Thế giới tuần qua: Thỏa thuận lịch sử

Tuần qua (11-17/12), bên cạnh tình hình chiến sự ở Gaza, dư luận thế giới hướng sự chú ý về những diễn biến của Hội nghị COP28 khi các bên tham dự đã đạt được đồng thuận cuối cùng về một thỏa thuận "lịch sử" nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu.

Hội nghị COP28 đạt thỏa thuận lịch sử về nhiên liệu hóa thạch
Chủ tịch COP28 Sultan Ahmed Al Jaber phát biểu trong phiên họp toàn thể bế mạc COP28, ngày 13/12/2023. (Ảnh: Xinhua) 

Ngày 13/12, các nước tham dự Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đã bế mạc và thông qua thỏa thuận cuối cùng. Thỏa thuận này mở đường cho việc giảm mức sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu, nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu.

Thỏa thuận trên đặc biệt kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Văn bản này cũng kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030, đẩy nhanh nỗ lực giảm sử dụng than và tăng tốc các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon để có thể làm sạch các ngành công nghiệp khó khử carbon.

Việc thực hiện thỏa thuận COP28 tùy thuộc vào từng quốc gia, thông qua các chính sách và các khoản đầu tư của riêng từng nước. Dầu, khí đốt và than đá vẫn chiếm khoảng 80% năng lượng của thế giới. Việc đốt than, dầu và khí đốt là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Những loại nhiên liệu này cũng chiếm hơn 3/4 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Thỏa thuận đạt được ở Dubai sau 2 tuần đàm phán căng thẳng gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách về mong muốn của toàn thế giới về việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, điều mà các nhà khoa học cho là hy vọng tốt nhất và cuối cùng để thoát khỏi thảm họa khí hậu.

 Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber gọi đây là một thỏa thuận "lịch sử" nhưng nói thêm rằng, thành công thực sự của thỏa thuận nằm ở việc chúng ta sẽ thực hiện nó như thế nào.

FED giữ nguyên lãi suất

Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: EFE)  

Ngày 13/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bỏ phiếu để giữ lãi suất, hiện ở mức cao nhất trong 22 năm, trong cuộc họp thứ ba liên tiếp, tuy nhiên cũng đưa ra tín hiệu dự kiến sẽ thực hiện 3 lần cắt giảm vào năm 2024 tới.

Trong một tuyên bố, FED nêu rõ quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay chủ chốt trong khoảng từ 5,25% đến 5,50% cho phép các nhà hoạch định chính sách xác định "mức độ của bất kỳ biện pháp củng cố chính sách bổ sung nào có thể phù hợp."

FED đã nâng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát. Lạm phát Mỹ hiện đã chậm lại đáng kể so với mức đỉnh 40 năm vào hè năm ngoái.

Kết quả này khiến giới chuyên gia dự đoán FED sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong bối cảnh cơ quan này tiếp tục cuộc chiến nhằm giảm đà lạm phát, hướng tới mục tiêu dài hạn là 2%.

Bên cạnh quyết định về lãi suất, FED cũng công bố dự báo kinh tế cập nhật, nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay và giảm xuống vào năm 2024.

Hamas sẵn sàng đàm phán nhằm chấm dứt xung đột với Israel

Khung cảnh tan hoang tại Khan Younis, miền Nam Dải Gaza. (Ảnh: Reuters) 

Thủ lĩnh lực lượng Hamas của Palestine, ông Ismail Haniyeh ngày 13/12 cho biết Hamas sẵn sàng đàm phán với Israel về bất kỳ thỏa thuận hoặc sáng kiến nào có thể dẫn đến một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.

Trong bài phát biểu được phát sóng trên kênh truyền hình Al Jazeera, ông Haniyeh khẳng định phong trào này sẵn sàng thảo luận về bất kỳ thỏa thuận hoặc sáng kiến nào có thể chấm dứt xung đột với Israel, đồng thời cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào về tương lai của Dải Gaza mà không có sự tham gia của Hamas sẽ không thể thành công.

Ông Haniyeh nói thêm Hamas hoan nghênh nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và đánh giá cao những nỗ lực của Saudi Arabia và Ủy ban Bộ trưởng Arab-Hồi giáo nhằm chấm dứt xung đột ở dải đất ven biển của Palestine đang bị phong tỏa này.

Xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra từ ngày 7/10 đã gây nhiều thương vong và tổn thất nặng nề cho cả đôi bên. Số liệu cập nhật cho thấy, chiến sự tiếp diễn nhiều ngày qua đã khiến ít nhất 18.608 người Palestine thiệt mạng và 50.594 người khác bị thương trong các cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Trong khi đó, các cuộc tấn công của Hamas vào Israel cũng khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng.

Theo một nghiên cứu của Liên hợp quốc công bố ngày 13/12, thiệt hại kinh tế của cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza đối với các nước láng giềng Arab bao gồm Liban, Ai Cập và Jordan có thể tăng lên hơn 10 tỷ USD trong năm nay và đẩy hơn 230.000 người vào cảnh nghèo đói

EU cam kết tái định cư cho gần 61.000 người tị nạn

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN 

Ngày 14/12, Ủy viên phụ trách Nội vụ của Liên minh châu Âu (EU), bà Ylva Johansson cho biết EU cam kết tái định cư gần 61.000 người tị nạn tại một số quốc gia thành viên trong 2 năm tới.

Phát biểu với báo giới bên lề Diễn đàn về Người tị nạn Toàn cầu của Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), bà Johansson cho biết: “Từ năm 2015, chúng tôi đã tái định cư và thông qua các chương trình tiếp nhận nhân đạo để bảo vệ 175.000 người ở EU và bây giờ tôi vui mừng thông báo rằng trong năm 2024-2025, tôi đã có cam kết của 14 nước thành viên sẽ giải quyết và tiếp nhận nhân đạo cho gần 61.000 người.”

Tuy nhiên, bà không nêu rõ đó là những nước nào.

Khoảng 31.000 người trong số này sẽ được tái định cư thông qua các chương trình do Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) điều hành. Con số này cao hơn so với những năm gần đây.

Các chương trình tái định cư của UNHCR tạo điều kiện cho những người đã chính thức xin quy chế bảo hộ tị nạn tại một quốc gia nào đó sẽ được chuyển đến một quốc gia khác đồng ý tiếp nhận họ, cấp cho họ sự bảo vệ quốc tế và cuối cùng cấp cho họ quy chế thường trú nhân.

Theo bà Johansson, trong 3 năm qua, các thành viên khối đã cấp quy chế bảo hộ tị nạn cho khoảng 1 triệu người, đồng nghĩa với việc EU đang tiếp nhận "20% số người tị nạn trên thế giới".

Triển vọng nhân đạo toàn cầu ảm đạm, Liên hợp quốc huy động 46 tỷ USD cứu trợ

Trẻ em Palestine tại một nơi trú ẩn tạm thời ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza, ngày 13/12/2023. (Ảnh: Xinhua) 

Ngày 11/12, Liên hợp quốc thông báo cần 46,4 tỷ USD trong năm 2024 để cung cấp những hỗ trợ "đảm bảo sự sống" cho khoảng 180 triệu người trong hoàn cảnh tuyệt vọng trên toàn thế giới.

Cụ thể, trong báo cáo "Triển vọng nhân đạo toàn cầu" năm 2024 mới công bố, Liên hợp quốc đánh giá các cuộc xung đột, những tình huống khẩn cấp về khí hậu và sự sụp đổ của không ít nền kinh tế đang đè nặng lên nhóm những người dễ bị tổn thương nhất.

Trong khi thế giới đang tập trung chú ý tới cuộc xung đột ở Dải Gaza, toàn bộ khu vực Trung Đông, Sudan và Afghanistan cũng là những điểm nóng cần các chiến dịch cứu trợ nhân đạo quy mô lớn.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc lại phải giảm quy mô đợt huy động quỹ hằng năm và số lượng người sẽ được cứu trợ trong năm 2024 so với năm nay, do hoạt động quyên góp giảm.

Năm 2023, các chương trình nhân đạo chỉ huy động được 35% trong tổng số 56,7 tỷ USD vốn kêu gọi, đánh dấu năm thiếu hụt quỹ nghiêm trọng nhất. Với số vốn này, Liên hợp quốc đã cứu trợ và bảo vệ cho 128 triệu người. Chỉ còn vài tuần nữa là hết năm 2023 và nhiều khả năng đây sẽ là năm đầu tiên số tiền từ thiện hằng năm cho các quỹ nhân đạo giảm kể từ năm 2010.

Do đó, Liên hợp quốc đã giảm số tiền kêu gọi huy động xuống còn 46,4 tỷ USD cho năm 2024 và sẽ tập trung cung cấp hỗ trợ cho những nhóm cần nhất.

COVID-19 bùng phát tại nhiều nước Đông Nam Á

 Bộ Y tế Malaysia khuyến cáo người dân đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19 (Ảnh: Bernama)

Dịp cuối năm, các ca mắc COVID-19 tại nhiều nước Đông Nam Á đồng loạt gia tăng khiến các nhà chức trách phải áp đặt các quy định phòng dịch khẩn cấp.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Malaysia tăng gần gấp đôi trong tuần qua, giới chuyên gia y tế nước này cho rằng đã đến lúc người dân phải đeo khẩu trang trở lại.

Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Muhammad Radzi Abu Hassan cho biết, mặc dù số ca mắc mới gia tăng nhưng tình hình chung vẫn trong tầm kiểm soát và không gây ra gánh nặng đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe hiện có. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh có triệu chứng nhẹ và không cần nhập viện. Tuy nhiên, mức tăng gần gấp đôi số ca nhiễm mới trong thời gian ngắn gây lo ngại.

Trong khi đó, giới chức Indonesia đã đặt các sân bay ở nước này trong tình trạng cảnh báo cao độ nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc căn bệnh này đang tăng cao tại Singapore.

Ngày 9/12, Văn phòng Y tế cảng (KKP) thuộc Sân bay Quốc tế Soekarno-Hatta ở ngoại ô thủ đô Jakarta cho biết đã tăng cường nhiều biện pháp giám sát các du khách trong và ngoài nước như một biện pháp phòng ngừa trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Tiến sĩ Manoon Leechawengwongs, chuyên gia hô hấp tại Bệnh viện Vichaiyut ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, dẫn số liệu của bệnh viện này cho biết có 545 số ca mắc COVID-19 được báo cáo trong tháng 11.

Nhận định số ca mắc COVID-19 đang gia tăng đều đặn và đã vượt qua bệnh cúm trong cùng một thời gian, Tiến sĩ Manoon cho biết ông đang theo dõi chặt chẽ tình hình COVID-19 trong tháng 12 để đưa ra được bức tranh rõ ràng hơn về việc liệu số ca mắc có tiếp tục gia tăng hay không. Ông cũng khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh nhiễm bệnh./.

Theo NDĐT
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới