Thế giới tuần qua: Khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc

Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ trong bối cảnh các cuộc biểu tình, tụ họp đang lan rộng trên cả nước nhằm kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức sau quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật là sự kiện quốc tế nổi bật, thu hút sự quan tâm của thế giới tuần qua (2-8/12).

Giọng nữ

Hàn Quốc: Biểu tình phản đối thiết quân luật lan rộng

Các cuộc biểu tình, tụ họp đang lan rộng trên toàn Hàn Quốc trong ngày thứ hai liên tiếp kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol từ chức. (Nguồn: AP)

Các cuộc biểu tình, tụ họp đang lan rộng trên toàn Hàn Quốc trong ngày thứ hai liên tiếp kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol từ chức sau quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật đêm 3/12 và dỡ bỏ vào rạng sáng 4/12.

Các thành viên của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc (KCTU), một trong những công đoàn lao động lớn nhất cả nước, và các nhóm công dân khác đã tổ chức các cuộc biểu tình tại Gyeryong và các khu vực khác của tỉnh Nam Chungcheong trong ngày 5/12 để yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức. Bắt đầu từ chiều 5/12, các cuộc tụ tập đã diễn ra tại các thành phố trung tâm thành phố Cheonan và Daejeon và trước Tòa thị chính Seosan.

Tại trung tâm thành phố Chungju, 8 thành viên hội đồng địa phương có liên hệ với đảng Dân chủ đối lập chính (DP) đã tổ chức một cuộc họp báo yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol lập tức từ chức vì cho rằng tuyên bố thiết quân luật của ông "phá hoại hoàn toàn tinh thần của Hiến pháp".

Trong khi đó, tại thành phố Gwangju, cách Seoul khoảng 270km về phía Nam, hơn 800 người đã tham gia biểu tình, vẫy các biểu ngữ phản đối thiết quân luật. Trên đảo Jeju phía Nam, các nhóm thanh niên và sinh viên đã tổ chức một cuộc tụ họp trước tòa thị chính phản đối thiết quân luật, kêu gọi bảo vệ nền dân chủ. Những người biểu tình cho rằng việc áp đặt thiết quân luật gây khó khăn cho người dân và là hành động làm suy yếu nền dân chủ.

Trước đó, một loạt các cuộc biểu tình cũng đã được tổ chức trước các văn phòng cấp tỉnh của đảng PP cầm quyền, chỉ trích quyết định của đảng này phản đối động thái luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol. Cùng với đó, hàng loạt các cuộc biểu tình thắp nến đã diễn ra ở hơn 30 địa điểm trên toàn quốc. Cùng ngày 5/12, Tổng liên đoàn lao động Dân chủ tuyên bố sẽ tiếp tục đình công vô thời hạn cho đến khi chính quyền đương nhiệm từ chức và dự luật luận tội Tổng thống được thông qua.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt đổ máu ở Syria

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo ở New York, Mỹ.
(Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 5/12 cho rằng hiện có nhu cầu cấp thiết về việc tiếp cận nhân đạo ngay lập tức với toàn bộ dân thường đang cần hỗ trợ ở Syria và quay trở lại tiến trình chính trị do LHQ bảo trợ để chấm dứt tình trạng đổ máu ở quốc gia Trung Đông này.

Phát biểu trước báo giới, ông Guterres cũng hối thúc “tất cả những người có ảnh hưởng thực hiện phần việc của mình vì những người dân (Syria) đang phải chịu đựng khổ đau dai dẳng”, đồng thời tuyên bố tất cả các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ dân thường.

Theo Tổng Thư ký LHQ, tình trạng leo thang xung đột ở Syria là hậu quả của “thất bại tập thể kinh niên” trong lĩnh vực ngoại giao. Ông chia sẻ: “Sau 14 năm xung đột, đã đến lúc tất cả các bên phải nghiêm túc hợp tác với ông Geir Pedersen, Đặc phái viên của tôi về Syria, để đưa ra cách tiếp cận mới, bao trùm và toàn diện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an”. Nghị quyết 2254 được Hội đồng Bảo an LHQ thông qua hồi năm 2015 nhằm thiết lập lộ trình cho quá trình chuyển tiếp chính trị ở Syria. 

Trước đó trong ngày 5/12, trước sức tiến công dữ dội của lực lượng nổi dậy tại Hama, quân đội Syria đã buộc phải tái bố trí lực lượng ở bên ngoài thành phố chiến lược này.

Về phần mình, phát biểu sau khi chiếm quyền kiểm soát thành phố Hama, thủ lĩnh phe nổi dậy Abu Mohammed al-Jolani tuyên bố lực lượng của ông sẽ “không trả thù”.

Hama có vị trí chiến lược quan trọng đối với quân đội Syria, đóng vai trò vùng đệm bảo vệ thủ đô Damascus. Những cuộc đụng độ diễn ra sau khi quân nổi dậy do các nhóm Hồi giáo dẫn đầu tiến hành chiến dịch tấn công chớp nhoáng, chỉ trong vài ngày đã chiếm được nhiều vùng lãnh thổ quan trọng, trong đó có thành phố lớn thứ hai ở Syria là Aleppo, từ chính quyền của Tổng thống al-Assad.

Thủ tướng Pháp Michel Barnier đệ đơn từ chức lên Tổng thống

Thủ tướng Pháp Michel Barnier trong phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ở Paris, ngày 4/12/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) 

Ngày 5/12, Thủ tướng Pháp Michel Barnier đã đến Điện Elysee, đệ đơn từ chức của ông và Nội các lên Tổng thống Emmanuel Macron, sau khi không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.

Một ngày trước đó, các nghị sĩ Pháp đã bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc Thủ tướng Barnier phải từ chức và chính phủ của ông sụp đổ. Tổng cộng có 331 nghị sĩ, chủ yếu từ liên minh các đảng cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) và đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN), đã bỏ phiếu ủng hộ, vượt mức 289 phiếu cần thiết để cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có hiệu lực.

Theo Hiến pháp Pháp, ông Barnier phải đệ đơn từ chức lên Tổng thống và việc từ chức sẽ tự động được chấp nhận. Theo đó, ông Barnier là Thủ tướng Pháp đầu tiên bị buộc phải từ chức bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962.

Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ bổ nhiệm Thủ tướng mới “trong những ngày tới” sau khi ông Michel Barnier từ chức. Trong bài phát biểu trước quốc dân, Tổng thống Macron đã kiên quyết bác bỏ lời kêu gọi từ chức từ phe đối lập, khẳng định ông sẽ vẫn “hoàn toàn” nắm giữ cương vị nguyên thủ quốc gia Pháp cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2027.

Bên cạnh đó, Tổng thống Macron cho biết, ông sẽ chịu trách nhiệm thành lập “chính phủ phục vụ lợi ích chung” với ưu tiên thông qua ngân sách. Ngoài ra, người đứng đầu Điện Élysée cũng thừa nhận trách nhiệm đối với quyết định kêu gọi bầu cử quốc hội sớm của ông vào mùa Hè năm nay, với kết quả là không đảng nào giành được thế đa số tại cơ quan lập pháp của nước Pháp. 

Theo Điện Elysee, trong thời gian chờ thành lập chính phủ mới, Tổng thống Macron đã yêu cầu ông Barnier lãnh đạo chính phủ lâm thời để xử lý các vấn đề hiện tại.

Hiệp ước Đối tác Chiến lược toàn diện Triều Tiên - Nga chính thức có hiệu lực

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký Hiệp định Quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, ngày 19/6/2024. (Ảnh tư liệu: Sputnik)

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KNCA) đưa tin ngày 4/12, tại thủ đô Moskva của Nga đã diễn ra lễ trao đổi văn kiện phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Triều Tiên và Nga, được lãnh đạo hai nước ký tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên) hồi tháng 6 năm nay. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Jong Gyu và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Yurievich Rudenko đã ký nghị định thư trao đổi văn kiện phê chuẩn.

Theo Điều 22 của hiệp ước này, văn bản trên có hiệu lực từ ngày 4/12, thời điểm trao đổi văn kiện phê chuẩn. Hiệp ước hữu nghị, láng giềng tốt đẹp và hợp tác giữa Triều Tiên và Nga được ký ngày 9/2/2000 đã hết hiệu lực.

Theo KCNA, hiệp ước mới là khuôn khổ pháp lý để hiện thực hóa kế hoạch nâng cấp quan hệ song phương lên tầm chiến lược mới và xây dựng quốc gia hùng mạnh, trong khi kiên quyết bảo vệ môi trường an ninh khu vực và toàn cầu phù hợp với lợi ích chung.

KCNA khẳng định, quan hệ Triều Tiên - Nga vững mạnh dựa trên hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, sẽ là công cụ an ninh mạnh mẽ thúc đẩy phúc lợi của nhân dân hai nước, giảm căng thẳng khu vực và bảo đảm sự ổn định chiến lược quốc tế, đồng thời sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy thiết lập trật tự thế giới đa cực độc lập và công bằng.

OPEC+ nhất trí lùi kế hoạch tăng sản lượng dầu thô

 OPEC+ nhất trí sẽ duy trì sản lượng dầu thô ở mức hiện tại trong quý I/2025. (Ảnh: Reuters)

Ngày 5/12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, hay còn gọi là OPEC+, đã nhất trí sẽ duy trì sản lượng dầu thô ở mức hiện tại trong quý I/2025.

Trong thông báo được công bố trên trang web của OPEC, 8 quốc gia OPEC+ cho biết sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng 11/2023 cho đến cuối tháng 3/2025. Các nước này gồm Ả rập Xê út, Nga, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman.

Thông báo cũng cho biết phần cắt giảm sản lượng tự nguyện này sẽ được dần loại bỏ hằng tháng cho đến cuối tháng 9/2026 để hỗ trợ sự ổn định của thị trường. Tuy nhiên, thông báo lưu ý mức tăng hằng tháng có thể bị tạm dừng hoặc đảo ngược tùy theo điều kiện thị trường.

Bên cạnh đó, 8 quốc gia OPEC+ cũng sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1,65 triệu thùng/ngày, vốn được công bố lần đầu tiên vào tháng 4/2023, đến cuối năm 2026.

OPEC+ đã tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng theo hình thức trực tuyến vào ngày 5/12./.

Theo ĐCSĐT
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Sẵn sàng cho Lễ công bố thành lập thị xã Mộc Châu

    Sẵn sàng cho Lễ công bố thành lập thị xã Mộc Châu

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 15/1, tại huyện Mộc Châu, đồng chí Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 501 đã kiểm tra công tác chuẩn bị các nội dung tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Mộc Châu và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Mộc Châu.
  • 'Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau

    Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau

    Xã hội -
    Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, huyện Mộc Châu chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xóa đói, giảm nghèo. Cả hệ thống chính trị vào cuộc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát các hộ nghèo, tìm nguyên nhân và đề ra các giải pháp giúp đỡ các hộ thoát nghèo.
  • 'Đảm bảo cấp nước sinh hoạt phục vụ dân cư đô thị

    Đảm bảo cấp nước sinh hoạt phục vụ dân cư đô thị

    Xã hội -
    Với vai trò đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho dân cư vùng đô thị tại thành phố Sơn La và trung tâm các huyện, Công ty cổ phần Cấp nước Sơn La đã chú trọng đầu tư đổi công nghệ xử lý nước hiện đại; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý chất lượng nước và kiểm soát hệ thống cấp nước sinh hoạt, phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng.
  • 'Phản ánh hiện thực cuộc sống sinh động

    Phản ánh hiện thực cuộc sống sinh động

    Văn hóa - Xã hội -
    Sơn La, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và làm phong phú thêm đời sống sống tinh thần của nhân dân.
  • 'Mái ấm của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

    Mái ấm của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

    Xã hội -
    Được sống trong môi trường thuận lợi để học tập, vui chơi, được đùm bọc và yêu thương, các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được hòa nhập trong ngôi nhà chung ấm áp, tiếp thêm nghị lực để các em vươn lên trong một tương lai tươi sáng và trở thành người có ích cho xã hội.
  • 'Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả

    Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả

    An ninh trật tự -
    Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các hoạt động kinh tế, văn hóa diễn ra sôi nổi, bên cạnh đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự và hành vi vi phạm pháp luật, như: Trộm cắp, đánh bạc, buôn lậu hàng hóa không rõ nguồn gốc và pháo nổ... Thực hiện đợt cao điểm bảo đảm an ninh trật tự, Công an huyện Phù Yên đã ra quân trấn áp các loại tội phạm.
  • 'Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ

    Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ

    Gương sáng bản làng -
    Khai thác tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, HTX sản xuất và chế biến măng sạch Tân Xuân ở bản Bướt, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ đã tập hợp hội viên phụ nữ, sản xuất cây măng thành nhiều sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho phụ nữ.