Thế giới tuần qua: Chìa khóa nào để gỡ bõ nút thắt?

Thế giới tuần qua (15 – 21/3), trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, các nước tăng cường chiến dịch tiêm phòng vaccine, đồng thời xem xét sử dụng hộ chiếu vaccine điện tử, thì những căng thẳng lại tiếp tục gia tăng trong quan hệ song phương Mỹ – Trung, Nga – Mỹ, hay xung đột lại nổ ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria…

Mặc dù đã nỗ lực đàm phán, tham vấn, song không thể phủ nhận rằng các quốc gia vẫn còn nhiều việc phải làm để tìm ra chiếc chìa khóa nhằm gỡ bỏ các nút thắt, thu hẹp những bất đồng, hướng tới phát triển kinh tế, bảo đảm cuộc sống cho người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vốn đã và đang gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ.

Cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung kết thúc trong căng thẳng

Quang cảnh cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung thể thức 2+2 tại Alaska hôm 18/3 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc đối thoại hai ngày ở Alaska (Mỹ) giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc - với 3 vòng đàm phán - đã kết thúc ngày 19/3 mà không đưa ra bất cứ tuyên bố chung nào.

Ngay trong ngày khai mạc cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan cùng Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vương Nghị, hai bên đã công khai chỉ trích các chính sách của nhau trước ống kính truyền hình và giới phóng viên tác nghiệp tại sự kiện, bỏ qua những quy tắc ngoại giao thông thường.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken cáo buộc Trung Quốc vi phạm các nguyên tắc quốc tế, tấn công mạng nhằm vào Mỹ cũng như những hành động của Bắc Kinh với các đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc  Dương Khiết Trì đáp lời bằng bài chỉ trích Mỹ kéo dài, cáo buộc Mỹ đang sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để gây sức ép với các nước khác, lạm dụng an ninh quốc gia để đe dọa tương lai thương mại quốc tế, đồng thời khẳng định không chấp nhận việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Phát biểu sau cuộc hội đàm, các quan chức Mỹ nói rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc là hữu ích, nhưng không nêu bật bất kỳ kết quả cụ thể nào. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết đã “dự báo về các cuộc đàm phán trực tiếp, khó khăn” về nhiều vấn đề và đó “chính xác” là những gì họ đã trải qua. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì nhấn mạnh, ông không ngạc nhiên khi Mỹ phải đối mặt với "phản ứng phòng vệ" từ Trung Quốc sau khi nước này đưa ra hàng loạt cáo buộc Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan cũng như các cuộc tấn công mạng.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, người cũng tham dự cuộc hội đàm, nói với kênh truyền hình Trung Quốc CGTN rằng phái đoàn Trung Quốc đã nói với phía Mỹ chủ quyền của Trung Quốc là một vấn đề nguyên tắc và Mỹ không nên đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Có thể thấy rõ ràng rằng cuộc gặp gỡ cứng rắn đã cho thấy rõ mức độ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở ngay đầu nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Diễn biến này cũng chỉ rõ hai Washington và Bắc Kinh sẽ còn nhiều việc phải làm để thu hẹp những bất đồng trong bối cảnh quan hệ song phương liên tục rơi vào trạng thái đối đầu và chỉ trích lẫn nhau.

Nga triệu hồi Đại sứ tại Mỹ để tham vấn về quan hệ song phương

 Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov (Ảnh: TASS) 

Ngày 17/3, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Đại sứ nước này tại Mỹ - ông Anatoly Antonov đã được triệu hồi trở về Moscow để tham vấn nhằm xác định các bước đi tiếp theo trong quan hệ song phương. Bà Zakharova khẳng định, hiện Nga lưu tâm tới việc ngăn chặn mối quan hệ với Mỹ tiếp tục đi xuống theo chiều hướng không thể đảo ngược, đồng thời cáo buộc Washington là nguyên nhân gây nên những bế tắc trong quan hệ hai nước. 

Hãng tin TASS của Nga đưa tin, ngày 20/3, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã rời tòa nhà Đại sứ quán Nga ở Washington lên đường trở về Moscow tham dự các cuộc tham vấn về quan hệ giữa hai nước. Phát biểu với các phóng viên tại sân bay, Đại sứ Antonov cho biết cần phải phân tích tình trạng của mối quan hệ Nga – Mỹ và Nga luôn quan tâm phát triển mối quan hệ song phương với Mỹ. Ông Antonov thông báo sẽ có một số cuộc gặp ở Moscow và hiện “khó nói” trước về thời gian ở lại Moscow.

Theo đánh giá của Đại sứ quán Nga tại Mỹ, cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ chính sách và những tuyên bố của các quan chức cấp cao Mỹ, gây ra nguy cơ sụp đổ trong mối quan hệ song phương. Nga khẳng định, việc vun đắp nên một mối quan hệ song phương tốt đẹp và thiết thực sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho cả đôi bên mà còn đối với cộng đồng thế giới.

Theo nhận định của giới phân tích, việc Nga quyết định triệu hồi Đại sứ nước này tại Mỹ là một diễn biến mới cho thấy “sự xuống dốc” chưa có điểm dừng trong quan hệ giữa hai cường quốc trong bối cảnh những mâu thuẫn mới nảy sinh khi mà những tranh cãi cũ vẫn chưa được cởi bỏ.

