Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cùng với đó là một loạt các vấn đề "nóng” về tình hình an ninh, chính trị, tuần qua ((27/9 – 3/10), thế giới cũng ghi nhận những nỗ lực đoàn kết, hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Tuyên bố chung kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu vì công bằng vaccine ngừa COVID-19
WHO đề ra là tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số châu Phi vào cuối năm nay. |
Ngày 1/10, khoảng 75 quốc gia trên thế giới đã kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu vì công bằng vaccine tại Phiên thảo luận chung của Ủy ban thứ 3 thuộc Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ).
Tuyên bố chung của các nước nêu rõ, đại dịch COVID-19 là không có biên giới, do đó giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng này nằm ở sự đoàn kết, thống nhất toàn cầu và hợp tác đa phương. Các đại biểu tham gia phiên thảo luận nhất trí kêu gọi tất cả các quốc gia và các bên liên quan tăng cường đoàn kết và hợp tác quốc tế để ngăn chặn, giảm thiểu những ảnh hưởng của đại dịch và khắc phục hậu quả của đại dịch, đảm bảo bảo vệ những người bị tổn thương nghiêm trọng nhất, trong đó bao gồm phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn tuổi và người khuyết tật, đồng thời tìm ra giải pháp chống lại các thông tin sai lệch, kỳ thị, phân biệt chủng tộc và bài ngoại.
Tuyên bố chung nhận định rằng cần thiết phải coi vaccine ngừa COVID-19 như một sản phẩm cộng đồng tốt cho sức khỏe của người dân toàn cầu, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của các quốc gia và những nền tảng có liên quan công tác phát triển và điều phối chế phẩm này, như cơ chế Tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT) và trụ cột điều phối vaccine của cơ chế này - sáng kiến COVAX - trong việc thúc đẩy khả năng tiếp cận vaccine và khả năng chi trả thông qua các kênh song phương và đa phương.
Tuy nhiên, thế giới vẫn chưa đạt được công bằng trong tiếp cận vaccine, đồng thời tiến độ triển khai vaccine cũng không đồng đều. Tuyên bố trên nêu rõ nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, vẫn thiếu khả năng tiếp cận đầy đủ với các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có và với mức giá phải chăng.
Tuyên bố chung kêu gọi tất cả các quốc gia và các bên liên quan tăng cường các nỗ lực phối hợp và đồng bộ để phân phối vaccine một cách công bằng và hợp lý ở các nước đang phát triển. Văn kiện này cũng kêu gọi các nước sản xuất vaccine có năng lực biến các cam kết của họ thành hành động và đảm bảo cung cấp kịp thời và đầy đủ vaccine cho các nước tiếp nhận.
Tuyên bố chung khuyến khích các nước hỗ trợ cơ chế Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) và COVAX, đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ việc mua sắm vaccine và tăng cường năng lực sản xuất ở các nước đang phát triển, để hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) "về việc ưu tiên tiêm vaccine cho những người có nguy cơ cao nhất trên thế giới, nhưng chưa được tiêm liều đầu tiên".
Tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ - Nga
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Ryabkov tại Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: AP) |
Ngày 30/9, Mỹ và Nga đã tổ chức đối thoại kín vòng hai tại Geneva (Thụy Sĩ). Đây là vòng đàm phán mới nhất giữa hai nước kể từ cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng 6 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Mỹ và Nga tuyên bố hai bên đã tiến hành các cuộc thảo luận “chuyên sâu và thực chất” trong khuôn khổ vòng đối thoại ổn định chiến lược lần thứ hai nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới này.
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, hai bên cho biết phái đoàn Mỹ và Nga đã thống nhất thành lập hai nhóm làm việc. Cụ thể, hai nhóm này sẽ tập trung vào các nguyên tắc và mục tiêu của việc kiểm soát vũ khí trong tương lai, cũng như các khả năng và hành động có hiệu quả chiến lược. Tuyên bố nêu rõ: "Các phái đoàn nhất trí rằng, hai nhóm làm việc sẽ khởi động các cuộc họp trước thềm vòng đối thoại lần ba". Tuy nhiên, hiện thời gian tổ chức vòng đối thoại này chưa được công bố.
Phát biểu trước các phóng viên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov nhấn mạnh, vòng đối thoại ổn định chiến lược lần này đã cho thấy sự sẵn sàng của Moscow và Washington trong việc thúc đẩy tiến trình này đi xa hơn, bất chấp những khác biệt giữa hai nước về một số vấn đề. Ông Ryabkov lưu ý, đây là minh chứng cho cách tiếp cận có trách nhiệm của Nga và Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Interfax, Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan nhận định, cả hai bên đều đang tìm kiếm một mối quan hệ ổn định, có thể đoán trước được. Đây là mục tiêu mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề ra và cũng là điều mà Đại sứ quán Mỹ tại Nga đang hướng tới.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ luôn trong thế trừng phạt và đáp trả lẫn nhau do bất đồng xung quanh các vấn đề Ukraine, an ninh mạng và cáo buộc lẫn nhau can thiệp công việc chính trị nội bộ. Dù vậy, hai nước vẫn bày tỏ thiện chí hợp tác với nhau để ứng phó với các thách thức chung trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường.
Tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 vùa qua tại Geneva, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí khởi động đối thoại ổn định chiến lược là vô cùng quan trọng, bất chấp sự chia rẽ trên nhiều phương diện.
Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản có tân Chủ tịch
Ông Fumio Kishida đã chính thức trở thành tân Chủ tịch LDP cầm quyền, qua đó rộng đường trở thành Thủ tướng tiếp theo ở đất nước Mặt trời mọc (Ảnh: Reuters) |
Đúng 13 giờ, giờ địa phương (tức 11 giờ, giờ Hà Nội) ngày 29/9, các nghị sĩ của Đảng Dân chủ tự do (LDP) đã nhóm họp ở Tokyo để bỏ phiếu bầu chủ tịch mới, người sẽ thay Thủ tướng Suga Yoshihide. Sau hai vòng bỏ phiếu, ứng cử viên Fumio Kishida đã chính thức trở thành tân Chủ tịch LDP cầm quyền, qua đó rộng đường trở thành Thủ tướng tiếp theo ở đất nước Mặt trời mọc.
Tham gia chạy đua vào chiếc ghế Chủ tịch LDP năm nay có 4 ứng cử viên, gồm: Bộ trưởng Cải cách hành chính Taro Kono, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida, cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Sanae Takaichi và quyền Tổng thư ký Điều hành LDP Seiko Noda. Khác với cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch LDP năm ngoái, vốn chỉ có các nghị sĩ LDP và 47 đại diện đảng bộ cấp tỉnh được phép bỏ phiếu, cuộc bỏ phiếu năm nay có sự tham gia của cả các đảng viên cơ sở. Bất cứ ai muốn giành chiến thắng đều phải giành được ít nhất 383 trong số 764 phiếu, trong đó có 382 lá phiếu của các nghị sĩ LDP và 382 phiếu của các đảng viên cơ sở.
Ông Fumio Kishida, 64 tuổi, từng được xem là người kế nhiệm cựu Thủ tướng Abe Shinzo - người từ chức hồi tháng 9/2020, nhưng trong cuộc bầu cử vào tháng 9/2020, ông Kishida thất bại trước ông Suga Yoshihide. Ông Kishida là người ủng hộ sửa đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình. Trong chiến lược tranh cử vị trí lãnh đạo Đảng LDP, ông Kishida đã đưa ra 3 cam kết và 3 chính sách cần phải thực hiện. 3 cam kết là: Lắng nghe đầy đủ tiếng nói của nhân dân; Hình thành xã hội tôn trọng tính cá biệt và đa dạng; Hướng tới xã hội chia sẻ. 3 chính sách gồm: Dồn sức thực hiện chính sách ngăn ngừa đại dịch COVID-19; Xây dựng chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản; Chính sách bảo đảm an ninh ngoại giao. Theo đó, “chủ nghĩa tư bản mới” dựa trên chu kỳ tăng trưởng và phân phối của cải có lợi. Ông cũng sẽ đề xuất thành lập một cơ quan xử lý khủng hoảng y tế để giám sát việc ứng phó với đại dịch. Ông Kishida khẳng định, việc mình ra tranh cử để chứng minh Đảng LDP "lắng nghe người dân, đưa ra nhiều lựa chọn và bảo vệ nền dân chủ của Nhật Bản”.
Dự kiến, Quốc hội Nhật Bản sẽ tổ chức phiên họp bất thường vào ngày 4/10 để bỏ phiếu bầu tân Chủ tịch LDP làm Thủ tướng thay thế ông Suga Yoshihide. Tân Chủ tịch LDP, người sẽ giữ chức vụ này cho đến cuối tháng 9/2024 gần như chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản bởi liên minh cầm quyền đang chiếm đa số tại Hạ viện.
Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa
Báo chí Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào sáng 28/9 (Ảnh cắt từ bản tin Yonhap) |
Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa trong tháng 9 vừa qua, cả tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, trong bối cảnh quan hệ liên Triều hiện vẫn đang bế tắc kể từ khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu năm 2019 không đạt được thỏa thuận.
Quan hệ căng thẳng hơn khi Triều Tiên đóng cửa văn phòng liên lạc ở Kaesong và cắt toàn bộ đường dây liên lạc xuyên biên giới nhằm phản đối tình trạng thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng. Bình Nhưỡng cũng phản đối cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy liên tục nối lại các vụ thử tên lửa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bày tỏ sẵn sàng khôi phục đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc nhằm thúc đẩy hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Mặc dù ông Kim Jong-un bày tỏ ý định mở lại đường dây nóng liên Triều, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã từ chối lời đề nghị đối thoại của Mỹ. Ông cũng nhắc lại yêu cầu của Triều Tiên rằng Hàn Quốc nên từ bỏ “thái độ đối phó hai mặt” liên quan đến các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng nếu như Seoul muốn tiếp tục đàm phán và đạt được các bước hợp tác quan trọng.
Về phía Mỹ, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 1/10 đã nhắc lại cam kết của Mỹ về việc tham gia tiến trình đối thoại với Triều Tiên, nhấn mạnh rằng Washington sẵn sàng thảo luận “mọi vấn đề” với Bình Nhưỡng.
Cũng liên quan đến tình hình Triều Tiên, phiên họp khẩn chiều 1/10 (tức rạng sáng 2/10 theo giờ Việt Nam, được tổ chức theo hình thức họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã không thể đưa ra tuyên bố chung sau khi cuộc họp kết thúc. Phiên họp được tiến hành theo yêu cầu của Mỹ, Pháp và Anh. Pháp muốn HĐBA LHQ đưa ra thông cáo chung, song vấp phải sự phản đối từ Nga và Trung Quốc - 2 quốc gia giữ ghế ủy viên thường trực khác tại HĐBA LHQ - bởi cả Moskva và Bắc Kinh đều cho rằng cần có thêm thời gian để phân tích tình hình.
Các quốc gia cam kết nhằm ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu
Đặc phái viên phụ trách vấn đề khí hậu của Mỹ, John Kerry tham dự hội nghị Thanh niên vì Khí hậu diễn ra tại Milan. (Ảnh: Sky News) |
Các nền kinh tế lớn trên thế giới cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa tại hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) diễn ra vào tháng sau để cho thấy họ thực sự nghiêm túc muốn giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu. Đây là lời kêu gọi của Đặc phái viên phụ trách vấn đề khí hậu của Mỹ, John Kerry, tại cuộc họp trù bị cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26).
COP26 dự kiến diễn ra tại Glasgow, Anh, vào tháng sau, nhằm tìm kiếm những cam kết tham vọng hơn từ các quốc gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 để kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái Đất ở mức dưới 2 độ C và có thể ở mức 1,5 độ C được cho là lý tưởng, so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tại cuộc họp trù bị diễn ra tại Milan, Italy, ngày 2/10, ông Kerry cho biết hiện nhiều quốc gia đã cam kết sẽ hành động để giới hạn nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C, và nhiều nước khác cũng có ý định tương tự. Quan chức Mỹ cũng bày tỏ hy vọng các quốc gia giàu có hơn sẽ thực hiện cam kết cách đây 1 thập kỷ về việc tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước dễ bị tổn thương thích ứng và chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch tài chính sau năm 2025 sẽ không chỉ là còn số hàng tỷ mà có thể lên đến hàng nghìn tỷ. Theo ông Kerry, lĩnh vực tư nhân cũng sẽ được huy động nhưng chương trình cụ thể sẽ được thông báo cùng với Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Ủng hộ quan điểm của ông Kerry, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề khí hậu Frans Timmermans cũng kêu gọi các nước cần hành động nhanh chóng và quyết liệt. Phát biểu với báo giới, ông Timmermans nhấn mạnh: "Chúng ta đang chiến đấu vì sự sống còn của nhân loại".
Trước đó, tại Hội nghị Thanh niên vì khí hậu cũng diễn ra tại Milan, các thanh niên là các nhà hoạt động khí hậu đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách biến lời nói thành hành động và thực hiện cam kết tài trợ hàng tỷ USD để giúp thế giới từ bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Họ cũng yêu cầu hệ thống tài chính về khí hậu hoạt động minh bạch và tăng tiền tài trợ nhằm giúp đỡ những người chịu tác động nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!