Biểu tình chống Taliban ở thủ đô Kabul, ngày 19/8. (Ảnh: Reuters) |
Cuối tuần trước, cuộc sống ở thủ đô Afghanistan vẫn diễn ra bình thường. Nhưng khi bình minh ló rạng ngày 15/8, Kabul thất thủ chóng vánh, rơi vào hỗn loạn khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát đất nước, Tổng thống Ashraf Ghani thì chạy sang nước ngoài để lại một đất nước Afghanistan hỗn loạn, với tương lai chưa biết rõ sẽ về đâu, còn các nước bắt đầu chạy đua chiến dịch giải cứu công dân, người dân Afghanistan thì tháo chạy khỏi đất nước… Những diễn biến dồn dập làm thay đổi vận mệnh đất nước Afghanistan vốn là “kịch bản” đã được dự đoán từ trước, chỉ có điều nó đến sớm hơn so với tính toán. Cuộc xung đột tại Afghanistan đã đi đến hồi kết trong một tiến trình không thể đảo ngược, sẽ sớm đưa Taliban trở lại quyền lực sau 20 năm.
Ngày 17/8, phong trào Taliban đã tổ chức cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi giành chính quyền tại Afghanistan, trong đó cam kết nhiều vấn đề được đánh giá là đổi mới so với khi phong trào Hồi giáo này cầm quyền trước khi bị lật đổ cách đây 2 thập kỷ. Ngày 21/8, một phát ngôn viên của Taliban cho biết, lực lượng này dự kiến công bố cơ cấu chính phủ mới của Afghanistan trong vài tuần tới, theo mô hình không hẳn là một nền dân chủ theo định nghĩa của phương Tây nhưng sẽ bảo vệ quyền của tất cả mọi người.
Tuy nhiên, những gì mà dư luận trông chờ chính là hành động thực tế để ổn định tình hình chứ không chỉ là những lời hứa hẹn. Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric tuyên bố, Liên hợp quốc sẽ cần phải thấy được hành động trên thực tế của lực lượng này tại Afghanistan. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ sẽ chỉ công nhận một chính quyền của Taliban tại Afghanistan nếu phong trào tôn trọng nữ quyền và không tham gia những tổ chức cực đoan như al-Qaeda...
Đó là phản ứng của thế giới, còn trong nước, người dân Afghanistan vẫn đang chen chân tháo chạy khỏi đất nước, trong khi các cuộc biểu tình chống Taliban đang diễn ra ở nhiều thành phố, các phong trào liên minh chống Taliban đang được củng cố dưới sự tham gia của một số quan chức cấp cao thuộc chính quyền cũ… Tất cả đã vẽ nên một bức tranh không mấy tươi sáng về tương lai Afghanistan. Sau 2 thập kỷ chiến tranh, tương lai đất nước và số phận người dân nơi đây vẫn đầy bất trắc.
Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới
Ảnh: AP |
Tuần qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận những dấu mốc kỷ lục đáng buồn và lo ngại trong chiến dịch chống COVID-19. Bất chấp các biện pháp phòng ngừa và tỷ lệ tiêm vaccine đang tăng lên, biến thể Delta với khả năng lây lan dễ dàng hơn đã làm bùng lên số ca mắc mới và tử vong trên phạm vi toàn cầu, xô đổ những kỷ lục trước đó. Tính đến 8 giờ 30 phút sáng hôm nay (22/8), thế giới có 212.145.791 ca nhiễm COVID-19, với 4.436.615 ca tử vong.
Đông Nam Á đã tránh được tình trạng tồi tệ nhất của đại dịch khi dịch bệnh bùng phát vào năm ngoái, nhưng trong những tuần gần đây, khu vực này đang chứng kiến số ca tử vong cao nhất trên toàn cầu khi số ca nhiễm mới tăng vọt, đẩy hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải và phơi bày thực tế là chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 diễn ra chậm chạp. Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) cho rằng việc các ca nhiễm mới tăng vọt do biến thể Delta gây ra đang khiến số ca tử vong tăng nhanh tại Đông Nam Á và tình trạng này còn lâu mới có thể chấm dứt.
Ngày 21/8, Philippines thông báo ghi nhận thêm 16.694 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020. Hiện quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 1.824.051 ca mắc COVID-19, trong đó có 31.596 ca tử vong. Theo Bộ Y tế Philippines, các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta, là một trong những nguyên nhân dẫn tới làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 hiện nay.
Trước đó, chính quyền bang New South Wales của Australia ngày 20/8 thông báo sẽ gia hạn lệnh phong tỏa khu vực Sydney và siết chặt các hạn chế phòng dịch COVID-19 tại một số điểm nóng trong thành phố sau khi ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới. Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian cho biết lệnh phong tỏa thủ phủ Sydney và một số vùng lân cận sẽ được gia hạn đến hết tháng 9, và từ ngày 23/8 việc đeo khẩu trang sẽ là bắt buộc đối với mọi người dân khi ra khỏi nhà, trừ lúc tập thể dục.
Trong khi đó, tình hình tại Mỹ cũng đáng báo động khi nước này vẫn nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất thế giới, phần lớn là do gia tăng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở miền Nam nước này khi nhiều bang chậm trễ trong việc tiêm chủng. Theo Đại học Johns Hopkins, trong hơn 2 tuần đầu tiên của tháng 8, Mỹ đã ghi nhận trên 1,5 triệu ca mới, gấp hơn 3 lần so với số ca mới của 2 quốc gia đứng thứ hai và thứ ba trong danh sách này là Iran và Ấn Độ.
Haiti đối mặt với tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng sau động đất
Người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất sau trận động đất tại Les Cayes, Haiti, ngày 17/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Một tuần sau trận động đất có độ lớn 7,2 tàn phá khu vực Tây Nam đất nước khiến gần 2.200 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, Haiti hiện đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp “sống còn” làm gia tăng căng thẳng do thiếu viện trợ tới các khu vực hẻo lánh của đất nước.
Trên đường phố Haiti, những người sống sót đang phải vật lộn hàng ngày để tìm thức ăn và nước uống khi các đoàn xe nhân đạo bắt đầu phân phát nhu yếu phẩm cơ bản, nhưng thường không đủ số lượng. Việc phân phát viện trợ nhân đạo không chính thức đã diễn ra vào ngày 20/8 tại Los Cayos, thành phố lớn thứ ba của Haiti nơi phần lớn đã bị phá hủy bởi trận động đất, đã gây ra các cuộc ẩu đả giữa đám đông và có cả việc người dân tấn công những chiếc xe tải cứu trợ.
Người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) tại Haiti, ông Pierre Honnorat nói: "Chúng tôi lo ngại về tình hình an ninh xấu đi có thể làm gián đoạn các hoạt động viện trợ đối với những người Haiti dễ bị tổn thương. Chúng tôi đang thảo luận với chính quyền và tất cả các bên để cố gắng ngăn chặn điều này".
Theo thống kê chính thức, tới nay số người thiệt mạng trong trận động đất hôm 14/8 là 2.189 người, ước tính vẫn còn khoảng 332 người mất tích. Người dân ở các thị trấn khu vực miền Nam nước này vẫn đang đào bới nhằm tìm kiếm những thi thể được cho là vẫn nằm dưới đống đổ nát. Hàng chục nghìn ngôi nhà sụp đổ khiến nhiều gia đình người Haiti phải ngủ ngoài trời bất chấp những trận mưa như trút nước vào ban đêm, trong bối cảnh mùa mưa bão ở vùng Caribe còn kéo dài tới cuối tháng 11 tới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thăm Nga trước khi kết thúc nhiệm kỳ
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm cuối cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Moskva. (Ảnh: Reuters) |
Chiều tối 20/8 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc hội đàm trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài có thể là cuối cùng của bà Merkel trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Đức.
Tại cuộc hội đàm ở Điện Kremlin, Tổng thống Putin khẳng định Berlin là một trong những đối tác chủ chốt của Moskva ở cả châu Âu và trên thế giới. Ông cho biết Đức là đối tác kinh tế lớn thứ hai của Nga, chỉ sau Trung Quốc. Kim ngạch thương mại giữa Nga và Đức đã tăng gần gấp đôi trong 6 tháng đầu năm nay.
Theo ông Putin, chuyến công du của bà Merkel đến Nga không chỉ là "một chuyến thăm chia tay" mà còn bao gồm các cuộc thương lượng mang tính xây dựng về các vấn đề khác nhau.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng Moskva và Berlin cần duy trì đối thoại bất chấp những khác biệt giữa hai bên. Bà nêu rõ hai bên có nhiều vấn đề cần phải trao đổi, trong đó có tình hình tại Afghanistan.
Thời gian qua, quan hệ Nga-Đức nói riêng và Nga-Liên minh châu Âu (EU) nói chung không mấy êm đẹp và có những lúc còn được coi là tịnh tiến đến điểm thấp nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nguồn cơn xuất phát từ một số bất đồng cần hóa giải, như các vụ việc liên quan đến tình nghi gián điệp, tấn công mạng, hay những nhân vật có quan điểm chính trị đối lập như Aleksei Navalny. Mặc dù vậy, bà Merkel và ông Putin vẫn thường xuyên duy trì đối thoại.
Cuộc bầu cử Quốc hội Đức sẽ diễn ra vào ngày 26/9 tới và bà Merkel sẽ không ra tranh cử sau 4 nhiệm kỳ liên tiếp lãnh đạo chính phủ.
WTO cảnh báo rủi ro đe dọa triển vọng thương mại toàn cầu
WTO cảnh báo rủi ro đe dọa triển vọng thương mại toàn cầu do tác động của COVID-19. (Ảnh: Reuters) |
Trong thông báo ngày 18/8, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết chỉ số thương mại hàng hóa tăng lên mức 110,4 điểm, mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được công bố lần đầu tiên vào tháng 7/2016 và tăng hơn 20 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thể chế này, việc chỉ số thương mại hàng hóa tăng lên mức kỷ lục cho thấy thương mại hiện đang phục hồi mạnh và cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của cú sốc do đại dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, tổ chức này lưu ý rằng triển vọng thương mại toàn cầu tiếp tục đứng trước những rủi ro.
Trước đó, trong báo cáo sáu tháng một lần về tình hình thương mại thế giới vào ngày 29/7, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo sự chênh lệch trong tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Bà cho biết hình hình thương mại đang rất chênh lệch giữa các khu vực, mà nguyên nhân chính là do khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 bất bình đẳng.
Tuy nhiên, cũng theo quan chức này, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và hoạt động thương mại của toàn thế giới đã phục hồi nhanh hơn dự kiến kể từ nửa cuối năm 2020, sau khi sụt giảm mạnh trong làn sóng bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên.
Theo dự báo mới nhất của WTO, khối lượng thương mại hàng hóa sẽ tăng 8% trong năm 2021 và 4% trong năm 2022./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!