Máy bay Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu không kích tại Syria sau 17 tháng

 Cảnh đổ nát tại Syria sau các cuộc không kích (Ảnh minh họa: AP)

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, một máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/3 đã oanh tạc một khu vực ở miền Bắc Syria do dân quân người Kurd nắm giữ. Đây là vụ không kích đầu tiên của Ankara tại Syria trong vòng 17 tháng.

Trước đó, hồi tháng 2/2020, ít nhất 11 binh sỹ Syria đã thiệt mạng do các cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ trong cùng ngày vào tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria.

Nga ủng hộ chính phủ Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn một số nhóm vũ trang đối lập. Sau đợt leo thang căng thẳng vào đầu năm 2020, gây nguy cơ đẩy hai bên vào tình trạng đối đầu trực diện, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vào tháng 3/2020 đã đồng ý chấm dứt đối đầu và tiến hành các hoạt động tuần tra chung tại Idlib.

Liên hợp quốc cho biết có khoảng 4 triệu người đang sinh sống ở khu vực Tây Bắc Syria, trong đó có 2,7 triệu người đã phải di cư, bỏ nhà cửa trong cuộc xung đột kéo dài chín năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Vaccine AstraZeneca được kết luận là “an toàn và hiệu quả”

Vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 (Ảnh: Reuters) 

Trong cuộc họp của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), ngày 16/3, Giám đốc điều hành Emer Cooke cho biết hiện "không có dấu hiệu” cho thấy việc tiêm vaccine AstraZeneca gây ra hiện tượng máu đông, đồng thời bày tỏ tin tưởng “lợi ích mà vaccine đem lại trong việc ngăn ngừa COVID -19 lớn hơn rủi ro về những tác dụng phụ”. Tuyên bố  này của EMA đã xóa tan nghi ngại về những tác dụng phụ của chế phẩm này. Để đi đến kết luận trên, EMA đã điều tra từng trường hợp, tham vấn các nhà khoa học tại 27 quốc gia thành viên EU. Trong tổng số 5 triệu người châu Âu đã được tiêm vaccine của AstraZeneca, có 30 người xuất hiện triệu chứng máu vón cục. EMA khẳng định, đối với cả 30 trường hợp này, cục máu đông hình thành không liên quan đến việc vừa tiêm vaccine trước đó.

Ngay sau thông báo trên của EMA, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Đức, Pháp, Italy, CH Cyprus, Latvia và Litva, Indonesia, đã nối lại việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca khi các cơ quan quản lý của Anh và châu Âu khẳng định tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 19/3, cũng tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc tiêm vaccine của hãng AstraZeneca, đồng thời kêu gọi các quốc gia duy trì triển khai tiêm chủng sau khi xem xét các báo cáo về hiện tượng đông máu ghi nhận ở một số trường hợp được tiêm vaccine này.

Theo số liệu tổng hợp của hãng tin AFP, đã có hơn 400 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 được phân phối trên khắp thế giới, cho thấy chiến dịch tiêm chủng vaccine đã được đẩy nhanh tại các nước trong thời gian gần đây. Việc làm này được tăng cường trong bối cảnh số liệu trên trang web thống kê worldometers.info liên tục chỉ ra rằng số người mắc bệnh và tử vong do COVID-19 gia tăng không ngừng. Tính đến sáng 21/3, thế giới có tổng số 123.430.452 ca nhiễm và 2.722.032 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 506.901 ca nhiễm và 8.127 ca tử vong mới. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.

WHO lên tiếng về việc sử dụng "hộ chiếu vaccine điện tử"

Chiến lược chứng nhận vaccine điện tử được nghiên cứu để áp dụng ở nhiều nước (Ảnh minh họa: dw.com) 

Ngày 16/3, Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, chứng nhận điện tử về vaccine COVID-19 sẽ hữu ích cho các chính phủ trong quản lý đăng ký tiêm chủng ở mỗi nước, đồng thời thúc đẩy giám sát tốt hơn các lô vaccine và tỉ lệ tiêm chủng đã đạt được.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Ryan cũng cảnh báo không nên sử dụng chứng nhận điện tử về tiêm chủng cho một số hoạt động như cho phép một cá nhân đi lại hoặc đăng ký vào đại học... Ông nhấn mạnh Ủy ban Khẩn cấp của WHO đã khuyến cáo rằng hiện tại chứng nhận vaccine cho đi lại quốc tế không được xem là đúng đắn bởi vaccine chưa được cung cấp rộng rãi cũng như chưa được phân phối công bằng.

Chiến lược chứng nhận vaccine điện tử đã được thực hiện ở Israel và Bahrain và gần đây triển khai ở Trung Quốc. Chính phủ Anh đang nghiên cứu khả năng cấp một số loại “chứng nhận trạng thái COVID” có thể được các nhà tuyển dụng và các đơn vị tổ chức các sự kiện lớn sử dụng trong bối cảnh các hạn chế ngăn ngừa COVID-19 chuẩn bị nới lỏng trong năm nay. Trong khi trước đó, Liên minh châu Âu (EU), ngày 1/3 đã công bố kế hoạch cấp “giấy thông hành xanh”./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới