Thế giới tuần qua: Những gam màu sáng tối

Tuần qua (25 – 31/7), cộng đồng quốc tế tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, đậu mùa khỉ… kèm với bất ổn kinh tế khiến giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu; bên cạnh đó là những tin tức tích cực khi Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lịch sử về quyền tiếp cận với môi trường trong sạch hay các nước EU đạt thỏa thuận cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ, lãnh đạo Mỹ – Trung trao đổi về quan hệ song phương...

Dịch bệnh COVID-19, đậu mùa khỉ tiếp tục diễn biến phức tạp

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nguy hiểm. (Ảnh: UN) 

Trong tuần qua, trên toàn thế giới, số ca mắc COVID-19 đã giảm 9%, số ca tử vong giảm 5% so với tuần trước đó.

Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất trong tuần qua (1,33 triệu ca mắc). Tiếp đó là Đức với trên 821.000 ca mắc. Đứng thứ ba là Hàn Quốc với trên 542.800 ca mắc trong tuần qua. Trong khi đó, Mỹ là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới trong tuần qua (2.273 ca). Tiếp đó là Brazil với 1.549 ca; Italy với 1.200 ca.

Tại Thái Lan (Bangkok) đang chuẩn bị ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 6 của đại dịch COVID-19 khi các ca mắc mới ở thành phố này tăng trở lại với hơn 10.000 ca mới mỗi ngày, đe dọa hệ thống y tế công cộng.

Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) cho biết đã sẵn sàng đối phó với làn sóng lây nhiễm trên với số bệnh nhân có thể lên tới hàng chục nghìn người vào thời điểm làn sóng lây nhiễm này đạt đỉnh vào cuối tháng 8 tới.

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với 93 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,05 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43,9 triệu ca mắc và trên 526.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 33,7 triệu ca mắc và trên 678.000 ca tử vong.

Trong khi đó, bệnh đậu mùa khỉ cũng tiếp tục diễn biến đáng lo ngại. Ngày 30/7, Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ sẽ gia tăng sau khi ghi nhận những ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Phi, nhưng cho rằng những biến chứng nguy hiểm vẫn rất hiếm.

Bà Catherine Smallwood, một quan chức cấp cao của WHO khu vực châu Âu, nhận định khi mà bệnh đậu mùa khỉ ngày càng lây lan ở châu Âu thì số ca tử vong vì bệnh này sẽ gia tăng. Theo bà Smallwood, mục tiêu hiện nay là cần ngăn chặn đà lây lan nhanh chóng ở châu Âu và chấm dứt đợt bùng phát hiện nay. Bà Smallwood nhấn mạnh báo cáo về những ca tử vong đầu tiên vì bệnh đậu mùa khỉ ở bên ngoài châu Phi sẽ không làm thay đổi đánh giá của WHO khu vực châu Âu về đợt bùng phát hiện nay ở châu lục này.

Theo WHO, kể từ đầu tháng 5 đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 18.000 ca bệnh đậu mùa khỉ ở bên ngoài châu Phi, trong đó phần lớn là ở châu Âu. Ngày 29/7, Tây Ban Nha và Brazil là những quốc gia đầu tiên bên ngoài châu Phi ghi nhận những ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ.

Ngày 30/7, Tây Ban Nha tiếp tục ghi nhận ca tử vong thứ 2 vì bệnh này. Nhà chức trách Tây Ban Nha không nêu nguyên nhân cụ thể của các ca tử vong này trong khi chờ kết quả khám nghiệm tử thi, nhưng giới chức Brazil cho biết ca tử vong ở nước này có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Trong khi đó, tại Mỹ, Thống đốc bang New York của Mỹ - bà Kathy Hochul - đã ban bố tình trạng khẩn cấp bang về dịch bệnh do sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ. Viết trên mạng xã hội Twitter, bà Hochul nêu rõ: “Tôi ban bố tình trạng khẩn cấp bang về dịch bệnh nhằm tăng cường các nỗ lực nhằm đối phó với sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Sắc lệnh này sẽ cho phép chúng ta phản ứng nhanh hơn, cho phép các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thêm những biện pháp bổ sung để giúp thêm nhiều người New York được tiêm vaccine”. Thống đốc bang New York nhấn mạnh tỷ lệ hơn 1/4 số ca bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ được ghi nhận ở bang này.

Trước đó, ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp quốc tế về y tế công cộng.

Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lịch sử về quyền tiếp cận với môi trường trong sạch, lành mạnh

 Đầm phá sông băng Jökulsárlón ở Iceland được hình thành tự nhiên từ nước băng tan chảy và không ngừng lớn lên khi các khối băng lớn vỡ vụn. (Ảnh: UN)

Ngày 28/7, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết lịch sử tuyên bố rằng việc tiếp cận với một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững là quyền chung của con người.

Nghị quyết, dựa trên một văn bản tương tự được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua hồi năm ngoái, kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp đẩy mạnh nỗ lực để bảo đảm một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người.

Nghị quyết lưu ý rằng quyền có một môi trường lành mạnh gắn liền với luật pháp quốc tế hiện hành và khẳng định rằng việc thúc đẩy quyền yêu cầu thực hiện đầy đủ các hiệp định đa phương về môi trường. Văn bản này cũng thừa nhận rằng tác động của biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững, ô nhiễm không khí, đất và nước, quản lý kém chất thải và hóa chất, dẫn đến mất đa dạng sinh học, cản trở việc thụ hưởng quyền này - và thiệt hại môi trường đã tác động tiêu cực trực tiếp và gián tiếp đến việc thụ hưởng tất cả các quyền con người một cách hiệu quả.

Trong số 169 quốc gia thành viên có mặt và tham gia cuộc họp, 161 quốc gia bỏ phiếu tán thành và 8 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres hoan nghênh quyết định "lịch sử" này. Theo ông, sự phát triển mang tính bước ngoặt này chứng tỏ rằng các quốc gia thành viên có thể đoàn kết trong cuộc chiến tập thể chống lại cuộc khủng hoảng toàn cầu lần thứ ba là biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm. “Nghị quyết sẽ góp phần giảm thiểu những bất công về môi trường, thu hẹp khoảng cách bảo vệ và trao quyền cho mọi người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương, bao gồm những người bảo vệ nhân quyền trong môi trường, trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người dân bản địa” – ông António Guterres nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Guterres cũng nói thêm rằng quyết định này sẽ giúp các quốc gia đẩy nhanh việc thực hiện các nghĩa vụ và cam kết về môi trường và nhân quyền của họ. Ông nói: “Cộng đồng quốc tế đã công nhận rộng rãi quyền này và đưa chúng ta đến gần hơn với việc hiện thực hóa nó cho tất cả mọi người”.

Tuy nhiên, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng việc thông qua nghị quyết "chỉ là một bước khởi đầu" và kêu gọi các quốc gia biến quyền mới được công nhận này "thành hiện thực cho mọi người, ở mọi nơi".

Quyền mới được công nhận sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc đối đầu với cuộc khủng hoảng của hành tinh. Đây là 3 mối đe dọa môi trường lớn có liên quan đến nhau mà nhân loại đang phải đối mặt: biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học, tất cả đều được đề cập trong nội dung nghị quyết.

Lãnh đạo Mỹ – Trung Quốc trao đổi về quan hệ song phương

 Tổng thống Joe Biden (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình trong một cuộc họp trực tuyến. (Ảnh: New York Times)

Tối 28/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Thông cáo báo chí do Trung Quốc công bố sau cuộc điện đàm cho biết, nguyên thủ hai nước đã có cuộc trao đổi và giao tiếp thẳng thắn về quan hệ Trung – Mỹ và các vấn đề cùng quan tâm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ ra rằng trong thế giới ngày nay, các xu hướng hỗn loạn và biến đổi đang tiến triển và những sự thiếu hụt về phát triển và an ninh ngày càng lớn. Đối mặt với một thế giới đầy biến động, với tư cách là hai nước lớn, Trung Quốc và Mỹ được kỳ vọng đi đầu trong việc duy trì hòa bình và an ninh thế giới cũng như thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh hai nước cần duy trì liên lạc ở tất cả các cấp và tận dụng tốt các kênh thông tin hiện có để thúc đẩy hợp tác song phương. Trung Quốc và Mỹ cần đảm bảo duy trì tiếp xúc về các vấn đề quan trọng như phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô, giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cũng như bảo vệ năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng hai bên cần phối hợp nhằm góp phần hạ nhiệt các điểm nóng trong khu vực, sớm chấm dứt đại dịch COVID-19 trên thế giới, giảm nguy cơ lạm phát đình đốn và suy thoái, đồng thời bảo vệ hệ thống quốc tế với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm. Ông tái khẳng định lập trường nguyên tắc của Trung Quốc đối với Đài Loan, kêu gọi Mỹ tôn trọng nguyên tắc một Trung Quốc và thực hiện ba thông cáo chung Trung – Mỹ.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ thế giới đang ở một thời điểm quan trọng, khẳng định hợp tác Mỹ – Trung không chỉ mang lại lợi ích cho người dân hai nước mà còn mang lại lợi ích cho người dân tất cả các nước. Mỹ hy vọng sẽ duy trì một đường dây liên lạc cởi mở với Trung Quốc để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tránh hiểu lầm cũng như các tính toán sai lầm.

Nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ giới chức Washington sẽ làm việc với Bắc Kinh về những điểm phù hợp lợi ích của hai nước và quản lý những khác biệt một cách hợp lý. Liên quan vấn đề Đài Loan, thông báo của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden nêu rõ chính sách của Mỹ là không thay đổi.

Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề, trong đó có cuộc khủng hoảng Ukraine. Cả hai nhà lãnh đạo đều đánh giá cuộc điện đàm diễn ra thẳng thắn và sâu rộng; nhất trí duy trì giao thiệp và chỉ đạo quan chức hai nước duy trì thông tin liên lạc và hợp tác.

Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ do có thông tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có kế hoạch thăm Đài Loan, khiến ông Tập Cận Bình đã phải tái khẳng định nguyên tắc “một nước Trung Quốc” là nền tảng chính trị của quan hệ Trung – Mỹ.

Cuộc điện đàm cũng là một phần các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm duy trì và làm sâu rộng các kênh liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc đồng thời quản lý có trách nhiệm các bất đồng và phối hợp nơi hai nước có chung lợi ích. Cuộc điện đàm được thực hiện sau cuộc nói chuyện giữa lãnh đạo hai nước ngày 18/3 và một loạt các cuộc làm việc giữa các quan chức cấp cao hai nước.

Các nước EU đạt thỏa thuận cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ

Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters) 

Ngày 26/7, các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.

Theo thông cáo báo chí từ Hội đồng châu Âu, "các quốc gia thành viên đã đồng ý giảm nhu cầu khí đốt của họ xuống 15% so với mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm qua, trong khoảng thời gian từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/3/2023, với các biện pháp do họ lựa chọn". “Các biện pháp khả thi bao gồm giảm tiêu thụ khí đốt trong ngành điện, các biện pháp khuyến khích chuyển đổi nhiên liệu trong công nghiệp, các chiến dịch nâng cao nhận thức quốc gia, các nghĩa vụ giảm nhiệt có mục tiêu và làm mát và các biện pháp dựa trên thị trường như đấu giá giữa các công ty" – thông cáo báo chí cho biết thêm.

Tuy nhiên, có một số trường hợp miễn trừ đối với mục tiêu 15%, đặc biệt là có lợi cho các quốc đảo như Malta, Cyprus và Ireland, được miễn vì các quốc gia này không được kết nối với mạng lưới khí đốt của EU.

Những nước có khả năng nhất định trong việc xuất khẩu khí đốt sang các nước EU khác có thể yêu cầu một mục tiêu thấp hơn, miễn sao họ xuất khẩu số khí đốt mà họ chia sẻ được. Nhóm này có thể bao gồm Tây Ban Nha - nước không dựa vào nguồn khí đốt Nga và ban đầu phản đối kế hoạch của EU. “Mọi người đều hiểu rằng khi ai đó đề nghị bạn giúp đỡ, bạn nên giúp họ” – Bộ trưởng Bộ Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera cho biết.

Những nước đã đạt mức dự trữ khí đốt cao hơn mục tiêu mà EU đề ra cho thời hạn tháng 8 cũng có thể hạ mức cắt giảm tiêu thụ khí đốt. Mức cắt giảm vì thế sẽ không quá khắc nghiệt đối với khoảng hơn một chục nước hiện đã có dự trữ tương đối đầy, như Đức và Italy.

Các quốc gia EU cũng có thể miễn cắt giảm đối với nhu cầu khí đốt của những ngành công nghiệp chủ chốt, như sản xuất thép - một ngành sử dụng nhiều năng lượng. Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi sinh thái của Italy, ông Roberto Cingolani, nói rằng mục tiêu bắt buộc của Italy nên là 7% thay vì 15%, nếu tính đến việc cắt giảm nhu cầu khí đốt mà nước này đã thực hiện trong những năm trước.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Cảng container ở Hamburg, Đức (Ảnh: Reuters/TTXVN) 

Ngày 26/7, trong báo cáo cập nhật mang tên "Triển vọng kinh tế thế giới", Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng 4. IMF cho biết GDP toàn cầu thực sự giảm trong quý II do suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và Nga. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt.

Theo dự báo của IMF, Mỹ sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 2,3% năm 2022 và 1% năm 2023. Kể từ tháng 4, IMF đã 2 lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ do nhu cầu giảm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.

IMF cũng giảm mạnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc xuống 3,3% từ mức 4,4% đưa ra hồi tháng 4, do dịch COVID-19 bùng phát dẫn tới nhiều thành phố lớn ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này áp đặt phong tỏa, khiến hoạt động sản xuất và làm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thế giới trở nên trầm trọng hơn.

Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), IMF đã giảm dự báo tăng trưởng từ 2,8% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,6%, do lạm phát tăng bắt nguồn từ cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, nền kinh tế Nga dự báo sẽ giảm khoảng 6% năm 2022 do các biện pháp trừng phạt tài chính và năng lượng của phương Tây đối với nước này và giảm thêm 3,5% vào năm 2023.

Theo dự báo của IMF, tỉ lệ lạm phát trong năm 2022 ở các nền kinh tế phát triển sẽ lên tới 6,6%, tăng so với mức dự đoán 5,7% đưa ra hồi tháng 4.

IMF nhận định tỉ lệ lạm phát ở các nền kinh tế phát triển sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài hơn so với dự đoán trước đây.

Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển hiện được dự báo lên tới 9,5% năm 2022, tăng so với dự báo 8,7% đưa ra hồi tháng 4./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới