Thế giới tuần qua: Căng thẳng - bất đồng đan xen

Thế giới tuần qua (10 – 16/5) chứng kiến căng thẳng leo thang dữ dội trong cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng hồi giáo Hamas, căng thẳng tái diễn giữa Armenia và Azerbaijan, bất đồng giữa Nga và Mỹ, những rủi ro cao về môi trường, và cùng với đó là diễn biến của đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục đáng lo ngại trên phạm vi toàn cầu.

Dải Gaza chìm trong biển lửa, nguy cơ chiến tranh Israel - Hamas

 Khói lửa bốc lên sau vụ oanh kích của Israel xuống thành phố Gaza ngày 12/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Xung đột giữa Israel và Palestine gia tăng nhanh chóng từ đầu tuần này, đẩy hai bên vào vòng xoáy bạo lực tồi tệ nhất trong vài năm trở lại đây. Cho đến nay, các nhóm vũ trang Palestine ở Dải Gaza đã nã hơn 2.300 quả rocket về phía Israel, còn Israel đáp trả bằng các cuộc không kích vào Dải Gaza.

Giới chức y tế Palestine cho biết đến nay có ít nhất 119 người ở Gaza thiệt mạng (trong đó có 31 trẻ em và 19 phụ nữ) và 830 người khác bị thương. Trong khi đó, giới chức Israel cho biết số người thiệt mạng đến nay của nước này là 8 người, gồm 1 binh sĩ Israel, 6 thường dân và 1 người lao động Ấn Độ. Tình hình nhân đạo tại Gaza đã bắt đầu đi xuống nghiêm trọng kể từ khi bùng phát màn so găng quân sự giữa Israel và Palestine. Chiến sự leo thang trong nhiều ngày qua cũng đã khiến các tuyến đường giao thương hàng hóa từ Gaza vào Israel bị đóng cửa.

Cuộc xung đột bùng phát từ ngày 10/5 sau khi Phong trào Hamas phóng rocket vào Jerusalem và Tel Aviv để trả đũa cho cuộc đụng độ giữa cảnh sát Israel và người biểu tình Palestine ở gần đền thờ al-Aqsa ở Jerusalem.

Cho đến chiều 15/5, tiếng còi báo động vẫn tiếp tục vang lên trên khắp thành phố Tel Aviv và các vùng lân cận khi lực lượng Hamas bắn nhiều rocket vào khu vực này.

Cũng trong ngày 15/5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng đổ lỗi cho phong trào Hamas vì đã khơi mào cho chiến sự diễn ra trong suốt tuần qua với hành động phóng rocket vào Israel, đồng thời tuyên bố Israel sẽ tiếp tục tấn công vào Dải Gaza cho tới khi nào còn thấy cần thiết, tuy nhiên sẽ cố gắng hết sức để tránh gây thương vong cho dân thường.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/5 đã có cuộc điện đàm, trong đó hai nhà lãnh đạo trao đổi về những diễn biến gần đây. Thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết ông Netanyahu đã cảm ơn nhà lãnh đạo Mỹ về sự ủng hộ đối với Tel Aviv, đồng thời nhấn mạnh Israel đang làm mọi cách để bảo vệ dân thường.

Cùng ngày, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Mỹ. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Palestine kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền hồi tháng 1/2021.

Trong một diễn biến khác có liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Đặc phái viên Mỹ Hady Amr sẽ có cuộc hội đàm với giới chức Israel trong ngày 16/5 trước khi gặp giới chức Palestine để tìm kiếm giải pháp để "ổn định tình hình."

Dự kiến, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng sẽ nhóm họp trong ngày 16/5 để thảo luận về tình trạng bạo lực tại Dải Gaza.

Căng thẳng tái diễn giữa Armenia và Azerbaijan

 Binh sĩ Armenia nã pháo về phía lực lượng Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 25/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/5, quyền Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cáo buộc quân đội Azerbaijan vượt biên xâm nhập vào lãnh thổ phía Nam của nước này. Phía Azerbaijan đã bác bỏ thông tin này.

Ông Pashinyan cho biết quân đội Azerbaijan đã tiến sâu hơn 3km vào khu vực phía Nam Armenia và có kế hoạch "bao vây" Hồ Sev Lich. Ông Pashinyan nêu rõ quân đội Armenia đã có phản ứng phù hợp với động thái trên, đồng thời nhấn mạnh căng thẳng mới này cần phải giải quyết thông qua đối thoại.

Bộ Ngoại giao Azerbaijan ngay lập tức đã ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc của Armenia mà họ gọi là “mang tính kích động”. Tuyên bố nhấn mạnh lực lượng biên phòng Azerbaijan chỉ triển khai quân trong khu vực thuộc chủ quyền của Azerbaijan tại hai huyện Lachin và Kalbajar. Bộ Ngoại giao Azerbaijan cũng khẳng định cam kết hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực và hối thúc có các bước đi nhằm thực hiện mục tiêu này.

Giữa Amernia và Azerbaijan tồn tại căng thẳng kéo dài liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với Nagorny-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Xung đột lên đến đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát tại khu vực này từ ngày 27/9/2020 đã khiến con số thương vong ước tính lên tới hàng nghìn người.

Ngày 9/11/2020, các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã ký tuyên bố ngừng bắn do Nga làm trung gian, nhằm chấm dứt cuộc xung đột vũ trang đẫm máu kéo dài 1 tháng rưỡi tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh.

Ngày 14/5, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan diễn ra cùng ngày.

Mỹ thông báo tạm thời nối lại các dịch vụ lãnh sự tại Nga

Cờ Mỹ tại tòa nhà Đại sứ quán Mỹ ở Moskva. (Nguồn: Sputnik) 

Ngày 14/5, Đại sứ quán Mỹ tại Nga thông báo sẽ tạm thời nối lại các dịch vụ lãnh sự cho công dân Mỹ sau khi Moscow hoãn lệnh cấm cơ quan này thuê công dân nước ngoài.

Theo Đại sứ quán Mỹ tại Moscow, chính phủ Nga đã thông báo cho phái bộ ngoại giao này về ý định của mình hoãn việc cấm đại sứ quán thuê các nhân viên là người nước ngoài. Do đó, Đại sứ quán Mỹ tại Nga sẽ tạm thời nối lại các dịch vụ thông thường cho công dân đến ngày 16/7.

Quyết định này được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ, ông Antony Blinken, trong tuần này.

Quan chức ngoại giao hai nước đã nhất trí gặp nhau bên lề một cuộc họp của Hội đồng Bắc cực tại Reykjavik (Iceland) ngày 19 – 20/5. Quyết định này cũng được cho là để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng định giữa Tổng thống hai nước, được đề xuất diễn ra trong tháng 6.

Trước đó, từ ngày 12/5, Đại sứ quán Mỹ tại Moskva dừng phần lớn dịch vụ lãnh sự đối với công dân nước này cũng như ngừng cấp thị thực. Lý do là số nhân viên làm việc tại Đại sứ quán giảm do các biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa hai nước.

Quan hệ Nga – Mỹ đang suy giảm với việc Washington cáo buộc Điện Kremlin can thiệp bầu cử Mỹ, thực hiện các cuộc tấn công mạng qui mô lớn và các hoạt động  khác. Moskva bác bỏ các cáo buộc này.

99/100 thành phố chịu rủi ro cao nhất về môi trường nằm ở châu Á

 Có tới 99/100 thành phố chịu rủi ro cao nhất về môi trường nằm ở châu Á (Ảnh: Reuters)

Báo cáo do công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft (Anh) công bố ngày 12/5 cho biết, trong số 100 thành phố dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do các hiểm họa về môi trường, có tới 99 thành phố nằm ở khu vực châu Á. Trong số này, có tới 37 thành phố ở Trung Quốc, 43 thành phố ở Ấn Độ - hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ nhất và thứ ba thế giới. Lima (Peru) là thành phố duy nhất bên ngoài châu Á nằm trong danh sách 100 thành phố nói trên.

Trên quy mô toàn cầu, có 1,5 tỷ người sống tại 414 thành phố đang đối mặt với nguy cơ cao vì các vấn đề môi trường như: Ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước sạch, các đợt nóng gây chết người, thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thủ đô Jakarta của Indonesia đứng đầu danh sách tổng hợp rủi ro dựa trên 9 yếu tố được phân tích bởi Verisk Maplecroft. Các vị trí tiếp theo của lần lượt là thủ đô New Delhi và thành phố Chennai (cùng ở Ấn Độ) và thành phố Surabaya (Indonesia). Ấn Độ là quốc gia có tới 13 trong số 20 thành phố có nguy cơ rủi ro cao nhất trên thế giới.

WHO: Số ca mắc và tử vong do COVID-19 giảm 4%

 Số ca mắc và tử vong do đại dịch COVID-19 đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. (Ảnh: UN)

Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12/5 cho biết, hiện đang ghi nhận số ca mắc và tử vong do virus Corona mới giảm ở hầu hết các khu vực, bao gồm châu Mỹ và châu Âu - hai khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, theo WHO, diễn biến giảm vẫn "không bền vững", và “tỷ lệ mắc và tử vong, tuy nhiên, vẫn ở mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch".

Cơ quan Liên hợp quốc nhắc lại rằng tỷ lệ tử vong đã tăng lên ở các khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Tỷ lệ tử vong tăng ở Tây Thái Bình Dương (+ 34%) và Đông Nam Á (+ 15%), nhưng giảm ở châu Âu (-18%), Đông Địa Trung Hải (-13%), Bắc và Nam Mỹ (- 4%) và châu Phi (-3%). Đồng thời, số ca mắc mới hàng tuần đã giảm ở tất cả các khu vực ngoại trừ Đông Nam Á, khu vực tiếp tục "trên một quỹ đạo tăng trong 9 tuần". Đông Nam Á, theo phân loại của WHO cũng bao gồm Ấn Độ, ghi nhận mức tăng ca bệnh nhiều nhất (+ 6%).

Tổ chức Y tế thế giới cũng tuyên bố biến thể B.1.617 của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10/2020 là "biến thể đáng lo ngại", cùng với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Anh, Brazil và Nam Phi vì B.1.617 dễ lây lan hơn so với chủng virus ban đầu. Các biến thể này được cho là nguy hiểm hơn so với chủng virus ban đầu bởi chúng vừa có khả năng lây nhiễm vừa có độc lực cao hơn và thậm chí có thể thoát khỏi sự bảo vệ của một số loại vaccine.

Biến thể B.1.617 đã được ghi nhận ở hơn 4.500 mẫu bệnh phẩm từ 44 quốc gia được đăng tải trên hệ thống dữ liệu truy cập mở. Biến thể này được cho là nguyên nhân chính gây ra làn sóng dịch COVID-19 dữ dội hiện nay ở Ấn Độ. Ngoài Ấn Độ, WHO cho biết Anh là quốc gia ghi nhận có nhiều ca nhiễm biến thể mới này nhất./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới