Thế giới tuần qua: EU bất đồng về giá trần khí đốt

Sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19, Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43) lần đầu tiên được diễn ra theo hình thức trực tiếp đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên tuần qua, thế giới cũng phải đối mặt với nhiều diễn biến đáng lo ngại trong bối cảnh thảm họa động đất tại Indonesia khiến hàng trăm người thiệt mạng; Bùng phát dịch cúm gia cầm nghiêm trọng nhất tại Mỹ và châu Âu hay EU vẫn chưa thể thống nhất về giá trần khí đốt...

Đại hội đồng AIPA-43 diễn ra thành công tốt đẹp

Các Trưởng đoàn và đại biểu dự khai mạc Đại hội đồng AIPA-43. (Ảnh: Doãn Tấn) 

Ngày 25/11, Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43) với chủ đề “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững” đã chính thức bế mạc tại thủ đô Phnom Penh (Campuchia).

Đây là Đại hội đồng đầu tiên của AIPA được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19. Chủ đề của Đại hội đồng lần này phù hợp với Chủ đề chung của ASEAN năm nay là “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức”, thể hiện thông điệp xuyên suốt của AIPA và mong muốn của nước chủ nhà Campuchia đẩy mạnh xây dựng một cộng đồng đồng đều, vững mạnh và bao trùm. 

Đại hội đồng tập trung thảo luận các vấn đề: Hòa bình, an ninh, chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của ASEAN; Tăng cường ngoại giao nghị viện về an ninh hàng hải, thúc đẩy ổn định khu vực Đông Nam Á; Thúc đẩy hợp tác nghị viện vì sự tăng trưởng kinh tế xã hội bao trùm và bền vững thông qua cách tiếp cận tích hợp các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị ESG; Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong chuyển đổi kỹ thuật số để bảo vệ xã hội toàn diện; Tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số để bảo vệ xã hội toàn diện; Tăng cường bảo vệ sức khỏe xã hội để giải quyết các thách thức trong ASEAN; Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vì sự phục hồi bền vững, bao trùm và tự cường sau COVID-19; Nâng cao vai trò của nữ nghị sỹ trong việc đẩy mạnh chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh; Phát huy sự tham gia của thanh niên vì một cộng đồng ASEAN thịnh vượng và phát triển bền vững.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch AIPA-43 Heng Samrin bày tỏ cam kết chính trị tập thể của AIPA giúp xây dựng một cộng đồng ASEAN tự cường, toàn diện và bền vững hơn, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN. Cam kết đó đã được thể hiện tại Đại hội đồng AIPA-43 lần này, thông qua 5 ngày làm việc tích cực, trên tinh thần tin tưởng và thấu hiểu trong AIPA và giữa AIPA với các Quan sát viên. Rất nhiều nghị quyết đã được thông qua tại phiên họp các Hội nghị, Ủy ban và đối thoại với 16 Quan sát viên thể hiện nỗ lực tập thể, vì mục tiêu chung, chia sẻ lợi ích và cùng giải quyết các thách thức phức tạp của khu vực và quốc tế.

Đại  hội đồng AIPA-43 kết thúc tốt đẹp với việc chuyển giao vai trò Chủ tịch AIPA 2022 - 2023 cho Nghị viện Indonesia - nước chủ nhà của Đại hội đồng AIPA-44.

EU bất đồng về giá trần khí đốt

Bộ trưởng Công Thương Czech Jozef Sikela rung chuông bắt đầu phiên họp các Bộ trưởng Năng lượng EU ở Brussels, Bỉ, ngày 24/11. (Ảnh: AFP)

Các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/11 đã không nhất trí được về mức trần giá khí đốt nhằm giảm thiểu cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng các nước EU đã thông qua được hai "biện pháp quan trọng", gồm mua chung khí đốt để tránh cạnh tranh nội khối khiến giá tăng, đoàn kết nguồn cung khi cần thiết và đẩy nhanh quá trình cấp phép các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các Bộ trưởng EU còn bất đồng về đề xuất áp giá trần khí đốt 275 euro/MWh do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hai ngày trước đó.

Theo Bộ trưởng Công Thương Czech Jozef Sikela, quốc gia Chủ tịch luân phiên EU, các Bộ trưởng EU sẽ họp vào nửa đầu tháng 12 để thu hẹp khác biệt. Kế hoạch giới hạn giá, nếu được thông qua, sẽ bắt đầu từ tháng 1/2023. Kế hoạch này sẽ được triển khai đồng thời với một sáng kiến tự nguyện dành cho các quốc gia thành viên EU nhằm cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong mùa Đông ở Bắc Bán cầu.

EU gần đây đã thông qua hàng loạt giải pháp để giảm thiểu tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại, từ giảm tiêu thụ cho đến áp thuế lợi tức phụ thu để thu hồi một phần lợi nhuận từ các nhà sản xuất năng lượng. Tuy nhiên, liên minh vẫn bị chia rẽ về việc có nên áp giá trần khí đốt hay không và thực hiện thế nào nếu có.

Ngày 24/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo những nỗ lực của phương Tây nhằm áp giá trần đối với dầu mỏ Nga có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trên thế giới. Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đưa ra cảnh báo trên trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Mohammed al-Sudani diễn ra cùng ngày. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đã đề cập việc một số nước phương Tây tìm cách áp đặt mức giá trần đối với dầu thô của Nga. Ông nhấn mạnh rằng những hành động như vậy "trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường và rất có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu".

Thảm họa động đất tại Indonesia khiến 310 người thiệt mạng

Hoạt động tìm kiếm người mất tích vẫn đang được lực lượng cứu hộ Indonesia tiếp tục. (Ảnh: AFP)  

Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết: Vào lúc 13 giờ 21 phút ngày 21/11 (theo giờ địa phương), một trận động đất mạnh 5,6 độ richter đã làm rung chuyển tỉnh Tây Java của Indonesia, khiến ít nhất 310 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương, đồng thời làm hư hại hơn 20.000 ngôi nhà.

Người đứng đầu Cơ quan giảm thiểu thiên tai quốc gia Indonesia, ông Suharyanto cho biết, hiện vẫn còn 24 người mất tích do động đất gây lở đất và sập nhà. Trong ngày 25/11, các đội cứu hộ vẫn tiếp tục đào vét bùn đất và tìm kiếm trong các đống đổ nát với hy vọng cứu thêm những nạn nhân còn sống sót. Tuy nhiên, cơ quan này thừa nhận hy vọng ngày càng mong manh.

Cùng ngày, hàng trăm người Indonesia đã tham gia lễ cầu nguyện cho các nạn nhân được tổ chức ở các không gian ngoài trời thay vì trong các đền thờ do người dân lo ngại nguy cơ tiếp tục xảy ra động đất. Trên thực tế, hàng trăm đợt dư chấn đã xảy ra sau động đất, liên tục làm rung chuyển vùng đồi núi trên đảo Java. Nhiều người dân trong khu vực hiện vẫn đang tạm trú tại các khu sơ tán, cần được tiếp tế thực phẩm, nước uống và thuốc men. Tuy nhiên, thời tiết mưa lớn và các trận lở đất tiếp diễn đang cản trở những nỗ lực này.

Với vị trí nằm trên "Vành đai lửa", Indonesia thường xuyên trải qua các trận động đất. Năm 2018, một trận động đất 7,5 độ và sóng thần theo sau ở Palu trên đảo Sulawesi đã khiến hơn 4.300 người chết và mất tích. Vào năm năm 2004, trận động đất 9,1 độ xảy ra ngoài khơi đảo Sumatra đã gây ra sóng thần, khiến 220.000 người tại nhiều khu vực bị thiệt mạng, trong đó có khoảng 170.000 người ở Indonesia.

Trận động đất ngày 21/11 nguy hiểm vì nó tấn công khu vực đông dân cư, tâm chấn ở độ sâu chỉ 10 km. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) xác định những trận động đất có tâm chấn ở độ sâu dưới 70 km là "tâm chấn nông" và chúng thường gây thiệt hại nặng nề hơn so với "tâm chấn sâu".

Giới chức cho hay nhà cửa xây dựng kém chất lượng khiến nhiều người thiệt mạng. Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi để tái thiết khu vực, cần xây dựng nhà cửa có tính năng chống động đất khi tới thị sát vùng thiên tai ngày 22/11.

Bùng phát dịch cúm gia cầm nghiêm trọng nhất tại Mỹ và châu Âu

Nhân viên kiểm dịch tiêu hủy gia cầm do dịch cúm tại một trang trại thuộc Tây Nam nước Pháp ngày 27/1/2022. (Ảnh: AFP) 

Ngày 24/11, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố số liệu cho thấy cúm gia cầm đã làm chết 50,54 triệu con gia cầm ở nước này trong năm nay. Đây là đợt bùng phát dịch cúm gia cầm nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, vượt mức 50,5 triệu con gia cầm chết hồi năm 2015.

Theo USDA, đợt bùng phát dịch ở Mỹ, bắt đầu vào tháng 2/2022, lan rộng trên các đàn gia cầm và các loài chim ở 46 bang. Các trang trại gà tây chiếm hơn 70% trang trại gia cầm thương mại bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát này. Nguyên nhân lây lan dịch bệnh là do các loài chim hoang dã như vịt truyền virus cúm A độc lực cao (HPAI) qua phân, lông của chúng hoặc tiếp xúc trực tiếp với gia cầm. 

USDA cho biết các quan chức chính phủ đang xem xét tình trạng lây nhiễm tại các trang trại nhằm đưa ra các đề xuất mới để ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng. 

Thiệt hại về gia cầm đẩy giá trứng và thịt gà tây lên mức cao kỷ lục, làm tăng thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng vốn đang đối mặt với lạm phát rất cao và khiến ngày Lễ tạ ơn 24/11 tại Mỹ trở nên đắt đỏ hơn.

Liên minh châu Âu và Anh cũng đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng cúm gia cầm tồi tệ chưa từng thấy. Ước tính gần 50 triệu con gia cầm cũng đã bị tiêu hủy. Một số siêu thị tại Anh phải chia khẩu phần mua trứng của khách hàng sau khi dịch bệnh bùng phát làm gián đoạn nguồn cung.

Ông Anwar Ibrahim được chỉ định làm Thủ tướng Malaysia

Ông Anwar Ibrahim được chỉ định làm Thủ tướng thứ 10 của Malaysia. (Ảnh: Vincent Thian/AP) 

Chiều 24/11, Hoàng gia Malaysia thông báo lãnh đạo phe đối lập, nhà chính khách lâu năm Anwar Ibrahim đã được chọn làm tân Thủ tướng, trong một diễn biến được kỳ vọng giúp chấm dứt bế tắc bầu cử kéo dài tại quốc gia Đông Nam Á.

 

Sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo Malaysia và căn cứ Hiến pháp Malaysia, Quốc vương Malaysia Yang di-Pertuan Agong Al-Sultan đã bổ nhiệm ông Anwar làm Thủ tướng thứ 10 của quốc gia Đông Nam Á. Dự kiến ông Anwar Ibrahim sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc vương Malaysia Yang di-Pertuan Agong Al-Sultan vào lúc 17h giờ địa phương (16h giờ Việt Nam).

Hãng tin CNBC dẫn lời Quốc vương Malaysia Yang di-Pertuan Agong Al-Sultan kêu gọi người dân nước này đoàn kết vì đất nước, dù là giành chiến thắng hay thất bại trong bầu cử. “Điều quan trọng là đất nước của chúng ta không lâm vào tình cảnh bất ổn chính sách vì đất nước cần một chính phủ mạnh và ổn định” – Quốc vương Al-Sultan nói. Bên cạnh đó, Quốc vương cũng yêu cầu các thành viên được bầu trong Quốc hội tiếp tục phụng sự đất nước thật tốt, đồng thời gửi lời cảm ơn tới các nhà lãnh đạo vì sự hỗ trợ của họ nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.

Ông Anwar Ibrahim là chính trị gia lâu năm của Malaysia. Ông là cấp phó của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad vào những năm 1990 sau đó bị sa thải vào năm 1998. Ông Anwar được bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng Malaysia vào một thời điểm quan trọng, khi quốc gia Đông Nam Á phải đương đầu với một nền chính trị rạn nứt và nỗ lực phục hồi kinh tế bị rơi vào suy thoái cùng với những hậu quả nặng nề từ đại dịch COVID-19 khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Nhà chính trị gia kỳ cựu cũng được đánh giá là người có khả năng đoàn kết các phe phái và lãnh đạo một chính phủ gồm các liên minh bị chia rẽ trong nhiều năm./.

 

Theo Đảng Cộng sản Việt Nam
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới