Nga áp đặt trừng phạt đối với Tổng thống Biden không có nghĩa là Moskva từ chối liên lạc với Washington. Việc liên lạc có thể được nối lại nếu cần thiết.
Về thông tin nói rằng Slovakia được cho là đã quyết định cung cấp cho Ukraine các tổ hợp tên lửa phòng không do Liên Xô trước đây sản xuất, bà Zakharova nêu rõ: “Nếu quyết định như vậy được đưa ra, và đây không chỉ là quyết định của riêng Slovakia, mà là quyết định của các quốc gia khác, thì họ đang tự tạo ra vấn đề cho chính mình”.
Trong cuộc họp về các biện pháp hỗ trợ kinh tế-xã hội cho các địa phương, Tổng thống Putin khẳng định, Nga hiện có đủ nguồn lực tài chính để đối phó những thách thức hiện nay và Ngân hàng Trung ương Nga không cần in thêm tiền. Ông cho rằng nền kinh tế Nga sẽ tự thích ứng trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!